Bộ Tài chính trả lời về vấn đề bình ổn giá và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

PV.

(Tài chính) Bộ Tài chính đã có báo cáo bằng văn bản trả lời công văn số 1121/VPQH-GS ngày 05/6/2014 của Văn phòng Quốc hội về trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ bảy Quốc hội khóa XIII. FinancePlus.vn trân trọng trích đăng trả lời của Bộ Tài chính về công tác quản lý, kiểm soát, bình ổn giá thị trường và vấn đề tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Công tác quản lý, kiểm soát và bình ổn giá thị trường, nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu, tác động trực tiếp tới đời sống nhân dân.

Việc quản lý và bình ổn giá cả thị trường được thực hiện theo quy định tại Luật giá và các văn bản hướng dẫn có liên quan[1].

Trong 5 tháng đầu năm 2014, Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành địa phương tăng cường công tác quản lý và bình ổn giá theo quy định của pháp luật, qua đó góp phần bình ổn thị trường giá cả, ổn định đời sống nhân dân. Cụ thể trên các mặt sau:

- Trong 5 tháng đầu năm và đặc biệt trong dịp Tết nguyên đán Giáp ngọ 2014 là thời điểm nhu cầu tăng cao, dễ xảy ra mất cân đối cung cầu, tăng giá; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 5/12/2013 về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá cả thị trường những tháng cuối năm 2013, Công điện 98/CĐ-TTg ngày 15/1/2014 về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 và nhiều văn bản chỉ đạo có liên quan.

- Căn cứ chỉ thị của TTCP, Bộ Tài chính đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-BTC ngày 24/12/2013 về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá trong dịp Tết Nguyễn đán Giáp Ngọ 2014 và một số văn bản chỉ đạo về công tác quản lý giá, bình ổn giá.  Trong đó, ngay trong tháng 1/2014 Bộ Tài chính đã chỉ đạo 19 địa phương có CPI 2013 tăng cao hơn mức CPI chung của cả nước tăng cường công tác quản lý bình ổn giá ngay từ đầu năm; trong tháng 5/2014 trước diễn biến giá cước vận tải có xu hướng tăng do việc kiểm tra chặt chẽ trọng tải đối với vận tải đường bộ, Bộ Tài chính đã kịp thời chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác quản lý giá, kiểm soát kê khai giá cước vận tải kiên quyết dùng các trường hợp kê khai tăng giá bất hợp lý[2]...

- Căn cứ chỉ đạo của TTCP và của Bộ Tài chính, hầu hết các địa phương đã chỉ đạo quyết liệt công tác quản lý, bình ổn giá; chú trọng công tác đảm bảo cân đối cung cầu, không để xảy ra thiếu hàng gây tăng giá, nhất là trong dịp Lễ, Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 trên địa bàn tỉnh. Nhiều địa phương đã chủ động triển khai có hiệu quả Chương trình bình ổn thị trường phù hợp với thực tế địa phương theo quy định tại Luật giá, trong đó nhiều địa phương như TP Hồ Chí Minh, Ninh Bình, Cần Thơ... triển khai chương trình mà không phải sử dụng NSNN, qua đó góp phần bảo đảm nguồn hàng hóa thiết yếu đáp ứng nhu cầu của người dân trong dịp cao điểm, góp phần bình ổn thị trường, giá cả trên địa bàn.

- Bộ Tài chính cũng phối hợp chặt chẽ với các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm soát thị trường giá cả, không để xảy ra thiếu hàng, sốt giá, nhất là các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, chất đốt, lương thực, thực phẩm (thịt gia súc, gia cầm, rau củ quả), đặc biệt là các mặt hàng khác phục vụ nhu cầu Tết... Đẩy mạnh cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Ngăn chặn các hành vi đầu cơ tích trữ, nâng giá, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lương, chống buôn lậu, gian lận thương mại; xử lý nghiêm các trường hợp lưu thông buôn bán hàng cấm. Trong đó:

+ Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn kiểm tra tại một số địa phương[3] về công tác chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết; đồng thời chủ trì tổ chức đoàn công tác của Bộ Tài chính kiểm tra và nắm tình hình triển khai thực hiện công tác quản lý và bình ổn giá năm 2013 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 tại một số tỉnh, thành phố[4].

