Bộ Tài chính tiếp tục nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ những tháng cuối năm

Theo mof.gov.vn

(Tài chính) Năm 2014, trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, kinh tế thế giới phục hồi chậm hơn dự báo. Trong khi đó, trong nước kinh tế vĩ mô cơ bản ổn đinh, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế có bước phục hồi nhưng môi trường kinh doanh và năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp trong khi yêu cầu hội nhập quốc tế ngày cao. Nhận thức rõ những khó khăn đó, toàn ngành Tài chính đã xác định những nhiệm vụ trọng tâm nỗ lực đạt được những kết quả khả quan.

Bộ Tài chính tiếp tục nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ những tháng cuối năm
Các số liệu về chỉ tiêu kinh tế vĩ mô tháng 10 cho thấy kinh tế đang trên đà ổn định và phục hồi. Nguồn: internet
Thu ngân sách nhà nước vượt dự toán 15,2%

Các số liệu về chỉ tiêu kinh tế vĩ mô tháng 10 cho thấy kinh tế đang trên đà ổn định và phục hồi, thể hiện trên chỉ số giá tiêu dùng, kim ngạch xuất nhập khẩu, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.... Cụ thể:

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2014 tăng 0,11% so với tháng trước; tính chung 10 tháng, tăng 2,36% so với tháng 12/2013 là mức tăng thấp nhất so với mức tăng cùng kỳ một số năm gần đây.

Kim ngạch xuất khẩu Trong tháng 10 năm 2014, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam ước đạt 26,8 tỷ USD, tăng 3,7% so với tháng trước; Xuất khẩu 10 tháng ước đạt 123,07 tỷ USD, tăng 13,4% và tổng trị giá nhập khẩu ước đạt 121,21 tỷ USD, tăng 11,2%. Như vậy, trong 10 tháng năm 2014 cả nước dự kiến xuất siêu gần 1,86 tỷ USD.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài: Thu hút FDI giảm so với cùng kỳ, tuy nhiên giải ngân FDI tiếp tục tăng (thực hiện FDI trong 10 tháng 2014 tăng 5,9% so với cùng kỳ).

Sản xuất công nghiệp cải thiện: Lũy kế 10 tháng năm 2014, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,9% (cùng kỳ năm 2013 là 5,6%). Chỉ số hàng tồn kho tiếp tục có xu hướng giảm (kể từ tháng 8 đến nay).

Số liệu về thu chi  NSNN cũng cho thấy bức tranh cân đối NSNN có những cải thiện đáng kể so với năm 2013. Tổng thu NSNN tháng 10/2014 ước đạt 76.800 tỷ đồng. Luỹ kế thu NSNN 10 tháng đầu năm 2014 đạt 719.490 tỷ đồng, bằng 91,9% dự toán, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó:

Thu nội địa lũy kế  10 tháng ước đạt 484.890 tỷ đồng, bằng 90% so với dự toán, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2013. Đáng chú ý,  thu từ khu vực kinh tế nhà nước đạt 87% dự toán, tăng 27,7%; thu từ khu vực công thương nghiệp ngoài nhà nước đạt 88,5% dự toán, tăng 6,8%; thu từ khu vực FDI đạt 94% dự toán, tăng 14,7%;

Thu từ dầu thô lũy kế 10 tháng ước đạt 88.570 tỷ đồng, bằng 104% so với dự toán, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2013. Giá dầu thanh toán bình quân từ đầu năm đến nay đạt khoảng 111,2 USD/thùng, cao hơn 13,2 USD/thùng so với giá xây dựng dự toán; sản lượng dầu thanh toán ước đạt 12,6 triệu tấn, bằng 88% kế hoạch năm;

Thu cân đối từ hoạt động XNK: Lũy kế thu 10 tháng năm 2014 ước đạt 142.100 tỷ đồng, bằng 92,3% dự toán, tăng 21,9% so với cùng kỳ năm 2013 nhờ kim ngạch XNK 10 tháng đầu năm đạt khá và một số mặt hàng chịu thuế suất cao, trị giá lớn tăng mạnh so với cùng kỳ.

Tổng chi NSNN tháng 10 ước đạt 88.050 tỷ đồng; luỹ kế chi 10 tháng ước đạt 853.645 tỷ đồng, bằng 84,8% dự toán, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó:

Kiểm soát chi NSNN: về chi thường xuyên ước tính đến 31/10/2014, KBNN đã thực hiện kiểm soát 533.012 tỷ đồng thuộc dự toán năm 2014, đạt 75,67% dự toán. Thông qua kiểm soát chi NSNN, KBNN đã phát hiện khoảng 30.000 khoản chi chưa chấp hành đúng thủ tục, chế độ quy định; từ chối thanh toán 31,5 tỷ đồng.  Chi đầu tư, qua kiểm soát thanh toán vốn đầu tư, hệ thống KBNN đã từ chối thanh toán khoảng 59 tỷ đồng do đề nghị thanh toán chưa đúng quy định, sai số học hoặc ngày phê duyệt quyết định đầu tư sau ngày 31/10/2013. Giải ngân vốn đầu tư, theo Báo cáo của KBNN, chi đầu tư XDCB, TPCP thuộc kế hoạch 2014 giải ngân qua KBNN ước tính đến 31/10/2014 là 207.540,7 tỷ đồng, trong đó: vốn đầu tư XDCB giải ngân ước 119.169,9 tỷ đồng, đạt 74,8% kế hoạch; giải ngân vốn TPCP ước 65.202,6 tỷ đồng, đạt 68% kế hoạch vốn năm 2014 nhà nước giao; vốn khác là 23.168,2 tỷ đồng, đạt 64,1% kế hoạch vốn năm 2014.

