Cải cách để đồng bộ hóa công cụ quản lý thuế

PV.

Công tác cải cách hành chính thuế nói riêng, cải cách thủ tục hành chính nói chung luôn được Tổng cục Thuế ưu tiên quan tâm hàng đầu cùng với nhiệm vụ quản lý thu ngân sách Nhà nước. Trong nhiều năm qua, cơ quan Thuế đã đạt nhiều thành tích xuất sắc trong công tác cải cách hệ thống Thuế.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Bước cải cách "nhảy vọt" cả về số lượng và chất lượng

Từ đầu năm 2015 đến nay, với việc tiếp tục sửa đổi các quy trình nghiệp vụ trong kê khai, khấu trừ thuế GTGT của DN và thủ tục kê khai thuế TNDN theo Thông tư số 26/2015/TT-BTC và Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 hướng dẫn thi hành Nghị định số 12/2015/NĐ-CP (nội dung về thuế TNDN) đã giúp giảm thêm 40 giờ cho người nộp thuế.

Tính đến thời điểm hiện nay với các giải pháp đã triển khai thực hiện nêu trên, số giờ nộp thuế sẽ giảm tiếp được khoảng trên 50 giờ (tổng cộng năm 2014 và 6 tháng đầu năm 2015 đã và sẽ giảm được 420/537 giờ nộp thuế của DN), đạt và vượt được mục tiêu mà Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ đã đặt ra về việc giảm số giờ nộp thuế đối với NNT xuống dưới 121,5 giờ trong năm 2015.

Bên cạnh các giải pháp về chính sách, Tổng cục Thuế còn đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin để vừa tiết kiệm thời gian, chi phí của DN, vừa hạn chế sự can thiệp, tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ thuế với DN trong quá trình khai thuế, tính thuế. Tính đến 30/6/2015 đã thực hiện khai thuế qua mạng Internet đối với 98% số DN đang thuộc diện quản lý thuế. Đồng thời đã ký kết thỏa thuận với 27 ngân hàng thương mại để triển khai nộp thuế điện tử tại 63 địa phương trong cả nước. Đến 30/6 đã có 301.993 DN đăng ký tham gia nộp thuế điện tử với số tiền nộp vào NSNN là 35.119 tỷ đồng. Trên thực tế, không chỉ là cải cách, cắt giảm các thủ tục hành chính về thuế, để đạt mục tiêu theo Nghị quyết 19, cơ quan thuế đã thực hiện chuyển đổi toàn bộ phương thức quản lý trước đây sang quản lý theo rủi ro. Việc áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế sẽ phân loại DN, giúp làm rõ việc cơ quan thuế nên tập trung nguồn lực vào đâu, khu vực nào có thất thu, trốn thuế… để tập trung quản lý.

Theo Tổng cục trưởng Thuế Bùi Văn Nam, để đồng bộ hóa công cụ quản lý thuế, từ năm 2014, Tổng cục Thuế đã tham mưu trình các cấp trên ban hành một thông tư sửa đổi, bổ sung bảy thông tư khác, một nghị định sửa đổi, bổ sung bốn nghị định khác, và đã sửa đổi, bổ sung một số điều của năm luật thuế nhằm đơn giản hóa chính sách, TTHC thuế cho DN. Đây là một bước cải cách "nhảy vọt" cả về số lượng, chất lượng và tiến độ ban hành. Tuy nhiên, kết quả cải cách TTHC thuế không chỉ đơn giản là số giờ nộp thuế được cắt giảm. Quan trọng hơn, đó còn là những cải cách trong hệ thống thuế, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý thuế.

