Cải cách chính sách thuế thu nhập và tài sản của người nước ngoài tại Việt Nam

Theo Báo Hải quan

(Tài chính) Theo Dự thảo Thông tư Hướng dẫn thực hiện các Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với các loại thuế đánh vào thu nhập và tài sản giữa Việt Nam với các nước và vùng lãnh thổ có hiệu lực thi hành tại Việt Nam vừa được Bộ Tài chính công bố lấy ý kiến nhân dân trước khi ban hành, sẽ có nhiều quy định mới trong việc tính thuế với các loại thu nhập.

 Cải cách chính sách thuế thu nhập và tài sản của người nước ngoài tại Việt Nam
Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ca-dắc-xtan thay mặt Chính phủ hai nước ký chính thức Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và Ca-dắc-xtan năm 2012. Nguồn: Internet
Cụ thể, các đối tượng cư trú của Việt Nam hoặc của nước ký kết Hiệp định với Việt Nam hoặc đồng thời là đối tượng cư trú của Việt Nam và nước ký kết Hiệp định với Việt Nam sẽ chịu các loại thuế đánh vào thu nhập và tài sản được quy định cụ thể tại từng Hiệp định.

Trong trường hợp của Việt Nam, các loại thuế thuộc phạm vi áp dụng Hiệp định là: Thuế thu nhập doanh nghiệp và Thuế thu nhập cá nhân. Còn trong trường hợp của các nước ký kết Hiệp định với Việt Nam, các loại thuế áp dụng Hiệp định được quy định như: Thuế thu nhập, thuế công ty  và các loại thuế cư trú của địa phương đánh trên thu nhập.

Ngoài ra, các quy định tại Hiệp định sẽ không ảnh hưởng đến quyền miễn trừ của các thành viên cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự được quy định trong các điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập. Bởi mục đích của việc ký kết Hiệp định không nhằm tạo ra các nghĩa vụ thuế mới, khác hoặc nặng hơn so với luật thuế trong nước.

Hiện nay, Việt Nam đã ký kết Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam với 64 quốc gia, vùng lãnh thổ nhằm tạo ra một môi trường pháp lý về thuế rất rõ ràng, ổn định để các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tiến hành các hoạt động kinh doanh và đầu tư.

Trong kế hoạch năm 2013 của ngành Thuế sẽ chủ động hơn nữa trong việc hợp tác, giao lưu về công tác thuế với khu vực và thế giới. Thường xuyên duy trì và phát huy mối quan hệ hợp tác với cơ quan Thuế các nước và tổ chức quốc tế, khu vực để tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ của quốc tế cho cải cách và hiện đại hoá công tác quản lý thuế. Qua đó, cơ quan Thuế Việt Nam sẽ dễ dàng thu thập các thông tin từ cơ quan Thuế của những nước có ký kết hiệp định thuế với Việt Nam.

Trường hợp tại Hiệp định có các quy định mà Việt Nam có quyền thu thuế đối với một loại thu nhập nào đó hoặc thu thuế với một mức thuế suất nhất định nhưng luật thuế Việt Nam chưa có quy định thu thuế đối với thu nhập đó hoặc quy định thu với mức thuế suất thấp hơn thì áp dụng theo quy định của luật thuế Việt Nam.

Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã quy định cụ thể đối với việc xác định tính thuế với từng loại thu nhập. Chẳng hạn như chính sách thuế đối với thu nhập từ bất động sản. Theo quy định tại Hiệp định, thuật ngữ bất động sản sẽ có nghĩa theo luật của mỗi nước ký kết và bao gồm các phần tài sản phụ kèm theo bất động sản, đàn gia súc và thiết bị sử dụng trong nông nghiệp, và lâm nghiệp, các quyền lợi được áp dụng theo pháp luật về đất đai, quyền sử dụng bất động sản, quyền được hưởng các khoản thanh toán trả cho việc khai thác hoặc quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên. Các loại tàu thuỷ, thuyền, máy bay không được coi là bất động sản.

