Bộ Tài chính và IMF thảo luận về tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam

Theo eFinance

(Tài chính) Tại buổi làm việc giữa Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung và đại diện thường trú IMF tại Việt Nam – ông Sanjay Kalra, diễn ra chiều ngày 22/10, IMF đã đánh giá kinh tế toàn cầu tăng trưởng theo hướng đi xuống so với đánh giá trước đó của IMF công bố vào tháng 7/2012, theo đó rủi ro đi kèm có thể xảy ra đối với Châu Âu, cũng như Việt Nam có xu hướng tăng lên đáng kể.

Theo ông Sanjay Kalra: Năm 2012 và 2013 nền kinh tế thế giới và khu vực Châu Á sẽ có mức tăng trưởng giảm, kèm theo đó là những rủi ro đi kèm cũng có xu hướng tăng lên đáng kể. Trước những tác động của thị trường tài chính toàn cầu, IMF yêu cầu Chính phủ các nước đồng EURO và Mỹ lấy lại niềm tin trên thị trường để có thời gian chấn chỉnh nền kinh tế, cũng như hồi phục lại tăng trưởng. Trong bối cảnh đó, IMF cũng đưa ra một số kịch bản có thể xảy ra đối với châu Âu cũng như là Việt Nam.

Kinh nghiệm của Châu Âu cũng như Mỹ thời gian qua càng chứng tỏ mối liên kết mạnh mẽ giữa tăng trưởng của nền kinh tế với khu vực ngân hàng. Có thể thấy, khó khăn trong vấn đề nợ xấu của nhóm ngân hàng cũng góp phần làm trầm trọng hóa nợ quốc gia. Thực tế, nếu ngân hàng hoạt động không tốt, sẽ tác động đến chức năng tài trợ vốn cho nền kinh tế, từ đó ảnh hưởng tới tăng trưởng. Điều này thể hiện rất rõ trong 3 quý vừa qua tại Việt Nam khi mà khu vực ngân hàng thương mại không thể thực hiện đúng chức năng cung ứng vốn cho nền kinh tế khiến tăng trưởng đã giảm xuống dưới mức kế hoạch đề ra từ đầu năm 2012. 

Khá băn khoăn về chính sách điều hành nền kinh tế thời gian qua, đại diện IMF cho hay: Hiện có ý kiến cho rằng, vào thời điểm này, nới nỏng cả chính sách tài khóa và tiền tệ mới là lối ra cho nền kinh tế nhưng cũng có ý kiến khác lại cho rằng 2 chính sách này cần được thắt chặt phù hợp, cùng với đó là phải cải cách khu vực ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước.

Về phía Bộ Tài chính, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung cho rằng: Được biết vào ngày 9/10/2012, IMF đã công bố báo cáo về Triển vọng kinh tế thế giới với nhận định chung khá ảm đạm khi tăng trưởng trong năm nay của gần như tất cả các nền kinh tế đều giảm. Điều này đòi hỏi những chính sách quyết liệt hơn nữa, nhằm duy trì sự phục hồi sau khủng hoảng và tránh rơi vào một cuộc suy thoái mới. Tuy nhiên, hiện không có một phương thuốc chung nào để chữa trị cho tất cả các căn bệnh. Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam thực hiện chính sách tài khóa – tiền tệ vừa chặt chẽ vừa nới lỏng. Nới lỏng ở đây là “nới” có hiệu quả chứ không phải tràn lan trên diện rộng. Theo đó, các chính sách động viên được giảm đi để kích thích nền kinh tế tăng trưởng và để bù lại, Bộ Tài chính sẽ tăng cường các chính sách chống thất thu thuế để khai thác bổ sung thêm vào ngân sách nhà nước.

Có thể nói, năm 2012 là năm khó khăn nhất trong nhiều năm, đặc biệt là khi đây là năm Việt Nam thực hiện tái cấu trúc với 3 trọng tâm: Tái cấu trúc đầu tư công – Ngân hàng – Doanh nghiệp nhà nước. Trong tái cấu trúc đầu tư công, Chính phủ Việt Nam cũng từng bước một cắt giảm vốn đầu tư để  dành vốn cho các chương trình hoàn thành sớm. Tái cấu trúc ngân hàng cũng đang thực hiện khá tốt. Cần phải nói, nợ xấu trong ngân hàng là điều đương nhiên khi thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt song song với quá trình tái cấu trúc. Chúng tôi đang tập trung xử lý vấn đề này bằng nhiều cách khác nhau như mua bán, sáp nhập các ngân hàng yếu vào ngân hàng mạnh, có thể dùng đến biện pháp tái cấp vốn…song cam đoan sẽ không dùng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu. Đây là vấn đề không thể xử lý một sớm một chiều mà phải mất khá nhiều thời gian.

Về cải cách doanh nghiệp nhà nước, đến nay, tất cả các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước đã xây dựng xong kế hoạch tái cấu trúc, từ 2013, lộ trình tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước sẽ được tiến hành. Hiện đã chấm dứt thí điểm mô hình tập đoàn, có nhiều tập đoàn đã được chuyển sang mô hình khác. Riêng các Tổng công ty đã có kế hoạch cụ thể cho việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành, để tập trung vốn vào ngành thế mạnh của mình, cùng với đó, các lĩnh vực để tiến hành cổ phần hóa đã được xác định.Như vậy, lộ trình thực hiện cả 3 trọng tâm đã được thực hiện nhưng tiến độ ra sao phụ thuộc rất nhiều vào tín hiệu thị trường. Nếu thị trường tốt hơn, cải cách sẽ nhanh hơn.

Cũng tại buổi làm việc, đại diện IMF bày tỏ mong muốn hỗ trợ kỹ thuật để Chính phủ Việt Nam hoàn thiện báo cáo thống kê ngân sách theo chuẩn quốc tế và được Bộ Tài chính đánh giá cao những đóng góp, hỗ trợ của IMF cho quá trình phát triển kinh tế và xã hội Việt Nam trong thời gian vừa qua và hy vọng trong thời gian tới, IMF tiếp tục tăng cường hỗ trợ cho Bộ Tài chính Việt Nam, đặc biệt là tư vấn trong việc xây dựng các chính sách tài chính vĩ mô đối phó suy thoái kinh tế.

Thứ trưởng Trương Chí Trung cho biết, Chính phủ Việt Nam sẽ cố gắng tận dụng hết cơ hội mà IMF đem đến, đồng thời, tăng cường kết nối các nền kinh tế trong khối ASEAN để có được những thành tựu kinh tế - xã hội trong thời gian tới.