Các quan niệm và hình thức ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp

Các ưu đãi thuế có thể được định hướng theo nhiều cách và nhiều kiểu kết hợp dựa trên một trong các tiêu chí sau: (1) theo loại nhà đầu tư (trong nước, nước ngoài); (2) theo quy mô đầu tư (lớn, vừa, nhỏ); (3) theo loại hình kinh doanh hoặc ngành; (4) theo yếu tố đầu vào; (5) theo khu vực địa lý và (6) theo loại thị trường. Ngoài ra, cũng có thể có các tiêu chí định hướng khác như nguồn tài trợ và các tiêu chí khác nằm giữa các nhóm trên (ví dụ ưu đãi thuế cho công nghệ và thiết bị hiện đại, sử dụng trong các ngành đặc biệt hoặc cho các khu vực đặc biệt).

Khi đề cập đến các định hướng ưu đãi, cần phân biệt rõ giữa các cơ chế ưu đãi hỗ trợ thông qua việc giảm trừ chi phí chiếm hữu vốn (hoặc chi phí thuê, mua các yếu tố đầu vào của sản xuất) và các cơ chế ưu đãi hỗ trợ lợi nhuận của các doanh nghiệp (DN) thu được từ các yếu tố sản xuất đó. Với nhóm thứ nhất, người ta thường gọi là các ưu đãi chi phí, còn nhóm thứ hai là các ưu đãi lợi nhuận. Tương ứng với hai nhóm cơ chế ưu đãi và các tiêu chí nêu trên, tùy theo từng giai đoạn và điều kiện nhất định mà Chính phủ có thể áp dụng các hình thức ưu đãi thuế khác nhau nhằm đạt được mục tiêu của mình. Các hình thức ưu đãi thuế bao gồm:

Nhóm ưu đãi lợi nhuận:

1. Sử dụng thuế suất tiêu chuẩn thấp: Thuế suất tiêu chuẩn là mức thuế suất chung theo tỷ lệ % do Luật định. Thực tế đã chứng minh rằng, các nước đang phát triển thu hút được tổng số vốn đầu tư nước ngoài cao so với tổng thu nhập quốc dân chủ yếu là các nước có mức thuế suất tiêu chuẩn thấp và sử dụng biện pháp miễn giảm thuế ban đầu.

2. Thuế suất ưu đãi: Thuế suất ưu đãi là thuế suất thấp hơn thuế suất tiêu chuẩn và thường được áp dụng đối với các ngành, nghề hoặc các khu vực được lựa chọn ưu đãi.

3. Miễn toàn bộ hoặc một phần thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN): Đây là hình thức ưu đãi thuế phổ biến nhất. Theo đó, Chính phủ cho phép miễn toàn bộ hoặc một phần thuế TNDN mà các DN phải nộp theo Luật định trong một khoảng thời gian nhất định.

4. Giảm thuế suất thuế TNDN đối với các nhóm lợi nhuận mục tiêu. Với hình thức này, Chính phủ có thể giảm mức thuế suất thuế TNDN tạm thời hoặc vĩnh viễn cho một số hoạt động cụ thể.

Nhóm ưu đãi chi phí:

1. Chiết khấu đầu tư và khấu trừ thuế: Đây là hình thức giảm gánh nặng thuế dựa trên giá trị các khoản đầu tư đáp ứng được các điều kiện ưu đãi. Chiết khấu đầu tư (hay còn gọi là khấu trừ chi phí đầu tư) là hình thức ưu đãi thông qua việc quy định cho phép DN thực hiện đầu tư được khấu trừ bổ sung một tỷ lệ nhất định tính trên giá trị đầu tư vào chi phí trước khi tính thuế. Còn khấu trừ thuế đầu tư là hình thức cho giảm số thuế phải nộp dựa trên giá trị đầu tư nhằm giảm nghĩa vụ thuế phải thực hiện với Nhà nước. Khấu trừ thuế được xác định theo tỷ lệ tương ứng với giá trị đầu tư vào các lĩnh vực ngành nghề hoặc địa bàn khuyến khích đầu tư. Với hình thức này, DN/nhà đầu tư được hưởng ưu đãi theo hoạt động đầu tư thực tế.

2. Khấu hao nhanh: là hình thức ưu đãi thuế bằng cách cho phép DN được trích khấu hao tài sản cố định vào chi phí sản xuất hợp lý được tính trừ cao hơn mức khấu hao cho phép theo lịch trình thông thường.