+ Trong tháng 3/2014, Bộ Tài chính đã tiến hành thanh tra việc chấp hành pháp luật về thuế và giá tại 05 doanh nghiệp sữa[5]. Kết quả thanh tra, kiểm tra đã được Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và công khai trên phương tiện thông tin đại chúng. Theo đó, đã xử lý vi phạm hành chính về giá đối với Công ty TNHH Nestle Việt Nam do kê khai thiếu 3 sản phẩm trong năm 2013 với mức xử phạt là 45 triệu đồng; truy thu bổ sung ngân sách nhà nước tổng số thuế năm 2013 là 10.206.606.587 đồng đối với 4 công ty gồm Công ty TNHH Dinh Dưỡng 3A, Công ty TNHH Mead Johnson Nutrition Việt Nam, Công ty TNHH Friesland Campina Việt Nam, Công ty Cổ phần sữa Việt Nam.

- Bộ Tài chính cũng chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ giá hàng hóa, dịch vụ quan trọng thiết yếu thuộc danh mục bình ổn giá như giá xăng dầu (trong đó đã sử dụng linh hoạt quỹ bình ổn giá để giữ ổn định giá xăng dầu trong 8 lần điều hành góp phần bình ổn giá chung), giá sữa (trong đó đã kiến nghị Chính phủ áp dụng biện pháp quy định giá tối đa đối với sản phẩm sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi); giá các hàng hóa dịch vụ do Nhà nước đặt hàng, giao kế hoạch thanh toán bằng nguồn ngân sách nhà nước. Kiểm soát việc kê khai giá của doanh nghiệp điều chỉnh tăng giá nhất là trong dịp Tết.

Các biện pháp quản lý, bình ổn giá và chủ động làm tốt công tác chuẩn bị nguồn hàng, nên cung hàng hóa, dịch vụ được bảo đảm nhất là nguồn cung lương thực, thực phẩm, giao thông công cộng, hàng hóa thiết yếu. Đây là yếu tố quan trọng góp phần bình ổn thị trường, giá cả trong các tháng đầu năm 2014. Đặc biệt, thời gian cao điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán, không địa phương nào xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá. Chỉ số giá hai tháng đầu năm tăng thấp (Tháng 1 tăng 0,69%, tháng 2 tăng 0,55%) so với mức tăng cùng kỳ nhiều năm trước[6]. Chỉ số giá năm tháng đầu năm 2014 chỉ tăng 1,08% so với tháng 12/2013; đây là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ một số năm trở lại đây[7] tạo thuận lợi cho điều hành chính sách vĩ mô, thực hiện mục tiêu CPI năm 2014 ở mức 7,0% như NQ Quốc hội và Chính phủ đã đề ra.

Vấn đề tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và giải pháp thúc đẩy nhanh, hiệu quả hơn.

Tình hình triển khai tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN)

Về tái cơ cấu DNNN:

Để triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu DNNN, Bộ Tài chính đã xây dựng Đề án và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 17/7/2012 phê duyệt Đề án Tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011 - 2015. Bộ Tài chính đã hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước triển khai Quyết định 929/QĐ-TTg; trình Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách đối với quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp như: cơ chế quản lý tài chính (Nghị định số 71/2013/NĐ-CP ngày 11/7/2013); Quy chế giám sát tài chính (Nghị định số 61/2013/NĐ-CP ngày 25/6/2013); quy định về quản lý nợ của doanh nghiệp (Nghị định số 206/2013/NĐ-CP ngày 09/12/2013); quy định về chức năng, nhiệm vụ của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước SCIC (Nghị định số 151/2013/NĐ-CP).....

Đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 15/NQ-CP ngày 06/03/2014 về một số giải pháp đẩy mạnh cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp (trong đó cho phép các doanh nghiệp thoái vốn dưới mệnh giá và dưới giá trị sổ sách để phù hợp với tình hình thị trường); trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 12/03/2014 về việc đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và đang hoàn chỉnh để trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn Nghị quyết số 15/NQ-CP sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp.

