Bộ Tài chính yêu cầu thanh, kiểm tra tối thiểu 15% số doanh nghiệp quản lý thuế

Theo tapchithue.com.vn

(Tài chính) Theo báo cáo đánh giá tình hình công tác tháng 8 của Bộ Tài chính, mặc dù nền kinh tế đã có những chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn nhiều yếu tố bất lợi, nhất là những khó khăn trong công tác điều hành thu -chi ngân sách nhà nước (NSNN).

 Bộ Tài chính yêu cầu thanh, kiểm tra tối thiểu 15% số doanh nghiệp quản lý thuế
Tổng chi NSNN tháng 8 ước đạt 75.000 tỷ đồng. Nguồn: internet
Thu NSNN đạt 484.820 tỷ đồng, bằng 59,4% dự toán
 
Mặc dù thống nhất với nhận định tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 là, tình hình kinh tế đã có những chuyển biến tích cực, đúng hướng, chỉ số CPI tăng thấp, lãi suất cả huy động và cho vay đều giảm; xuất khẩu tiếp tục đà tăng trưởng cao; vốn FDI trong những tháng gần đây tiếp tục tăng; giải ngân vốn đầu tư từ nguồn NSNN đạt khá... nhưng Bộ Tài chính cũng cho rằng, nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, lạm phát còn tiềm ẩn nguy cơ tăng cao những tháng cuối năm; lãi suất giảm nhưng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của doanh nghiệp (DN) thấp, dư nợ tín dụng tăng chậm, đặc biệt là tiến độ thu NSNN đạt thấp so với kế hoạch.
 
Theo báo cáo thông kê, tổng thu cân đối NSNN tháng 8 ước đạt 50.100 tỷ đồng, giảm 22.900 tỷ đồng (-31,4%) so với mức thực hiện tháng 7. Lũy kế đến hết tháng 8, tổng thu ước đạt 484.820 tỷ đồng, bằng 59,4% dự toán, trong đó: thu nội địa đạt 317.740 tỷ đồng, bằng 58,2% dự toán, tăng 10,8% so với cùng kỳ (không kể thu tiền sử dụng đất thì đạt 59,4% dự toán, tăng 13,1%). Ước tính chỉ có 5/14 khoản thu, sắc thuế đảm bảo tiến độ thu theo dự toán (đạt 67% dự toán trở lên), nhưng là các khoản thu nhỏ; 9/14 khoản thu, sắc thuế còn lại đạt thấp hơn so với yêu cầu, bao gồm các khoản thu quan trọng là thu từ khu vực DNNN đạt 54,6%, thu từ khu vực FDI đạt 66,4%, thu từ khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh đạt 57,5%, thuế Thu nhập cá nhân đạt 61,3%.

Đến hết tháng 8, ước tính có 23 địa phương thu đạt yêu cầu tiến độ dự toán, chủ yếu là các địa phương có số thu nhỏ; 40 địa phương còn lại tiến độ thu chưa đạt yêu cầu, trong đó có các địa phương trọng điểm thu như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hoà, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu
 
Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 141.100 tỷ đồng, bằng 59,4% dự toán; sau khi thực hiện hoàn thuế Giá trị gia tăng theo chế độ 51.000 tỷ đồng, thu cân đối ngân sách đạt 90.100 tỷ đồng, bằng 54,1% dự toán. Nguyên nhân tiến độ thu ngân sách từ lĩnh vực này đạt thấp chủ yếu do kim ngạch xuất nhập khẩu của một số mặt hàng có giá trị lớn, thuế suất cao giảm mạnh, như than đá giảm 0,3% về lượng và 20,3% về giá trị; xăng dầu các loại giảm 26% về lượng và 28% về giá trị; xe máy nguyên chiếc giảm 35,5% về lượng và 12,5% về giá trị; linh kiện và phụ tùng xe máy giảm 22,4% về giá trị.
 
Tổng chi NSNN tháng 8 ước đạt 75.000 tỷ đồng; lũy kế chi 8 tháng ước 604.670 tỷ đồng, đạt 61,8% dự toán, tăng 5,2%. Bội chi NSNN tháng 8 ước 24.900 tỷ đồng; lũy kế 8 tháng 119.850 tỷ đồng, xấp xỉ 74% mức bội chi Quốc hội quyết định. 
 
Về công tác huy động vốn, chỉ tính riêng khoảng thời gian từ từ 15/7 đến 15/8 Kho bạc Nhà nước đã tổ chức 4 phiên đấu thầu tín phiếu; 4 phiên đấu thầu trái phiếu, kết quả huy động đạt 5.815 tỷ đồng. Tính từ đầu năm đến 15/8/2013, tổng số huy động vốn qua phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) đạt 132.296,6 tỷ đồng, bằng 68,5% kế hoạch (Kế hoạch điều chỉnh huy động vốn năm 2013 là 193.000 tỷ đồng). Tính chung đến ngày 22/8/2013, đã tổ chức huy động được 134,82 nghìn tỷ đồng TPCP, đạt 69,1% nhiệm vụ huy động vốn trong nước để bù đắp bội chi NSNN và cho đầu tư phát triển năm 2013. So với tháng 7, tình hình huy động TPCP tháng 8 diễn biến tuy có khả quan hơn (khối lượng huy động đạt 7.170 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần so với tháng 7) song vẫn còn thấp so với yêu cầu đặt ra cho những tháng còn lại của năm.
 
Yêu cầu thanh, kiểm tra  tối thiểu 15% số DN quản lý thuế
 
triển khai công tác những tháng cuối năm, Bộ Tài chính đã chỉ đạo ngành thuế, hải quan, cơ quan tài chính địa phương tập trung rà soát kỹ từng khoản thu, nhiệm vụ chi, nhất là tăng cường công tác quản lý thu NSNN để đảm bảo thực hiện dự toán thu cả năm 2013. Trong đó, yêu cầu cơ quan thuế các cấp phấn đấu thanh, kiểm tra đạt tối thiểu 15% số DN quản lý thuế, đảm bảo thu đạt tối thiểu 75 - 80% số thuế phát hiện tăng thêm qua thanh tra, kiểm tra. Cơ quan hải quan phải kiểm tra các DN có dấu hiệu gian lận, trốn thuế, phấn đấu đạt kết quả thu qua công tác kiểm tra sau thông quan năm 2013 tăng tối thiểu 30% so với năm trước.
 
Đối với công tác chi ngân sách, Bộ Tài chính đã ban hành văn bản hướng dẫn các tỉnh, thành phố thực hiện một số nhiệm vụ tài chính ngân sách, trong đó yêu cầu UBND các địa phương tập trung chỉ đạo các ngành, các cấp ở địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh , thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; kiểm soát chặt chẽ nguồn thu, chống thất thu, chống buôn lậu và gian lận thương mại; tăng cường quản lý chi NSNN, đảm bảo tiết kiệm, chặt chẽ và hiệu quả. Nghiêm túc thực hiện chủ trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi thường xuyên; chủ động sử dụng các nguồn lực tài chính của địa phương như nguồn cải cách tiền lương còn dư, 50% dự phòng ngân sách địa phương, 30% quỹ dự phòng tài chính địa phương; tiết kiệm thêm 10% dự toán chi thường xuyên những tháng cuối năm để đảm bảo cân đối ngân sách địa phương khi nguồn thu địa phương hụt giảm so với dự toán.
 
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng yêu cầu UBND các địa phương tăng cường chỉ đạo cơ quan chức năng và DN trên địa bàn triển khai các giải pháp quản lý, bình ổn thị trường giá cả, kiềm chế lạm phát những tháng cuối năm.