Cụ thể, trong trường hợp của Việt Nam, bất động sản bao gồm: Các loại tài sản được quy định tại định nghĩa về bất động sản tại Bộ luật Dân sự; Các tài sản phụ kèm theo các loại tài sản nêu trên; Đàn gia súc và thiết bị sử dụng trong nông nghiệp và lâm nghiệp; Các quyền lợi được áp dụng theo quy định tại Luật Đất đai; Quyền được hưởng các khoản thanh toán trả cho việc khai thác hoặc quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên.

Trên cơ sở đó, cách xác định nghĩa vụ thuế đối với thu nhập từ bất động sản được quy định tại Dự thảo như sau: Theo quy định tại Hiệp định, tất cả các loại thu nhập do một đối tượng cư trú của Nước ký kết Hiệp định với Việt Nam thu được từ việc trực tiếp sử dụng, khai thác hoặc cho thuê các loại bất động sản tại Việt Nam, kể cả bất động sản của doanh nghiệp hoặc của cá nhân hành nghề độc lập, phải nộp thuế thu nhập tại Việt Nam theo luật thuế Việt Nam.

Đối với thu nhập từ hoạt động kinh doanh là thu nhập của các doanh nghiệp (DN) của Nước ký kết Hiệp định với Việt Nam hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam nhưng không thành lập pháp nhân tại Việt Nam thì DN đó chỉ bị đánh thuế tại Việt Nam nếu có một cơ sở thường trú tại Việt Nam và thu nhập đó liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến cơ sở thường trú đó. Trong trường hợp này DN đó chỉ bị đánh thuế tại Việt Nam trên phần thu nhập phân bổ cho cơ sở thường trú đó.

Với thu nhập từ hoạt động vận tải quốc tế thì phạm vi áp dụng miễn, giảm thuế tại Việt Nam đối với DN của nước ký kết Hiệp định với Việt Nam bao gồm: Thu nhập từ hoạt động vận tải quốc tế bằng phương tiện vận tải do doanh nghiệp điều hành trực tiếp và từ các hoạt động phụ trợ đi liền với hoạt động vận tải quốc tế này như:  Doanh thu từ hoạt động vận tải quốc tế bằng phương tiện vận tải do chính DN điều hành trực tiếp và xuất chứng từ vận tải (xuất vé, vận đơn hoặc bản lược khai (manifest) vận chuyển hành khách và hàng hoá); Doanh thu từ việc cho thuê một phần phương tiện vận tải (còn gọi là cho thuê chỗ) hoặc cho thuê toàn bộ phương tiện vận tải theo từng chuyến do chính DN điều hành trực tiếp.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính quy định về chính sách thuế đối với các thu nhập khác như: Thu nhập từ tiền lãi cho vay, Thu nhập từ tiền bản quyền, Thu nhập từ cung cấp dịch vụ kỹ thuật, Thu nhập từ chuyển nhượng tài sản, Thu nhập từ hoạt động ngành nghề độc lập của các bác sĩ, luật sư, kỹ sư, kiến trúc sư, nha sĩ, kế toán và kiểm toán viên, Thu nhập từ các hoạt động biểu diễn của nghệ sĩ và vận động viên, Thu nhập từ hoạt động phục vụ Chính phủ.

Về trách nhiệm của cơ quan Thuế trong việc thực hiện các quy định của Hiệp định, trong Dự thảo nêu rõ: Ban hành văn bản thông báo hiệu lực thi hành hoặc chấm dứt hiệu lực của từng Hiệp định trong ngành thuế sau khi có thông báo hiệu lực của Bộ Ngoại giao; Tổ chức chỉ đạo và hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra các Cục Thuế, Chi cục Thuế và các tổ chức uỷ nhiệm thu trong việc thực hiện Hiệp định; Nghiên cứu và giải quyết các tranh chấp, khiếu nại, kiến nghị và các vấn đề liên quan trong quá trình thực hiện Hiệp định với Nhà chức trách có thẩm quyền của nước ký Hiệp định với Việt Nam thông qua thực hiện thủ tục thoả thuận song phương quy định tại Hiệp định; Trao đổi thông tin với cơ quan Thuế nước ngoài, khai thác các thông tin do Cơ quan thuế nước ngoài cung cấp và có trách nhiệm giữ bí mật thông tin theo quy định của Hiệp định; Thực hiện các biện pháp hỗ trợ quản lý hành chính thuế theo quy định của Hiệp định và phù hợp với quy định của luật pháp Việt Nam.