Các Bộ, ngành cũng đã xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các cơ chế chính sách có liên quan để triển khai tái cơ cấu DNNN theo tinh thần Quyết định số 929/QĐ-TTg như: quy định về phân công, phân cấp thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với DNNN (Nghị định số 99/2012/NĐ-CP ngày 15/11/2012); quy định về thành lập mới, tổ chức lại, giải thể công ty TNHH1TV (Nghị định số 172/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013); Quy chế hoạt động của kiểm soát viên (Quyết định số 35/2013/QĐ-TTg ngày 7/6/2013); quy định về quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng trong công ty TNHH1TV (Nghị định số 50/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 và Nghị định số 51/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013)....

Tính đến hết tháng 03/2014 đã có 81/108 doanh nghiệp đã được phê duyệt Đề án tái cơ cấu, trong đó: Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án của 19 doanh nghiệp, Bộ chủ quản phê duyệt đề án của 40 doanh nghiệp, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố phê duyệt Đề án của 22 doanh nghiệp); 6/108 doanh nghiệp đã xây dựng đề án tái cơ cấu nhưng chưa được phê duyệt; 20/108 doanh nghiệp chưa báo cáo việc xây dựng đề án tái cơ cấu; 01 doanh nghiệp hiện đang thực hiện cổ phần hoá.

Về cổ phần hóa DNNN

Hiện nay, các DNNN đang thực hiện cổ phần hóa theo Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 và hướng dẫn của Bộ Tài chính tại các Thông tư: số 196/2011/TT-BTC ngày 26/12/2011; số 202/2011/TT-BTC ngày 30/12/2011; số 194/2013/TT-BTC ngày 17/12/2013. Vừa qua, trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương trong quá trình cổ phần hóa, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ đã ban hành Nghị định số 189/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2011/NĐ-CP, theo đó tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc làm chậm tiến trình cổ phần hóa thời gian qua. Đến nay, về cơ bản, cơ chế cổ phần hóa đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực hiện thuận lợi và phù hợp với tình hình thực tế.

Về kết quả sắp xếp, cổ phần hóa DNNN, theo số liệu báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương và các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước gửi về Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 05/2014 cả nước đã thực hiện sắp xếp được 5.971 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa 4.066 doanh nghiệp.

Năm 2013, cả nước sắp xếp, chuyển đổi: 101 doanh nghiệp, trong đó: cổ phần hóa: 74 doanh nghiệp, chuyển thành Công ty TNHH MTV 12 doanh nghiệp, sáp nhập, hợp nhất 12 doanh nghiệp, bán 3 doanh nghiệp. Riêng 5 tháng đầu năm 2014 đã cổ phần hóa được 17 doanh nghiệp, trong đó có 13 Tổng công ty nhà nước. Theo kế hoạch, trong hai năm 2014 – 2015, cả nước sẽ thực hiện cổ phần hóa 432 doanh nghiệp (trong đó năm 2014 dự kiến cổ phần hóa 163 doanh nghiệp).

Đánh giá chung về tình hình triển khai tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN

Về cơ bản, các Bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đã quan tâm, tập trung chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN. Công tác thoái vốn khỏi các ngành, lĩnh vực không phải là ngành kinh doanh chính đã từng bước được khắc phục và chấn chỉnh. Hầu hết các tập đoàn, tổng công ty đã quyết liệt trong việc thực hiện thoái vốn đầu tư. Bên cạnh đó, các cơ chế chính có liên quan đã được sửa đổi, bổ sung và ban hành kịp thời nhằm hỗ trợ cho quá trình tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp và  tạo điều kiện cho các doanh nghiệp triển khai thực hiện theo phương án đã được phê duyệt.

Qua tổng hợp tình hình, vẫn còn một số hạn chế như: việc xây dựng, thẩm định, phê duyệt Đề án tái cơ cấu của một số doanh nghiệp chưa đảm bảo tiến độ đề ra; một số đơn vị chưa tích cực, quyết liệt triển khai lộ trình tái cơ cấu cũng như chưa chủ động báo cáo Chính phủ về tiến độ triển khai và các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện để Chính phủ xem xét, cho ý kiến chỉ đạo xử lý kịp thời; tiến độ cổ phần hoá các DNNN theo phương án sắp xếp, cổ phần hóa giai đoạn 2011 - 2015 thời gian qua còn chậm...

