Bộ Tài chính trả lời chất vấn Đại biểu Quốc hội về nợ công và ngân sách nhà nước

PV.

(Tài chính) Chiều ngày 10/6 và sáng ngày 11/6, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIII. Bên cạnh việc Bộ trưởng Bộ Tài chính đăng đàn trả lời trực tiếp chất vấn của các đại biểu quốc hội, Bộ Tài chính cũng đã có văn bản trả lời về vấn đề nợ công, thu, chi ngân sách... FinancePlus.vn trân trọng trích đăng nội dung văn bản trả lời về các vấn đề này.

1. Vấn đề nợ công, khả năng cân đối nguồn trả nợ và giải pháp giảm nợ công để bảo đảm an toàn nền tài chính quốc gia.

Về tình hình nợ công:

Theo số tuyệt đối, nợ công trong những năm gần đây có xu hướng tăng. Tuy nhiên, nếu so với GDP thì tỷ lệ thay đổi không nhiều (tỷ lệ nợ công trên GDP qua các năm là 51,7% (2010); 50,1% (2011); 50,8% [1] (2012) và 54,1% [2] (ước tính 2013) hiện ở dưới mức theo quy định của Nghị quyết của Quốc hội là 65%.

Trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, nguồn vốn của Nhà nước tích luỹ từ nội bộ nền kinh tế cho đầu tư phát triển còn chưa lớn, để có nguồn vốn đáp ứng cho nhu cầu phát triển của đất nước, cần phải huy động nguồn tài chính bổ sung cho đầu tư phát triển, đặc biệt là cơ sở hạ tầng. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến nợ công gia tăng trong thời gian qua.

Về cơ cấu nợ công, khoảng 50% là nợ nước ngoài với điều kiện vay cơ bản là ưu đãi với thời gian đáo hạn còn lại khoảng 15 năm; 50% còn lại là khoản vay trong nước thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ với kỳ hạn phần lớn nằm trong khoảng từ 2-5 năm. Do vậy áp lực về vay mới để trả các khoản vay cũ trong nước là tương đối lớn. Nguyên nhân chủ yếu là do thị trường vốn trong nước còn chưa phát triển, đối tượng mua trái phiếu Chính phủ phần lớn là các Ngân hàng thương mại trong khi cơ cấu nguồn vốn của các NHTM chủ yếu là không kỳ hạn hoặc có thời hạn ngắn.

Hiện nay, trên thế giới chưa có tiêu chí về phạm vi nợ công áp dụng chung cho các quốc gia. Hiện nay phạm vi nợ công của phần lớn các nước  bao gồm nợ Chính phủ và nợ được Chính phủ bảo lãnh.

Đối với Việt Nam, theo quy định của Luật Quản lý nợ công hiện hành, nợ công đã bao gồm: nợ Chính phủ; nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương. Đối với nợ đọng XDCB, đây là khoản nợ phát sinh do cần thiết đẩy nhanh tiến độ một số dự án trọng điểm; do chấp hành kỷ luật tài chính ở một số nơi chưa nghiêm. Do vậy, cần thực hiện đúng Nghị quyết Quốc hội, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện việc cân đối vốn dự toán để thanh toán các khoản nợ đọng của các công trình trong danh mục đã được phê duyệt. Phấn đấu tăng thu để có nguồn xử lý nợ đọng XDCB.

Hiện nay, các khoản nợ của DNNN được Chính phủ bảo lãnh, nợ vay về cho vay lại của Chính phủ đã được tính trong phạm vi nợ công. Các khoản vay nợ của doanh nghiệp không được tính trong nợ công bởi doanh nghiệp là người trực tiếp đi vay nợ để đầu tư và có nghĩa vụ trả nợ.Doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm trả nợ.

Khả năng cân đối nguồn trả nợ:

Với tổng mức dư nợ công hiện nay (54,1% GDP) và dự kiến bội chi NSNN đến 2015 và giai đoạn 2016-2020, theo Kế hoạch Phát triển kinh tế xã hội của Quốc hội; khi đó để đảm bảo khả năng trả nợ cần phải thực hiện những nhiệm vụ quan trọng:

- Thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách phải đạt yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ đề ra trong Chiến lược phát triển ngành tài chính đến 2020 và Kế hoạch năm năm 2011-2015, phải đạt tăng thu 12%-14%/ năm; cân đối NSNN vững chắc; bội chi hợp lý, dành khoảng 20% tổng thu NSNN để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ.