Về huy động vốn cho NSNN: Tính đến ngày 20/10/2014, KBNN đã huy động được 219.443,3 tỷ đồng TPCP, đạt 94,6% nhiệm vụ huy động vốn trong nước để bù đắp bội chi NSNN và cho đầu tư phát triển năm 2014. 

Tình hình thị trường tiếp tục diễn biến thuận lợi cho công tác huy động vốn, lãi suất trúng thầu giảm đối với các kỳ hạn 5 năm, 10 năm (riêng kỳ hạn 15 năm lãi suất tăng nhẹ) do hiện tại, thanh khoản của hệ thống NHTM vẫn rất dồi dào và trái phiếu kỳ hạn dài (từ 5 năm trở lên) đang nhận được sự quan tâm đông đảo của các nhà đầu tư, đặc biệt là các NHTM và các quỹ đầu tư.

Trong tháng 10, Bộ Tài chính tiếp tục tăng cường biện pháp quản lý, bình ổn giá; tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm soát thị trường giá cả; chú trọng quản lý, điều tiết, bình ổn một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu.

Riêng giá xăng, dầu: trong tháng 10 Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công thương thực hiện 02 lần điều chỉnh giảm giá các mặt hàng xăng, dầu (ngày 13/10/2014 và 23/10/2014). Trong đợt điều chỉnh ngày 23/10/2014, giá bán các mặt hàng xăng dầu sau khi điều chỉnh giảm không cao hơn giá cơ sở theo quy định đã bao gồm khôi phục mức trích Quỹ BOG (giá cơ sở xăng RON 92: 22.341 đồng/lít, dầu điêzen 0,05S: 19.762 đồng/lít, dầu hỏa: 20.060 đồng/lít; dầu madút 180CST 3,5S: 16.572 đồng/kg). Đồng thời, trích Quỹ Bình ổn giá 300 đồng/lít, kg (khôi phục thêm 200 đồng/ lít, kg từ mức 100 đồng/ lít, kg) đối với tất cả các mặt hàng xăng, dầu.

Tập trung hoàn thành nhiệm vụ trọng tâm

Những kết quả đạt được của 10 tháng tuy rất khả quan, nhưng để hoàn thành và hoàn thành vượt chỉ tiêu các mục tiêu đã đề ra đòi hỏi sự cố gắng, nỗ lực của toàn hệ thống. Chính vì vậy, trong những tháng còn lại của năm 2014, Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trong ngành cần nỗ lực tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể:

Thứ nhất, tiếp tục tập trung thực hiện và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao theo Quyết định số 68/QĐ-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính về thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ.

Thứ hai, tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước: Mặc dù nền kinh tế đã có những chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức tác động đến việc thực hiện NSNN. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến và thực hiện điều hành dự toán thu, chi NSNN theo đúng mục tiêu và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra; đảm bảo cân đối thu chi ngân sách. 

Tổ chức thực hiện triển khai đồng bộ các giải pháp để phấn đấu tăng thu ngân sách, trong đó chú trọng việc tổ chức theo dõi, bám sát tình hình, nắm chắc đối tượng, địa bàn; thường xuyên kiểm tra, rà soát số lượng doanh nghiệp đăng ký kinh doanh; tăng cường đôn đốc xử lý thu hồi nợ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế, kiểm tra sau thông quan; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra hoàn thuế GTGT đảm bảo thực hiện đúng quy định của pháp luật; tăng cường giải pháp chống chuyển giá, hạn chế nợ đọng thuế, xử lý nghiêm các trường hợp trốn thuế, kê khai không trung thực về các phải nộp NSNN. Phấn đấu thu vượt mức đánh giá báo cáo Chính phủ.

Tích cực, chủ động trong tổ chức điều hành NSNN; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chi; đảm bảo nguồn đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ chi của NSNN theo dự toán; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; điều hành sử dụng dự phòng ngân sách chặt chẽ, ưu tiên để phòng chống khắc phục thiên tai, bão lụt, dịch bệnh, hỗ trợ lãi suất mua gạo tạm trữ... và một số nhiệm vụ cấp bách phát sinh; hạn chế tối đa trình cấp có thẩm quyền ứng trước dự toán ngân sách và ứng vốn trái phiếu Chính phủ năm sau.