Một số giải pháp đẩy mạnh tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN

Theo Bộ Tài chính, để đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN giai đoạn 2011 - 2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì cần tập trung vào một số giải pháp sau:

1) Tiếp tục chỉ đạo, tổ chức quán triệt sâu sắc các Nghị quyết, Kết luận của Đảng và các cơ chế, chính sách pháp luật có liên quan của Nhà nước về tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. Đồng thời tập trung chỉ đạo triển khai Nghị quyết số 15/NQ-CP ngày 6 tháng 3 năm 2014 của Chính phủ và văn bản hướng dẫn số 3616/BTC-TCDN ngày 21/3/2014 của Bộ Tài chính.

2) Tiếp tục, nghiên cứu hoàn thiện các cơ chế chính sách để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu DNNN theo phân công của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 17/7/2012 phê duyệt Đề án tái cơ cấu DNNN, cụ thể như: hoàn thiện tiêu chí, danh mục phân loại DNNN; sửa đổi, bổ sung quy định về giao, bán DN; hoàn thiện chính sách đối với người lao động dôi dư trong DN sắp xếp, cổ phần hóa...

3) Các Bộ, ngành, địa phương, các Tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và các doanh nghiệp nhà nước căn cứ Đề án tái cơ cấu và phương án sắp xếp, cổ phần hóa đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chỉ đạo các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch tiến độ cổ phần hóa, phương án thoái vốn, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để triển khai thực hiện, đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ.

4) Thực hiện các giải pháp tái cấu trúc thị trường chứng khoán theo tinh thần Quyết định số 1826/QĐ-TTg ngày 6/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tái cấu trúc thị trường chứng khoán và doanh nghiệp bảo hiểm, qua đó hỗ trợ thu hút và khuyến khích nhà đầu tư tham gia mua cổ phần của DN.

5) Khẩn trương rà soát để tiến hành chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn tại các doanh nghiệp đã cổ phần hóa đang có vốn nhà nước về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) theo quy định.

6) Thực hiện tốt chế độ báo cáo về tình hình triển khai cổ phần hóa DNNN; kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý những khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện, đảm bảo thực hiện đúng kế hoạch đề ra.



[1] NĐ số 177/2013/NĐ-CP ngày 17/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật giá, TT số 56/2014/TT-BTC ngày 28/4/2014 của Bộ TC hướng dẫn NĐ 177/2013/NĐ-CP...

[2] Công văn số 308/BTC-QLG ngày 07/01/2014 gửi 19 địa phương có CPI 2013 tăng cao; công văn số 6063/BTC-QLG ngày 9/5/2014 chỉ đạo tăng cương công tác quản lý bình ổn giá trước diễn biến giá một số mặt hàng tăng do kiểm tra chặt chẽ trọng tải ô tô làm cước vận tải tăng...

[3] Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Bình Định, Vĩnh Phúc

[4] Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Bình Phước.

[5] Gồm Công ty TNHH Mead Johnson Nutrition (Việt Nam);  Công ty TNHH Dinh dưỡng 3A; Công ty TNHH sữa Nestle Việt Nam; Công ty sữa TNHH Friesland Campina Việt Nam và Công ty Cổ phần sữa Việt Nam

[6] Chỉ số giá tháng 2 các năm so với tháng trước: 2002 tăng 2,2%, 2003 tăng 2,2%, 2004 tăng 3%, 2005 tăng 2,50%, 2006 tăng 2,10%, 2007 tăng 2,17%, 2008 tăng 3,56%, 2009 tăng 1,17%, 2010 tăng 1,96%, 2011 tăng 2,09%, 2012 tăng 1,37%, 2013 tăng 1,32%, 2014 tăng 0,55%. 

[7] 2009 tăng 2,12%, 2010 tăng 4,55%, 2011 tăng 12,07%, 2012 tăng 2,78% và 2013 tăng 2,35% so với tháng 12 năm trước.