- Các khoản vay bù đắp bội chi cơ bản chỉ sử dụng cho đầu tư phát triển và thực hiện quản lý, sử dụng hiệu quá, giải ngân đúng tiến độ, đúng quy định.

- Cơ bản không vay nước ngoài thương mại, lãi suất cao, thời gian ngắn, kể cả đối với các khoản vay về cho vay lại.

- Nâng cao hiệu quả Quỹ tích lũy trả nợ để đảm bảo nguồn trả nợ của các khoản vay về cho vay lại; định kỳ đánh giá những rủi ro của nợ công để có biện pháp xử lý kịp thời và cơ cấu lại nợ một cách hiệu quả.

Các giải pháp chủ yếu:

- Thực hiện cân đối ngân sách tích cực, từng bước giảm bội chi NSNN so với GDP, bố trí nguồn để trả nợ trong nước, ngoài nước đến hạn hàng năm theo đúng cam kết.

- Trong quá trình điều hành NSNN phấn đấu tăng thu để sử dụng một phần hợp lý để tăng chi trả nợ.

- Có kế hoạch thực hiện cơ cấu lại nợ, giảm các khoản vay lãi suất cao, thời hạn ngắn, tăng trái phiếu trong nước có kỳ hạn dài (5 năm, 10 năm, 15 năm), lãi suất phù hợp với chỉ số lạm phát hiện nay.

- Thực hiện kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với các khoản vay về cho vay lại, các khoản bảo lãnh cho doanh nghiệp; định kỳ kiểm tra, xử lý kịp thời những vướng mắc, những vi phạm.

- Tập trung xử lý các khoản nợ vay về cho vay lại trong quá trình tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN.

2. Vấn đề cân đối thu - chi ngân sách nhà nước, kỷ luật tài khóa. Tình trạng chuyển giá, hoàn thuế sai và trốn thuế, gian lận trong kê khai thuế gây thất thu cho ngân sách nhà nước.

Vấn đề cân đối thu - chi ngân sách nhà nước, kỷ luật tài khóa

Về cân đối thu, chi NSNN:

a, Về nguyên nhân kết quả thu năm 2013 vượt so với đã báo cáo Quốc hội:

Tại kỳ họp thứ 6, Chính phủ đã báo cáo ước thực hiện thu NSNN năm 2013 hụt khoảng 25,2 nghìn tỷ đồng so dự toán. Đến nay báo cáo đánh giá bổ sung thu NSNN năm 2013 về tổng thể (bao gồm cả số ghi thu NSNN) cơ bản đạt dự toán (vượt 0,7% so dự toán); tuy nhiên, nếu không kể số ghi thu- ghi chi, thực chất thu cân đối NSNN vẫn hụt 7,77 nghìn tỷ đồng (-1%) so với dự toán. Đồng thời, Chính phủ cũng đã giải trình các yếu tố khiến số thu cân đối NSNN năm 2013 đạt cao hơn số ước thu đã báo cáo tại kỳ họp trước; theo đó, bên cạnh yếu tố kinh tế những tháng cuối năm 2013 có khởi sắc hơn thì còn do các nguyên nhân: 

- Khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, Chính phủ dự kiến thu khoảng 6-9 nghìn tỷ đồng cổ tức DNNN; thực tế thu được xấp xỉ 6 nghìn tỷ đồng. Đồng thời Quốc hội cho phép thu thêm trên 23 nghìn tỷ phần lợi nhuận còn lại sau khi trích quỹ của các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ.

