Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng chủ trì Hội nghị Xúc tiến đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam

PV.

Sáng 21/8, tại Tòa nhà GranTokyo North Tower, TP. Tokyo, Nhật Bản, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng chủ trì Hội nghị Xúc tiến Đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng chủ trì Hội nghị Xúc tiến Đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng chủ trì Hội nghị Xúc tiến Đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam.

Với mục tiêu thúc đẩy và triển khai quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Nhật Bản trong lĩnh vực tài chính, từ ngày 20/8 – 23/8/2017, Đoàn Công tác Bộ Tài chính Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng dẫn đầu sang thăm và làm việc tại Nhật Bản.

Tại Hội nghị Xúc tiến Đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, chuyến công tác nhằm triển khai quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Nhật Bản trong lĩnh vực tài chính, đồng thời khai thác thế mạnh và tiềm năng hợp tác với các cơ quan quản lý tài chính và cơ quan hợp tác phát triển của Nhật Bản.

Theo dự kiến, lãnh đạo ngành Tài chính và nhiều doanh nghiệp Việt Nam sẽ cùng chia sẻ thông tin, thúc đẩy hoạt động đầu tư gián tiếp của Nhật Bản vào Việt Nam, đặc biệt là thu hút các công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư các nhà đầu tư chuyên nghiệp từ Nhật Bản tham gia đầu tư sâu hơn vào thị trường tài chính Việt Nam.

Theo thông tin từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, hiện quy mô đầu tư của khối ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam vào khoảng 24 tỷ USD, cao hơn nhiều mức 17 tỷ USD của năm 2014. Trong các dòng vốn ngoại, dòng vốn đầu tư đến từ Nhật Bản được đánh giá là rất kỹ tính, nhưng tính bền vững trong đầu tư cao hơn.

Với quyết tâm cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước năm 2017-2018, nhu cầu tìm kiếm các nhà đầu tư chuyên nghiệp rót vốn vào doanh nghiệp Việt Nam đang rất lớn. Cùng với đó, rất nhiều doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam mong muốn được kết nối với các nhà đầu tư quốc tế để tìm kiếm cơ hội hợp tác.

Với môi trường kinh doanh thuận lợi, Chính phủ Việt Nam kỳ vọng các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư mạnh mẽ hơn nữa vào Việt Nam trong các lĩnh vực: Phát triển kết cấu hạ tầng trọng điểm quốc gia, dự án PPP; Môi trường; Năng lượng, năng lượng tái tạo; Công nghiệp chế tạo; Nông nghiệp chất lượng cao - hiệu quả; Tài chính & ngân hàng và Tham gia cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.