Từ đầu năm 2015 đến nay, toàn ngành Thuế tiếp tục nỗ lực tập trung rà soát, hoàn thiện các quy định về thuế nhằm giảm TTHC, giảm số giờ tuân thủ về thuế cho người dân và DN. Bên cạnh các giải pháp về chính sách, Tổng cục Thuế còn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để vừa tiết kiệm thời gian, chi phí cho DN, vừa hạn chế sự can thiệp, tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ thuế với DN trong quá trình khai thuế, tính thuế. Đến nay, 98% số DN đã thực hiện khai thuế qua mạng, nhiều cục thuế đã tổ chức tốt công tác này và có số DN trên địa bàn thực hiện khai thuế qua mạng đạt tỷ lệ 100%.

Đồng thời, ngành Thuế cũng ký thỏa thuận với 27 ngân hàng thương mại để triển khai nộp thuế điện tử tại 63 địa phương trong cả nước, hơn 300 nghìn DN đăng ký tham gia với số tiền đã nộp vào ngân sách nhà nước đạt gần 40 nghìn tỷ đồng. Đến thời điểm hiện nay, với các giải pháp ngành thuế đã triển khai, số giờ nộp thuế giảm xuống còn 117 giờ, đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết số 19/NQCP/2015 của Chính phủ đặt ra về giảm số giờ nộp thuế xuống dưới 121,5 giờ trong năm 2015.

Đặc biệt là, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý thuế được đặt lên hàng đầu, bảo đảm 100% DN kê khai thuế qua mạng in-tơ-nét (khai thuế điện tử) có chất lượng. Nâng cấp các ứng dụng CNTT bảo đảm hạ tầng, kỹ thuật; tăng cường phối hợp với các ngân hàng thương mại; hoàn thiện thể chế, khung pháp lý... để triển khai nộp thuế điện tử tại 63/63 tỉnh, thành phố, đến ngày 30/9/2015 có tối thiểu 90% DN nộp thuế điện tử. Đồng thời, nghiên cứu triển khai thực hiện kê khai, nộp thuế điện tử đối với lệ phí trước bạ khi tổ chức, cá nhân đăng ký ô tô, xe máy, nhà đất,...; thuế TNCN đối với chuyển nhượng bất động sản; thu từ hoạt động cho thuê nhà...

Không chỉ vậy, cơ sở dữ liệu về người nộp thuế sẽ được xây dựng tập trung thống nhất toàn quốc và công khai việc thực hiện giám sát tập trung đối với toàn hệ thống, để nâng cao công tác thanh tra, kiểm tra thuế dựa trên đánh giá rủi ro đồng thời bảo đảm quyền lợi của người nộp thuế không bị xâm phạm bởi nguyên nhân trục trặc công nghệ. Bên cạnh đó, việc tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy trình quản lý thuế, nhất là các quy trình liên quan giải quyết TTHC cho người nộp thuế để phù hợp với các văn bản pháp luật mới được sửa đổi, bổ sung sẽ góp phần bảo đảm việc cắt giảm thời gian làm TTHC về thuế đi vào thực chất, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý thuế. "Rõ ràng, bên cạnh chú trọng thực hiện quản lý thu, chống thất thu ngân sách nhà nước, việc tập trung đẩy mạnh cải cách TTHC cũng chính là một biện pháp quan trọng để thiết thực hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân và DN", Tổng cục trưởng Bùi Văn Nam nói.

Cải cách để tối đa lợi ích cho doanh nghiệp

Theo báo cáo đánh giá tác động của những thay đổi pháp luật thuế trong 5 năm qua đối với môi trường kinh doanh, 92% doanh nghiệp cho biết pháp luật thuế có sự chuyển biến tích cực. Thuế Giá trị gia tăng và Thuế Thu nhập doanh nghiệp là 2 sắc thuế mà tỷ lệ doanh nghiệp nhận định có sự thay đổi tích cực và giảm thời gian thực hiện cho doanh nghiệp nhiều nhất.

Có tới 71% doanh nghiệp hài lòng với cải cách thủ tục hành chính thuế, song cũng có tới 32% doanh nghiệp cho biết họ phải chi trả chi phí không chính thức cho cán bộ thuế và 40% doanh nghiệp cho biết họ bị phân biệt đối xử nếu không chi trả chi phí đó.