- Thu vào cân đối NSNN một số khoản phát sinh sau thời điểm báo cáo Quốc hội, như: Thu chênh lệch giá trái phiếu Chính phủ gần 1,05 nghìn tỷ đồng (khoản thu này chỉ xác định sau khi kết thúc năm ngân sách, trên cơ sở cân đối sổ sách kế toán về phát hành trái phiếu); Thu xử phạt an toàn giao thông 2,7 nghìn tỷ đồng[3] (xác định trên số thực nộp vào KBNN trong 6 tháng cuối năm).

- Ngoài ra, một trong những yếu tố quan trọng hơn, đó là sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở, đặc biệt là của cấp uỷ, chính quyền địa phương trong việc chỉ đạo, đôn đốc, tạo điều kiện cho hệ thống cơ quan thuế, hải quan phối hợp chặt chẽ cùng các lực lượng hữu quan trên địa bàn tổ chức hoạt động thu ngân sách một cách có hiệu quả.

b. Về chất lượng công tác dự báo thu NSNN:

- Thời gian qua đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác dự báo thu. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế; nguyên nhân chủ yếu là:

+ Dự báo thu được đưa ra trên cơ sở tình hình thực hiện thu năm trước, dự báo các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô... Thời gian qua, diễn biến kinh tế phức tạp, khó lường; đồng thời, nền kinh tế cũng đang trong quá trình chuyển đổi, chuyển dịch cơ cấu, các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước cũng đang trong quá trình tái cấu trúc; các chính sách thu cũng thường xuyên được sửa đổi, bổ sung để phù hợp thực tế điều hành và yêu cầu hội nhập; từ đó dẫn đến việc khó dự báo chính xác tình hình, dự báo thu khó sát với thực hiện. Bên cạnh đó, thời điểm phải đưa ra các đánh giá, dự báo và xây dựng dự toán thu năm sau là tháng 8, 9 hàng năm, nên có sự khác biệt với thực tế thực hiện cuối năm.

+ Năng lực cán bộ còn hạn chế, hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác xây dựng dự toán chưa đầy đủ và đảm bảo tính chính xác nên cũng ảnh hưởng đến chất lượng công tác phân tích và dự báo thu.

- Giải pháp trong thời gian tới:

+ Một là, việc ban hành, sửa đổi, bổ sung các chính sách thu cần được tính toán, dự báo các yếu tố tác động cả trong ngắn và trung hạn, làm cơ sở xây dựng dự toán thu sát với thực tế.  

+ Hai là, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung, thống nhất, phản ánh trung thực diễn biến nền kinh tế làm cơ sở cho công tác xây dựng dự toán thu ngân sách từ trung ương đến địa phương.

+ Ba là, Nghiên cứu, đổi mới phương pháp xây dựng dự toán thu thuế hiện nay, nâng cao chất lượng công tác phân tích, dự báo thu ngân sách. Đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng dự toán thu ngân sách đảm bảo yêu cầu trong giai đoạn tới.

c. Về khắc phục tình trạng giải ngân vốn đầu tư XDCB năm 2013 chậm; việc xử lý nợ đọng XDCB còn đạt kết quả thấp.

+ Về tình hình giải ngân kế hoạch năm 2013 của một số đơn vị còn thấp: đến hết năm 2013 có một số đơn vị tỷ lệ giải ngân vẫn đạt dưới 50% dự toán được giao. Nguyên nhân chủ yếu do công tác chuẩn bị đầu tư chất lượng thấp; nhiều dự án phải điều chỉnh thiết kế và tổng mức đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng phức tạp kéo dài, công tác đấu thầu chậm... làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân của các dự án. Bên cạnh đó, một số dự án có khối lượng hoàn thành nhưng chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thiện thủ tục thanh toán vốn nên tiến độ giải ngân vốn cũng đạt thấp.

Nhằm chấn chỉnh tình trạng chậm trễ nêu trên, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành, địa phương tập trung điều hành và tổ chức theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình thực hiện kế hoạch vốn đầu tư  phát triển, kịp thời có các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các chủ đầu tư, nhà thầu; tăng cường công tác giải phóng mặt bằng ở các địa phương, bảo đảm có sẵn mặt bằng sạch cho các dự án đã được bố trí vốn để thi công; kiên quyết giãn, dừng thi công các dự án chưa thực sự cấp bách, kém hiệu quả để tập trung vốn cho các dự án cấp bách, hiệu quả hơn.

