Bộ trưởng Vương Đình Huệ và dấu ấn với ngành Tài chính

Hoàng Minh

(Tài chính) Một trong những nội dung quan trọng của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII diễn ra từ ngày 20/5 đến 21/6 tới đây là Quốc hội sẽ bầu mới chức danh Bộ trưởng Bộ Tài chính, sau khi Bộ trưởng Vương Đình Huệ được Bộ Chính trị phân công đảm nhiệm cương vị Trưởng Ban Kinh tế Trung ương. Với cương vị Bộ trưởng Tài chính, cùng với tập thể lãnh đạo ngành Tài chính, GS.,TS. Vương Đình Huệ đã tạo nên những dấu ấn đậm nét trong công tác của ngành Tài chính thời gian qua.

Thắng lợi “kép” của ngành Tài chính

Bộ trưởng Vương Đình Huệ đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng Bộ Tài chính trong giai đoạn nền kinh tế phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thử thách. Nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế cho thấy, trong lịch sử kinh tế Việt Nam suốt 2 thập kỷ qua, 2012  là năm tập trung những sức ép, khó khăn kinh tế lớn nhất, cả cấp vĩ mô lẫn vi mô… Trong bối cảnh đó, nhiều chuyên gia kinh tế đồng tình với nhận định nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2012 đã giành được “thắng lợi kép”, vừa hoàn thành trách nhiệm thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN), vừa đảm bảo các mục tiêu hỗ trợ nền kinh tế với giải pháp đặc biệt là “giảm thuế để tăng thu”.

Vượt qua rất nhiều thử thách cam go, ngành Tài chính đã hoàn thành kế hoạch thu - chi NSNN năm 2012 theo dự toán Quốc hội, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Thu ngân sách đạt và vượt dự toán. Tất cả các khoản chi ngân sách đều được đảm bảo, đặc biệt chi cho an sinh xã hội tăng trên 20%. Các chính sách tài khóa trong năm 2012 đã phát huy tác dụng với các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường. Đây có thể coi là thắng lợi “kép” trong điều hành kế hoạch thu - chi NSNN năm 2012.

Triển khai thành công nhiều chương trình, đề án lớn

Bộ trưởng Vương Đình Huệ lãnh đạo Bộ Tài chính cũng là giai đoạn Bộ được Chính phủ giao triển khai nhiều đề án lớn và đã được lãnh đạo Bộ chỉ đạo thực hiện quyết liệt để hoàn thành trong thời gian ngắn với chất lượng cao.

Một trong những đề án trọng tâm có sự đóng góp quan trọng của Ngành là Đề án “Tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt qua Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 17/7/2012... Trong phạm vi nhiệm vụ của mình, Bộ Tài chính cũng đã triển khai đồng bộ, quyết liệt các đề án nhằm tái cấu trúc nền tài chính quốc gia trên nhiều phương diện: tái cấu trúc thị trường chứng khoán (TTCK), bảo hiểm; cải cách DNNN, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty Nhà nước; đổi mới cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công lập; Trình Chính phủ phê duyệt Chiến lược Tài chính đến năm 2020… Đây đều là những đề án “xương sống” có ý nghĩa hoạch định chiến lược phát triển cho Ngành trong 5 - 10 năm tới và thậm chí xa hơn.

Chủ động gỡ khó cho doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế

Bộ Tài chính đã đề xuất và được Chính phủ và Quốc hội ban hành các Nghị quyết số 13/NQ-CP, Nghị quyết số 29/2012/QH13, Nghị quyết 01/NQ-CP, Nghị quyết 02/NQ-CP. Các Nghị quyết này có vai trò quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội với nhiều giải pháp thiết thực về chính sách tài chính tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh gắn với hỗ trợ phát triển thị trường nhưng vẫn nhất quán trong việc thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, từng bước thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế.

Bộ Tài chính cũng là Bộ đi đầu ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP, Nghị quyết 02/NQ-CP bằng Quyết định số 128/QĐ-BTC do Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ ký ngày 17/01/2013. Điều này cho thấy ngành Tài chính đã cho thấy sự chủ động không chỉ trong xây dựng và đề xuất chính sách mà còn rất chủ động trong thực thi, triển khai chính sách.