Ngoài ra, còn hai hình thức khác thường được áp dụng là chuyển lỗ và áp dụng cơ chế kích hoạt.

Chuyển lỗ hay giảm gánh nặng lỗ: Số lỗ từ hoạt động sản xuất kinh doanh của DN có thể được phân bổ khấu trừ vào các năm tiếp theo để giảm thu nhập tính thuế - nhằm giảm số thuế TNDN mà các DN phải nộp.

Cơ chế kích hoạt: Cơ chế kích thích tự động cho phép các nhà đầu tư nhận được những ưu đãi một cách tự động khi thỏa mãn những tiêu chuẩn, điều kiện, mục tiêu đặc biệt nhất định, chẳng hạn như mức tối thiểu đầu tư vào các lĩnh vực đặc biệt của nền kinh tế.

Bổ sung các ưu đãi thuế trong Dự thảo Luật

Dự thảo Luật Thuế TNDN điều chỉnh và bổ sung một số ưu đãi thuế sau:

Thứ nhất, bổ sung một số khoản thu nhập miễn thuế bao gồm:

Thu nhập từ chuyển nhượng chứng chỉ giảm phát thải (CERs) của DN được cấp chứng chỉ giảm phát thải; Thu nhập từ hoạt động tín dụng đầu tư phát triển, tín dụng xuất khẩu của Nhà nước, Ngân hàng Phát triển Việt Nam; thu nhập từ hoạt động tín dụng cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác của Ngân hàng Chính sách xã hội; thu nhập từ dịch vụ tín dụng theo chức năng, nhiệm vụ của quỹ đầu tư phát triển địa phương; Phần thu nhập của cơ sở giáo dục đại học tư thục để lại để đầu tư phát triển cơ sở giáo dục đại học.

Thứ hai, sửa đổi quy định về bù trừ lãi lỗ, chuyển lỗ. Cụ thể: Thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản, chuyển nhượng dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư, chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản phải xác định riêng để kê khai nộp thuế, được bù trừ lãi, lỗ của các hoạt động này với nhau; trường hợp sau khi bù trừ mà vẫn bị lỗ thì DN được bù trừ với lãi của hoạt động sản xuất kinh doanh trong kỳ tính thuế.

Thứ ba, giảm thuế suất tiêu chuẩn và áp dụng thuế suất ưu đãi đối với DN nhỏ và vừa (DNNVV): DN có quy mô nhỏ và vừa sử dụng dưới 200 lao động làm việc toàn bộ thời gian và có doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng áp dụng thuế suất 20%. Thuế suất thuế TNDN với các DN còn lại là 23% thay cho mức thuế suất 25% hiện đang được áp dụng.

Thứ tư, bổ sung ưu đãi cho một số lĩnh vực, ngành nghề qua việc áp dụng thuế suất ưu đãi: Trong đó, dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua; thu nhập từ hoạt động báo in (kể cả quảng cáo trên báo) của cơ quan báo chí theo quy định của Luật Báo chí; thu nhập từ hoạt động xuất bản theo quy định của Luật Xuất bản được áp dụng thuế suất 10%. Tổ chức tín dụng là hợp tác xã, tổ chức tài chính vi mô được áp dụng thuế suất 20%.

Thứ năm, bổ sung đối tượng được miễn giảm thuế đối với thu nhập từ hoạt động đầu tư mở rộng: DN đang hoạt động có đầu tư mở rộng lắp đặt dây chuyền sản xuất mới, mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới công nghệ sản xuất thuộc lĩnh vực, địa bàn ưu đãi thuế thu nhập DN theo quy định của Luật này được miễn thuế, giảm thuế đối với phần thu nhập tăng thêm do đầu tư mang lại.

Một số vấn đề cần quan tâm khi sử dụng các hình thức ưu đãi

Như vậy, Chính phủ đã sử dụng tất cả các hình thức ưu đãi thuế trong dự thảo Luật thuế TNDN lần này. Dễ nhận thấy nhất đó là việc giảm thuế suất tiêu chuẩn. Tuy không được xem như là mức thuế suất tiêu chuẩn thấp nhất trong khu vực nhưng việc giảm thuế suất từ 25% xuống còn 23% là phù hợp với xu hướng chung của các nước trong khu vực và trên thế giới và phù hợp với mục tiêu giảm dần tỷ lệ động viên về thuế trong Chiến lược Tài chính Việt Nam đến năm 2020.