+ Về tình hình xử lý nợ đọng trong đầu tư XDCB:

- Thời gian qua mặc dù các Bộ, địa phương đã tích cực, song kết quả xử lý đạt thấp, nguyên nhân chủ yếu do việc bố trí nguồn để xử lý rất khó khăn; dự toán chi đầu tư phát triển hàng năm chỉ bố trí được một phần vốn rất nhỏ để xử lý số nợ đọng.

- Trong thời gian tới, yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật về quản lý đầu tư và xây dựng và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ (số 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 và số 14/CT-TTg ngày 28/6/2013 về tăng cường quản lý vốn đầu tư từ NSNN và vốn trái phiếu Chính phủ; số 27/CT-TTg ngày 10/10/2012 về những giải pháp chủ yếu khắc phục tình trạng nợ đọng XDCB ở địa phương); tích cực xử lý nợ đọng và không để phát sinh nợ mới. Khi phân bổ phải ưu tiên bố trí vốn để xử lý nợ đọng XDCB; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện các dự án; xử lý, chấn chỉnh kịp thời các trường hợp vi phạm.

d) Về thực hiện không thu thuế GTGT đối với nông thủy sản chưa qua chế biến, giảm thu ngân sách địa phương, giải pháp xử lý.

+ Thực trạng: Trước ngày 01/01/2014, sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi và hàng nông, lâm, thuỷ, hải sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của tổ chức, cá nhân tự sản xuất, đánh bắt bán ra và ở khâu nhập khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT; nhưng các sản phẩm này bán ra ở khâu kinh doanh thương mại thuộc đối tượng chịu thuế GTGT với thuế suất 5%. Lợi dụng chính sách này, nhiều doanh nghiệp kinh doanh thương mại đã mua hàng của nông dân (không chịu thuế GTGT) sau đó mua hóa đơn bất hợp pháp để hợp thức hoá 5% thuế GTGT đầu vào, lòng vòng qua nhiều doanh nghiệp rồi xuất khẩu để được hoàn thuế từ ngân sách. Thực tế này đòi hỏi phải có giải pháp khắc phục.

Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ thực hiện từ 01/1/2014 quy định về các trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT (Điểm đ, Khoản 3, Điều 2): “Sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường được bán cho doanh nghiệp, hợp tác xã".

Bộ Tài chính đã có các các công văn hướng dẫn cụ thể về chính sách thuế GTGT đối với các mặt hàng mủ cao su sơ chế (CV số 2953/BTC-TCT ngày 10/3/2014); các sản phẩm làm từ dừa (CV số 6154/BTC-TCT ngày 13/5/2014); các sản phẩm chè, gỗ tròn, gỗ ván, gỗ tấm, dăm gỗ, dăm tre (CV số 1804/TCT-CS ngày 19/5/2014); các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, hải sản như tôm nguyên liệu; mực tươi; cá filê, tôm cá cấp đông; hạt điều tươi, khô; lúa, gạo, cám, tấm, trấu và các phế, phụ phẩm của sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, hải sản… ở khâu kinh doanh thương mại thuộc trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT.

+ Tác động: Việc quy định không phải kê khai thuế GTGT đối với hàng nông, lâm thủy sản sơ chế thông thường ở khâu kinh doanh thương mại bán cho doanh nghiệp, hợp tác xã đã góp phần ngăn chặn, phòng ngừa, hạn chế gian lận về hoàn thuế GTGT, giảm chi phí, khó khăn về vốn cho doanh nghiệp kinh doanh nông sản xuất khẩu (doanh nghiệp không phải ứng vốn ra để trả thuế GTGT đầu vào, và cũng không phải hoàn thuế GTGT khi xuất khẩu). Việc quy định này sẽ làm giảm thu ngân sách địa phương (nhất là các địa phương có lượng nông, lâm, thuỷ hải sản lớn) nhưng cũng làm giảm tương ứng số thuế phải hoàn từ ngân sách Trung ương.