Nỗ lực trong quản lý giá cả, ổn định thị trường

Ngay sau khi đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng Bộ Tài chính, đơn vị đầu tiên mà Bộ trưởng Vương Đình Huệ chọn làm việc là Cục Quản lý giá. Hội thảo lớn đầu tiên Bộ trưởng Vương Đình Huệ chỉ đạo thực hiện cũng là về lĩnh vực này.

Bộ Tài chính đã triển khai tích cực, hiệu quả các giải pháp tăng cường quản lý giá cả, ổn định thị trường; phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương điều hành giá xăng, dầu theo diễn biến của giá xăng, dầu thế giới, xử lý hài hòa giữa thuế nhập khẩu và quĩ Bình ổn giá xăng, dầu trong nước. Giá than, giá điện, giá nước sạch được giữ ổn định phù hợp với mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô…

Ngành Tài chính đã đảm bảo điều hành giá xăng dầu công khai, minh bạch, sử dụng linh hoạt các công cụ tài chính nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của người tiêu dùng, doanh nghiệp (DN) và Nhà nước. Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, việc điều hành giá xăng, dầu trong nước thời gian qua đã theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước; giá xăng dầu trong nước bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, đảm bảo chia sẻ hài hòa lợi ích giữa nhà nước, DN và người tiêu dùng; thực hiện việc công bố thông tin luôn đảm bảo công khai, kịp thời và minh bạch.

Bản lĩnh trong ứng phó biến động trên thị trường chứng khoán

Tháng 8/2012, TTCK Việt Nam phải đối mặt với những biến động chưa từng có. Sự kiện đáng nhớ nhất chính là ngày 21/8/2012 -  “ngày thứ Ba đen tối” với biến cố bầu Kiên bị bắt. Sau 3 ngày, TTCK bị "bốc hơi" tổng cộng 5,6 tỷ USD... Tâm lý hoang mang tràn ngập. Râm ran những tin đồn TTCK Việt Nam đang lâm vào khủng hoảng, có nguy cơ sụp đổ. Đã có khá nhiều ý kiến, kể cả của Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán, một số chuyên gia kinh tế kiến nghị tạm đóng cửa thị trường.

Trong bối cảnh cam go mang tính sống còn với thị trường như vậy, Bộ Tài chính đã thực sự bản lĩnh để vững tay chèo lái đưa “con thuyền” chứng khoán vượt qua sóng gió. Tại thời điểm này, không ít ý kiến cho rằng rất cần sự xuất hiện của đích thân Bộ trưởng Vương Đình Huệ với những tuyên bố trấn an TTCK. Tuy nhiên, Bộ trưởng đã quyết định cử Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) Vũ Bằng là người “đăng đàn” phát ngôn khẳng định sự tồn tại của thị trường cũng như chỉ rõ hành vi bán khống trái luật và những tin đồn vô căn cứ gây tâm lý xấu trên TTCK. Quyết định như vậy không phải Bộ trưởng Vương Đình Huệ né tránh vấn đề nhạy cảm mà ông nhìn nhận rất thông tuệ: Sự xuất hiện của người đứng đầu ngành Tài chính vào thời điểm ấy rất có thể khiến tâm lý NĐT thêm hoang mang, suy diễn thị trường chắc đang nguy ngập nên Bộ trưởng Bộ Tài chính mới phải lên tiếng. Việc cử Chủ tịch UBCKNN “đăng đàn” chính là làm “bình thường hóa” những nguy cơ của thị trường khi đó, đồng thời người đứng đầu UBCKNN còn rất phù hợp để lên tiếng cảnh báo những vi phạm nhằm ổn định tâm lý của NĐT. “Nước cờ” cao tay đó đã cho kết quả mỹ mãn. Đà lao dốc của thị trường bị chặn lại và chỉ sau vài phiên giao dịch, thị trường đã lấy lại sắc xanh. Thậm chí, một số cổ phiếu vừa bị bán tháo trước đó đã lập tức được gom mua mạnh mẽ khi tâm lý NĐT ổn định…

Giờ đây khi nhìn nhận lại, nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá cao quyết định đó của Bộ Tài chính, đứng đầu là Bộ trưởng Vương Đình Huệ. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh nguy nan nhất, chúng ta đã giữ cho TTCK vận hành an toàn, liên tục, không bị gián đoạn và đây chính là thành công lớn nhất và cũng là dấu ấn đáng ghi nhớ nhất của TTCK Việt Nam năm 2012.