Phân tích dưới đây chỉ tập trung vào các vấn đề sửa đổi về miễn giảm thuế có kỳ hạn, áp dụng thuế suất ưu đãi và miễn giảm thuế đối với đầu tư mở rộng.

(1) Nhóm ưu đãi lợi nhuận: bao gồm các hình thức áp dụng miễn, giảm thuế có kỳ hạn; áp dụng thuế suất ưu đãi cho nhóm ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên.

- Đối với miễn giảm thuế có kỳ hạn: Điều 13, Điều 14 Luật Thuế TNDN quy định ưu đãi thuế (bao gồm thuế suất ưu đãi có thời hạn và thời gian miễn thuế, giảm thuế) đối với một số lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư. Theo đó, DN thành lập mới từ dự án đầu tư thuộc lĩnh vực công nghệ cao, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đặc biệt quan trọng của Nhà nước, sản xuất sản phẩm phần được áp dụng mức thuế suất 10% trong 15 năm, được miễn thuế tối đa trong 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp tối đa trong 9 năm tiếp theo.

Hình thức này đơn giản, dễ thực hiện đối với DN và cơ quan thuế; hạn chế được việc tiếp xúc giữa DN với cơ quan thuế. Tuy nhiên, khi thực hiện miễn giảm thuế có kỳ hạn, cần xem xét kỹ một số vấn đề:

Thứ nhất, đối tượng được hưởng lợi ích theo quy định này là những DN và dự án mới thành lập và hoạt động. Tuy nhiên, hầu hết các DN đang trong giai đoạn đầu tư vốn thì sẽ không có thu nhập trong những năm đầu mới đầu tư và do đó lợi ích thu được không lớn và như vậy, tác dụng ưu đãi phần nào bị hạn chế.

Thứ hai, nếu thời kỳ ưu đãi kéo dài sẽ tăng áp lực cho thu ngân sách. Ngược lại, nếu thời gian ưu đãi ngắn thì chỉ thu hút được các dự án ngắn hạn và dễ gây nên tình trạng chuyển vốn sang đầu tư ở một nước khác hoặc thành lập một DN mới để hưởng thời kỳ ưu đãi thuế mới.

Thứ ba, có thể gây ra hiện tượng các DN trong nước liên kết để chuyển hoạt động từ các đối tượng không được hưởng ưu đãi sang các đối tượng được hưởng ưu đãi nhằm tận dụng lợi ích này.

Bên cạnh đó, nếu thiết lập ngưỡng vốn đầu tư để xác định đối tượng được miễn giảm thuế có kỳ hạn thì các nhà đầu tư có thể sẽ cố gắng bằng mọi cách để đạt được ngưỡng, sau đó rút dần vốn đầu tư bằng các hình thức trả tiền lãi vay, trả tiền đặt cọc… đặc biệt là với các công ty nước ngoài.

- Đối với việc áp dụng thuế suất ưu đãi cho nhóm ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên. Hiện nay, DN hoạt động trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hoá, thể thao và môi trường (lĩnh vực xã hội hoá) được áp dụng thuế suất 10% đối với phần thu nhập từ hoạt động này; hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, quỹ tín dụng nhân dân được áp dụng thuế suất 20%. Dự thảo Luật bổ sung thêm: Dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua; thu nhập từ hoạt động báo in (kể cả quảng cáo trên báo) của cơ quan báo chí; thu nhập từ hoạt động xuất bản được áp dụng thuế suất 10%. Tổ chức tín dụng là hợp tác xã, tổ chức tài chính vi mô được áp dụng thuế suất 20%.

Biện pháp này có thể khuyến khích phát triển một số lĩnh vực nhất định và các chi phí về số thu minh bạch hơn.

(2) Nhóm các ưu đãi chi phí: bao gồm các chiết khấu đầu tư, khấu trừ thuế cho đầu tư, khấu hao nhanh.

So với miễn thuế kỳ hạn, hình thức chiết khấu đầu tư, khấu trừ thuế cho đầu tư là một công cụ tốt hơn khi cần thúc đẩy đầu tư, đồng thời tạo ra sự minh bạch hơn và dễ kiểm soát hơn. Chiết khấu đầu tư và khấu trừ thuế đầu tư có tác dụng rất tốt trong việc khuyến khích, hỗ trợ đầu tư do đối tượng được hưởng lợi trực tiếp từ số vốn mà họ đầu tư, và do đó, có tác động trực tiếp đến chi phí, giá thành sản phẩm. Với hình thức này, cả đối tượng đã có hoạt động sản xuất kinh doanh và đối tượng đầu tư mới đều được hưởng lợi. Tuy nhiên, chiết khấu đầu tư và khấu trừ thuế có những nhược điểm cơ bản.