+ Giải pháp: Bộ Tài chính đã làm việc với 15 địa phương ở Tây Nguyên và Tây Nam Bộ để xác định mức độ ảnh hưởng đối với ngân sách địa phương để có phương án đảm bảo nguồn thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh trên địa bàn năm 2014. Ngày 23/4/2014, Bộ Tài chính đã có công văn số 5286/BTC-NSNN báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án xử lý hụt thu chung cho các địa phương nội dung “Giao Bộ Tài chính căn cứ văn bản đề nghị của địa phương và dự kiến số giảm thu ngân sách địa phương, chủ động tạm ứng từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương để đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ chi của địa phương, cuối năm tổng hợp kết quả xử lý báo cáo Thủ tướng Chính phủ”. Vừa qua, Bộ Tài chính đã tăng tiến độ bổ sung cân đối dự toán 2014 cho 02 địa phương (Bình Phước, Đồng Tháp) với số tiền là 380 tỷ đồng, Đăk Lăk 360 tỷ đồng,...

Về kỷ cương, kỷ luật tài chính:

a. Về chống thất thu và xử lý nợ đọng thuế:

- Trong thời gian qua, cơ quan Thuế, Hải quan đã đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, chống gian lận, trốn thuế, chống chuyển giá...; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng (cơ quan cảnh sát điều tra, an ninh điều tra, chống rửa tiền, quản lý thị trường, chống buôn lậu...) tăng cường công tác quản lý thu, đấu tranh xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về thuế, hoàn thuế sai quyết định, truy thu, truy hoàn cho NSNN.

- Năm 2013, cơ quan Thuế đã thanh tra, kiểm tra gần 64,7 nghìn doanh nghiệp (tăng 8,8% so với năm 2012), qua đó quyết định thu vào ngân sách 13,62 nghìn tỷ đồng (đã thu vào ngân sách gần 9,7 nghìn tỷ đồng, tăng 27% so với năm 2012); yêu cầu doanh nghiệp giảm khấu trừ, giảm lỗ 16,03 nghìn tỷ đồng; tổ chức đôn đốc, cưỡng chế xử lý nợ đọng thuế được 55% số nợ thuế tại thời điểm 31/12/2012, hạn chế phát sinh nợ mới; đồng thời chuyển hồ sơ 67 trường hợp sang cơ quan công an để điều tra xử lý vi phạm hình sự.

Cơ quan Hải quan đã tiến hành trên 2,3 nghìn cuộc kiểm tra sau thông quan, quyết định truy thu trên 1,6 nghìn tỷ đồng (đã thu vào NSNN trên 1,3 nghìn tỷ đồng, tăng 55% so với năm 2012); đã phát hiện, bắt giữ 22 nghìn vụ buôn lậu, xử lý thu nộp ngân sách gần 150 tỷ đồng; xử lý thu hồi trên 1,8 nghìn tỷ đồng nợ đọng của các tờ khai phát sinh đến cuối năm 2012.    

- Mặc dù vậy, tình hình nợ đọng thuế vẫn chậm được cải thiện (đến ngày 31/12/2013, tổng số nợ thuế ước tăng 23,9% so với thời điểm 31/12/2012); trong đó có nguyên nhân do doanh nghiệp khó khăn phải nợ thuế.

- Để khắc phục, Bộ Tài chính đã chỉ đạo tập trung thực hiện một số giải pháp như: (i) Hoàn thiện cơ chế chính sách thu, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế trong việc thực hiện đúng pháp luật thuế; (ii) Tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên sâu theo từng ngành, từng lĩnh vực trọng điểm; (iii) Bố trí cơ cấu lại nguồn nhân lực, tăng cường kiểm tra, giám sát thực thi công vụ ở cơ quan thuế các cấp; (iv) Đẩy mạnh việc cải cách thủ tục hành chính thuế và công tác hiện đại hoá, kê khai thuế qua mạng, phối hợp thu thuế qua hệ thống ngân hàng; (v) Tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng để phát hiện xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật đối với các vi phạm về thuế.

b. Về tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính trong chi NSNN:

- Thực hiện Luật NSNN, Luật KTNN, Luật Thanh tra, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí,… tăng cường trách nhiệm của các ngành, các cấp và đơn vị trong quản lý ngân sách; quản lý, sử dụng ngân sách theo đúng quy định của Luật NSNN; chi trong phạm vi dự toán được giao và đúng tiêu chuẩn, chế độ, định mức chi; nghiêm túc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

- Vai trò kiểm tra, giám sát, kiểm soát chi của cơ quan tài chính và cơ quan KBNN được tăng cường. Nhiều sai phạm về quản lý tài chính - ngân sách đã được phát hiện và xử lý; kỷ luật, kỷ cương tài chính có chuyển biến tích cực; các kết luận của cơ quan Thanh tra, KTNN được thực hiện đầy đủ, kịp thời đối với những kiến nghị liên quan đến chi NSNN (đã thu hồi và giảm thanh toán do chi sai chế độ theo kiến nghị KTNN năm 2009 là 317 tỷ; năm 2010 là 658 tỷ; năm 2011 là 708 tỷ).

- Trong thời gian tới, tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện các biện pháp cần thiết để nâng cao hơn nữa việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật lý tài chính, trong đó:

+ Thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành theo đúng các quy định của pháp luật đối với các cơ chế, chính sách quản lý tài chính ngân sách, định mức phân bổ, định mức chi tiêu ngân sách không còn phù hợp thực tiễn; bãi bỏ các cơ chế, chính sách ban hành trái thẩm quyền hoặc trái với quy định của cấp trên.

+ Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm toán, thanh tra, kiểm soát chi NSNN để đảm bảo chi đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức; xử lý nghiêm các sai phạm về quản lý tài chính ngân sách và quản lý tài sản của Nhà nước; thu hồi đầy đủ vào NSNN đối với các khoản chi sai chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi.

+ Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường hiện đại hóa và nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động quản lý Nhà nước của ngành Tài chính.

+ Chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật về tài chính; thực hiện tốt các quy định của pháp luật về công khai, minh bạch hoạt động tài chính - NSNN để tăng cường sự kiểm tra, giám sát của cộng đồng.

Đánh giá về tình trạng chuyển giá, kết quả và giải pháp.

Hành vi chuyển giá là các hoạt động chuyển giá thông qua chuyển giao tài sản hữu hình, tài sản vô hình, chuyển giao dịch vụ và cho vay hoặc đi vay không tính lãi hoặc tính lãi suất cao hơn hoặc thấp hơn lãi suất thông thường trên thị trường giữa các bên có quan hệ liên kết.

Ảnh hưởng của hành vi chuyển giá đến nền kinh tế của Việt Nam là làm thất thu ngân sách nhà nước; Tác động rất tiêu cực đến môi trường đầu tư của Việt Nam, làm méo mó kết quả hoạt động SXKD và mất công bằng trong chấp hành pháp luật thuế giữa các doanh nghiệp; Thôn tính cổ đông nội địa.

Một số kết quả kiểm soát hoạt động chuyển giá trong thời gian vừa qua:

Năm 2013, cơ quan Thuế đã thanh, kiểm tra 2.110 doanh nghiệp lỗ, có dấu hiệu chuyển giá và doanh nghiệp có giao dịch liên kết, tăng 66,4% so với năm 2012; đã truy thu, truy hoàn, phạt là 988,1 tỷ đồng, tăng 32,3% so với năm 2012; giảm khấu trừ 136,95 tỷ đồng; giảm lỗ 4.192,86 tỷ đồng.

Trong 4 tháng đầu năm 2014, cơ quan thuế đã thanh, kiểm tra 361 doanh nghiệp lỗ, có dấu hiệu chuyển giá và doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết; đã truy thu, truy hoàn và xử phạt là 287,2 tỷ đồng, giảm khấu trừ là 17,6 tỷ đồng, giảm lỗ là 1.232,5tỷ đồng.

Những giải pháp trong thời gian tới để nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác chống chuyển giá:

- Xây dựng quy định và quy trình phù hợp, hiệu quả hơn về quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá

- Kiện toàn tổ chức bộ máy và phát triển nguồn nhân lực chống hoạt động chuyển giá.

- Xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu cung cấp thông tin quản lý giá chuyển nhượng tập trung thống nhất trong cả nước.

- Tăng cường sự phối hợp của các Bộ, ngành liên quan, sự chỉ đạo của cấp ủy, UBND các cấp.

Về hoàn thuế sai, trốn thuế và gian lận trong kê khai, hoàn thuế GTGT

Các hành vi vi phạm liên quan đến hoàn thuế GTGT, chủ yếu:

- Lợi dụng quy định thuận lợi trong việc thành lập doanh nghiệp.

- Lợi dụng quy định cho phép doanh nghiệp tự in ấn, phát hành hóa đơn GTGT.

- Mua bán hàng hóa lòng vòng để hợp thức hóa hóa đơn GTGT đầu vào đối với hàng hóa là nông, lâm, thủy, hải sản qua các khâu thương mại trung gian .

- Lợi dụng sự kiểm tra hàng hóa xuất khẩu theo tỷ lệ % và thanh toán tiền hàng xuất khẩu chung đường biên giới bằng tài khoản vãng lai.

Biện pháp cơ quan Thuế, Hải quan đã thực hiện:

- Tăng cường kiểm tra thực tế hàng hóa là nông, lâm, thủy, hải sản, tiêu dùng xuất khẩu. Kiểm tra chặt chẽ hồ sơ hoàn thuế; kiểm tra nguồn tiền thanh toán qua ngân hàng từ tài khoản vãng lai đối với hàng hóa xuất khẩu; kiểm tra chi phí vận chuyển hàng hóa xuất khẩu; kiểm tra hàng hóa đầu vào nhằm phát hiện hóa đơn bất hợp phá; phối hợp với các cơ quan có liên quan để kiểm tra, đối chiếu nhằm xác định số thuế đủ điều kiện được hoàn.

- Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác quản lý kê khai, hoàn thuế; triển khai phần mềm đối chiếu chéo hóa đơn để hỗ trợ cán bộ thuế đối chiếu, hạn chế hành vi gian lận hóa đơn của người nộp thuế.

- Tăng cường công tác quản lý đối với các doanh nghiệp xuất khẩu nông, lâm, thủy, hải sản; theo đó, các doanh nghiệp có rủi ro cao sẽ phải kiểm tra thực tế hàng hóa trước khi thông quan.

- Tăng cường công tác quản lý thuế, quản lý hải quan liên quan đến hoàn thuế GTGT hàng hóa xuất khẩu qua biên giới đất liền, cửa khẩu phụ, lối mở. Theo đó hàng hóa xuất khẩu của các doanh nghiệp có rủi ro đều phải kiểm tra thực tế 100% khi làm thủ tục hải quan xuất khẩu, cơ quan Hải quan phải ghi đầy đủ, chi tiết kết quả kiểm tra thực tế hàng hóa để cơ quan Thuế có căn cứ xem xét thực hiện việc hoàn thuế GTGT cho doanh nghiệp.

- Chỉ riêng 6 tháng cuối năm 2013 đã thanh tra, kiểm tra trọng điểm gần 200 doanh nghiệp; căn cứ kết quả thanh tra, kiểm tra, thực hiện phối hợp với cơ quan Công an điều tra phát hiện 33 vụ việc vi phạm lớn; chuyển hồ sơ 18 doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm sang cơ quan Công an; đã khởi tố 17 doanh nghiệp, truy tố 22 đối tượng; thu hồi cho ngân sách nhà nước 26.784 triệu đồng.

Về vấn đề kê khai thuế gian lận gây thất thu thuế; vấn đề nợ đọng thuế

Vấn đề kê khai thuế gian lận gây thất thu thuế:

+ Một số hành vi gian lận trong kê khai như (i) Doanh nghiệp xây dựng 02 loại sổ sách kế toán; bỏ ngoài sổ sách kế toán doanh thu, thu nhập,...; (ii) Hạch toán kế toán sai quy định để che giấu doanh thu tính thuế, hạch toán tăng chi phí tính thuế thu nhập DN và tăng thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ; (iii) Gian lận trong quá trình sử dụng hóa đơn nhằm gian lận số thuế còn được khấu trừ, tạo giao dịch mua bán giả tạo hoặc xuất sai giá trị thực tế xuất bán nhằm giảm thuế GTGT, thuế TNDN;...