Theo đánh giá của Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc : “Tới 71% doanh nghiệp hài lòng có nghĩa là ngành thuế được 7/10 điểm – một điểm số khá cao. Tôi cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp trao bông hồng cho ngành thuế vì những nỗ lực cải cách”. Ông Lộc chứng minh là bộ được doanh nghiệp đánh giá cao nhất trong báo cáo MEI của VCCI cũng chỉ đạt 5,8/10 điểm; và địa phương được doanh nghiệp xếp cao nhất trong báo cáo PCI của VCCI cũng chỉ đạt 6,7/10 điểm.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Nguyễn Đại Chí, cho biết, có tới 97% doanh nghiệp thực hiện kê khai thuế điện tử; 80% doanh nghiệp thực hiện nộp thuế điện tử qua 21 ngân hàng trong nước đã kết nối với Tổng cục Thuế. Dự kiến, Tổng cục Thuế sẽ ký kết với 20 ngân hàng nước ngoài vào cuối tuần này nhằm để mở rộng tối đa việc kê khai thuế, nộp thuế điện tử.

Là lãnh đạo DN hoạt động trong lĩnh vực tài chính, kế toán tại tỉnh Cà Mau, nhận xét về tác động của chính sách cải cách TTHC thuế, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ kế toán Thịnh Phát Dương Văn Thịnh cho biết, với những quy định sửa đổi vừa qua thì việc khai thuế GTGT của DN đã được đơn giản hơn rất nhiều, về cơ bản nhiều thông tin mà DN phải kê khai đã được loại bỏ, chẳng hạn như thông tin về ký hiệu mẫu hóa đơn, ký hiệu hóa đơn, mặt hàng... hay quy định DN phải ghi thời hạn thanh toán trên bảng kê hóa đơn và điều chỉnh tiền thuế đầu vào đối với trường hợp thanh toán chậm trả...

Bên cạnh đó, về mẫu biểu tờ khai cũng được đơn giản hơn, DN không phải khai những thông tin, những chỉ tiêu mà không liên quan đến việc tính thuế của DN (như các hóa đơn mua bán hàng hóa, dịch vụ không đủ điều kiện để khấu trừ thuế, hóa đơn không phải tổng hợp lên tờ khai, hay là khai các thông tin mà cơ quan thuế không kiểm tra, đối chiếu được ngay trên hồ sơ như bảng kê hàng hóa dịch vụ hưởng mức thuế suất 0%, bảng kê hóa đơn xe ô-tô, xe hai bánh gắn máy...). "Như vậy, DN sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian chuẩn bị kê khai thuế, chỉ cần chuyển dữ liệu từ phần mềm kế toán sang là có thể hoàn thành việc kê khai mà không phải nhập thêm các chỉ tiêu", Giám đốc Dương Văn Thịnh nói.

Theo Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Hà Minh Hải, là một trong số các địa phương có số lượng người nộp thuế lớn nhất cả nước, Hà Nội hiện có hơn 100 nghìn DN, 150 nghìn hộ kinh doanh cá thể, hơn một triệu cá nhân nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và hàng trăm nghìn lượt nộp lệ phí trước bạ, thuế nhà đất, tiền thuê đất. Trong những năm qua, luôn xác định cải cách TTHC thuế là nhiệm vụ trọng tâm, then chốt, do đó, bên cạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, Cục Thuế Hà Nội đẩy mạnh cải cách, hiện đại hóa ngành thuế để giảm thời gian thực hiện TTHC thuế, từng bước thực hiện lộ trình cải cách của ngành thuế. Để triển khai thực hiện tốt chính sách thuế, Cục Thuế chủ động xây dựng kế hoạch và chuẩn bị các điều kiện triển khai một cách kịp thời, đồng bộ và hiệu quả trong công tác quản lý thu thuế, trong đó đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế dưới nhiều hình thức, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về thuế.