Thứ nhất: Những hình thức ưu đãi này có xu hướng bóp méo sự lựa chọn của DN khi DN có xu hướng ưu tiên mua sắm các tài sản vốn ngắn hạn vì DN sẽ được tận dụng được các khoản chiết khấu và khấu trừ thuế mỗi khi tài sản được thay thế.

Thứ hai: Các DN đủ điều kiện được hưởng ưu đãi có thể tìm cách lạm dụng các quy định này bằng cách bán và mua tài sản cùng loại để khai báo các khoản chiết khấu và khấu trừ thuế nhiều lần, hoặc thông qua việc làm đại lý mua tài sản đối với DN không đủ điều kiện được cấp ưu đãi.

- Với hình thức khấu hao nhanh: Khấu hao nhanh là một hình thức ưu đãi thuế và có ít hạn chế nhất. Nhìn chung, việc cho phép các DN được áp dụng khấu hao nhanh sẽ có hai lợi thế: (i) ít tốn kém chi phí vì số thu bị giảm trong những năm đầu (so với trường hợp không áp dụng khấu hao nhanh) ít nhất cũng được khôi phục lại một phần trong những năm tiếp theo của vòng đời tài sản; (ii) nếu khấu hao nhanh chỉ được áp dụng tạm thời, khi các điều kiện khác ngang bằng thì điều đó có thể dẫn tới một luồng đầu tư ngắn hạn vì nhà đầu tư có xu hướng đẩy nhanh các kế hoạch đầu tư cho tương lai để tận dụng ưu đãi này. Hầu hết các quốc gia có hệ thống thuế hiện đại thường sử dụng phương pháp khấu hao nhanh.

(3) Ngoài các ưu đãi nêu trên, ưu đãi thuế thông qua chuyển lỗ cũng được xem như là hình thức hỗ trợ vốn cho các DN và có lợi cho những dự án lớn đầu tư vào sản xuất. Tuy nhiên, nó cũng gây ra những gánh nặng về quản lý khi phải theo dõi số lỗ của nhiều DN trong nhiều năm. Mặt khác, nếu không có quy định hợp lý về vấn đề tính khấu hao thì DN có thể trích khấu hao tăng trong những năm đầu và do đó, việc chuyển lỗ trong một số năm sẽ không có ý nghĩa đối với DN, hay nói cách khác, việc chuyển lỗ sẽ không đạt được hiệu quả như mong muốn.

Ưu đãi thuế bằng cách sử dụng cơ chế kích hoạt cũng gặp phải một số vấn đề khi đưa vào áp dụng. Cơ chế kích hoạt có thể được hiểu trong Dự thảo Luật Thuế TNDN đối với việc áp dụng thuế suất tiêu chuẩn 20% đối với các DNNVV. Với quy định này, các DN sẽ tự động được áp dụng thuế suất ưu đãi 20% khi đáp ứng đủ điều kiện. Sử dụng ưu đãi thuế thông qua cơ chế kích hoạt tự động sẽ minh bạch hơn trong quá trình ra quyết định nhưng sẽ sẽ làm mất quyền tự chủ của những nhà quản lý khi giải quyết các trường hợp đặc biệt.

Giải pháp đề xuất

Với các phân tích nêu trên, chúng tôi có một số kiến nghị sau:

Thứ nhất: Xem xét có thể tăng việc sử dụng các ưu đãi thuế cho đầu tư thông qua việc áp dụng một số biện pháp như: chiết khấu đầu tư, khấu trừ thuế đầu tư, khấu hao nhanh kết hợp với quy định về chuyển lỗ. Áp dụng ưu đãi này có thể hạn chế được những nhược điểm của việc áp dụng miễn giảm thuế có kỳ hạn mà vẫn có tác dụng ưu đãi đối với các đối tượng mới thành lập trong khi không bị hạn chế về thời gian (nếu có quy định chuyển lỗ phù hợp). Khi thực hiện chiết khấu đầu tư và khấu trừ thuế đầu tư cần xem xét các vấn đề sau:

(i) Quy định một tỷ lệ khấu trừ không quá cao - có thể thực hiện bằng cách đơn giản hơn, đó là khấu trừ một tỷ lệ nhất định theo số vốn đầu tư thay vì xác định dựa trên lợi nhuận của hoạt động đầu tư mở rộng như dự thảo đưa ra. Tỷ lệ này nên được quy định rõ, áp dụng cho mọi đối tượng có hoạt động đầu tư vào lĩnh vực được khuyến khích.