+ Giải pháp hạn chế gian lận trong kê khai:

- Về chính sách: Ban hành các chính sách nhằm hạn chế gian lận thuế như các chính sách về quản lý hoàn thuế, kê khai thuế; công bố danh sách doanh nghiệp vi phạm pháp luật thuế; vi phạm chế độ quản lý hóa đơn chứng từ; sửa đổi bổ sung chế độ quản lý hóa đơn;...

- Về ứng dụng công nghệ thông tin (i) tích cực triển khai hỗ trợ người nộp thuế trong công tác kê khai, cung cấp miễn phí phần mềm hỗ trợ kê khai thuế, giúp người nộp thuế hạn chế khai sai, khai không đúng quy định do chưa nắm rõ chính sách. (ii) Triển khai phần mềm đối chiếu chéo hóa đơn để hỗ trợ cán bộ thuế đối chiếu, hạn chế hành vi gian lận hóa đơn của người nộp thuế. (iii) Triển khai hệ thống thông quan tự động VNACCS/VSIS....

Về nợ đọng thuế:  tổng số tiền thuế nợ đến 31/12/2013 là 60.919 tỷ đồng (tăng 10,64 % so với thời điểm 31/12/2012) và đến 30/4/2014 là 67.084 tỷ đồng (tăng 8,56% so với thời điểm 31/12/2013). Trong năm 2013 đã thu và xử lý được 27.137 tỷ đồng tiền thuế nợ năm 2012 chuyển sang năm 2013, đạt tỷ lệ 49,28%. Tính đến ngày 30/4/2014, đã thu và xử lý được 8.490 tỷ đồng tiền thuế nợ 2013 chuyển sang năm 2014, đạt tỷ lệ 13 %. Nợ thuế tăng do (i) nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính phải ngừng kinh doanh, giải thể,...; doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh (bỏ trốn) không thông báo cho cơ quan thuế; (ii) doanh nghiệp chiếm dụng tiền thuế để lấy vốn sản xuất kinh doanh; (iii) Một số doanh nghiệp có hoạt động xây dựng cơ bản có nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, chưa được ngân sách nhà nước thanh toán;...

Một số giải pháp triển khai đôn đốc thu hồi nợ thuế năm 2014:

+ Giao chỉ tiêu thu tiền thuế nợ năm 2014 đảm bảo tổng số tiền thuế nợ tại thời điểm 31/12/2014 không vượt quá 5% so với tổng số thu NSNN năm 2014. Gắn kết quả thực hiện các chỉ tiêu thu tiền thuế nợ với việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ cơ quan Thuế.

+ Triển khai đầy đủ, đồng bộ các biện pháp quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế đối với người nộp thuế còn nợ thuế, hạn chế không để phát sinh thêm nợ mới.

+ Thực hiện phân loại tiền thuế nợ, đề ra các biện pháp đôn đốc thu hồi và cưỡng chế thu hồi tiền thuế nợ phù hợp với từng nhóm nợ một cách hiệu quả.

+ Phối hợp chặt chẽ với Kho bạc nhà nước, Ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng, Tòa án, Công an để thực hiện các biện pháp đôn đốc và cưỡng chế thu hồi tiền thuế nợ vào NSNN.



[1] Số liệu tính trên cơ sở bội chi NSNN năm 2012 là 173,81 nghìn tỷ đồng, bằng 5,36% GDP

[2] Số liệu tính trên cơ sở bội chi NSNN năm 2013 là 195,5 nghìn tỷ đồng, bằng 5,45%GDP

[3] Thực hiện Luật xử phạt vi phạm hành chính, từ 1/7/2013 khoản thu từ xử phạt vi phạm an toàn giao thông được đưa vào cân đối ngân sách (trước đó, khoản thu này ngoài cân đối, được hạch toán theo dõi quản lý qua ngân sách)