(ii) Quy định rõ nguyên tắc và danh mục các khoản đầu tư được hưởng ưu đãi này, càng rõ ràng càng tốt. Một số quốc gia như Malaysia đã đưa ra danh mục 17 khoản chi phí được trừ gấp đôi khi xác định thu nhập chịu thuế của DN, và điều đó có thể làm cho các ưu đãi được thực hiện dễ dàng hơn.

(iii) Với hiện tượng mua đi bán lại tài sản để hưởng ưu đãi: cần có quy định rõ ràng với những tài sản đầu tư nếu được bán ra trong một khoảng thời gian nhất định - có thể là 2 năm như quy định của một số nước - thì sẽ bị “đòi lại” số tiền được ưu đãi thông qua cơ chế thu hồi - giảm trừ chi phí của kỳ tính thuế đó.

(iv) Khấu trừ thuế đầu tư không nên áp dụng cho việc mua những tài sản cũ, đã qua sử dụng hoặc đã từng được sử dụng trước đó, vì như vậy, sẽ không có tác dụng khuyến khích đầu tư công nghệ mới.

(v) Giá cả của tài sản - hay chính là mức đầu tư là một vấn đề hết sức quan trọng vì nó quyết định đến lợi ích mà đối tượng được hưởng. Trong tất cả các trường hợp, cần phải xác định được chính xác dựa trên giá thị trường. Đặc biệt, nếu các bên mua bán có quan hệ liên kết hoặc quan hệ đặc biệt thì giá cả - hay mức đầu tư - sẽ được xác định theo giá thị trường thay vì giá trên hợp đồng.

Thứ hai: Tiếp tục cho áp dụng thuế suất ưu đãi với các lĩnh vực xã hội hóa và áp dụng thuế suất ưu đãi cho DNNVV. Nguyên tắc chung là những lĩnh vực có ngoại ứng tích cực đối với xã hội thì nên được khuyến khích, và với nguyên tắc này, nên xem xét lại ưu đãi với hoạt động xuất bản và báo in (vì hiện nay cũng còn một số lĩnh vực vừa thực hiện mục tiêu về công tác tư tưởng, văn hóa của Nhà nước; vừa có hoạt động sản xuất kinh doanh). Nếu áp dụng cho tất cả các thu nhập từ hoạt động báo in, xuất bản sẽ chưa thực sự đảm bảo công bằng cho các đối tượng. Có thể áp dụng cơ chế miễn cho các thu nhập từ hoạt động xuất bản, in báo phục vụ mục tiêu chung của Nhà nước sẽ đảm bảo công bằng hơn.

Thứ ba: Có thể nghiên cứu việc áp dụng thuế suất ưu đãi 20% hoặc 10% cho các quỹ hưu trí tự nguyện. Hoạt động của các quỹ này có thể làm giảm gánh nặng chi NSNN trong tương lai… và nhiều quốc gia coi quỹ hưu trí tự nguyện như một hoạt động cần được khuyến khích nên thường áp dụng thuế suất ưu đãi hơn so với mức thuế suất tiêu chuẩn.

Tài liệu tham khảo:

1. Dự thảo Luật Thuế TNDN - Bộ Tài chính - tháng 12/2012;

2. Choong Kwai Fatt, (2010), “Malaysian Taxation- Principle and Practice, Infoworld Malaysia”;

3. Victor Thuronyi (1996), Tax Law Design and Drafting, International Monetary Fund.

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số 4 - 2013

Các ưu đãi thuế trong Dự thảo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp

TS. Nguyễn Việt Cường, TS. Lý Phương Duyên

(Tài chính) Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ được Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt tại kỳ họp giữa năm 2013. Về cơ bản, Chính phủ và Bộ Tài chính đã sử dụng tất cả các hình thức ưu đãi thuế trong Dự thảo Luật lần này. Các mức thuế suất đưa ra cũng khá phù hợp với xu hướng chung của các nước trong khu vực và trên thế giới, phù hợp với mục tiêu giảm dần tỷ lệ động viên về thuế trong Chiến lược Tài chính Việt Nam đến năm 2020.

Xem thêm

Video nổi bật