Cải cách, hiện đại hóa: Cuộc cách mạng “một thập kỷ”

Minh Hà

Dấu ấn nổi bật trên hành trình 30 năm xây dựng và phát triển của Cục Hải quan TP. Hà Nội chính là công tác cải cách, hiện đại hóa hải quan. Đặc biệt, trong mấy năm qua, những đột phá trong cải cách, hiện đại hoá đã góp phần quyết định tạo thành công cho Cục Hải quan TP. Hà Nội.

Năm 2014 đã có 99% tờ khai và 99,4% kim ngạch xuất, nhập khẩu được thực hiện qua hệ thống VNACCS/VCIS.
Năm 2014 đã có 99% tờ khai và 99,4% kim ngạch xuất, nhập khẩu được thực hiện qua hệ thống VNACCS/VCIS.

Dấu ấn một thập kỷ

Nhận thức rõ trách nhiệm đổi mới trước yêu cầu phát triển, hội nhập theo chủ trương của Chính phủ, Bộ Tài chính, ngành Hải quan, Cục Hải quan TP. Hà Nội đã tập trung nghiên cứu xây dựng “Kế hoạch cải cách, phát triển và hiện đại hóa Hải quan Hà Nội” cụ thể theo 3 giai đoạn (2004 – 2006, 2008 – 2010, 2011- 2015). Trên cơ sở đó, Cục đã triển khai thực hiện cải cách, hiện đại hóa từng giai đoạn với những hành động cụ thể.

Giai đoạn đầu khi mới bắt tay vào triển khai thực hiện kế hoạch cải cách, hiện đại hóa, Cục đã phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức từ chính nhận thức của một bộ phận cán bộ, công chức vẫn muốn níu giữ cách làm cũ cộng thêm, doanh nghiệp (DN) cũng chưa nhận thấy hết những lợi ích lâu dài của thủ tục hải quan điện tử đem lại.

Tuy nhiên, với quyết tâm thay đổi tư duy, cách làm mới, Hải quan Hà Nội đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hữu ích tạo sự chuyển biến tích cực trong toàn đơn vị. Cục đã trang bị, áp dụng các thiết bị kỹ thuật hiện đại trong kiểm tra, giám sát hải quan, vận hành giám sát bằng máy soi và camera nhằm nâng cao năng lực kiểm tra, giám sát. Đến cuối năm 2014, việc làm thủ tục hải quan bằng phương pháp điện tử được triển khai tại tất cả các chi cục hải quan với tỷ lệ tờ khai chiếm 99% so với tổng số tờ khai phát sinh; kim ngạch chiếm 99,4% so với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.

Bên cạnh đó, Hải quan Thủ đô từng bước hiện đại hóa công tác quản lý thuế, đảm bảo minh bạch, công bằng góp phần tạo thuận lợi cho các hoạt động thương mại. Hơn nữa, Cục còn phối hợp thu ngân sách giữa cơ quan hải quan và ngân hàng thương mại. Đến nay, số thu nộp ngân sách bằng phương pháp điện tử chiếm 90% tổng số tờ khai có thuế được mở tại Cục. Điều này góp phần đưa số thu nộp ngân sách từ năm 2004 đến 2015 của đơn vị đạt 131.634 tỷ đồng, trung bình mỗi năm thu đạt 10.969,5 tỷ đồng, tỷ lệ trung bình hàng năm đạt 104,3%.

Đặc biệt, năm 2014, Hải quan Hà Nội đã triển khai vận hành thành công thủ tục hải quan điện tử (VNACCS/ VCIS). Đáng chú ý, Hải quan Hà Nội là đơn vị đi đầu trong ngành Hải quan chạy thử Hệ thống VNACCS/VCIS với hơn 30% lượng tờ khai trong toàn Ngành được chạy thử trên Hệ thống. Kết quả khép lại năm 2014, có 99% tờ khai và 99,4% kim ngạch được thực hiện thông qua Hệ thống VNACCS/ VCIS… Có được kết quả này là do Cục đã tập trung quyết liệt từ quá trình chạy thử đến vận hành chính thức Hệ thống VNACCS/VCIS.

Trong giai đoạn chạy thử, khối lượng công việc khổng lồ được giải quyết, trên 2.300 DN được đào tạo theo phương thức “cầm tay chỉ việc”. Thành công trong vận hành Hệ thống VNACCS/VCIS là tiền đề quan trọng để Hải quan Thủ đô thực hiện Cơ chế một cửa ASEAN, tiếp tục tạo ra bước chuyển biến mạnh mẽ từ khai báo hải quan thủ công sang điện tử. Qua đó, DN không phải trực tiếp đến cơ quan hải quan mà thực hiện khai báo qua Internet, thực hiện 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần, giảm thời gian thông quan, giảm chi phí cho DN, tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động xuất nhập khẩu.

Ngoài ra, trong thời gian qua, Cục đã hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật. Đặc biêt, vừa qua, khi Nhà ga T2 Nội Bài đi vào hoạt động, Hải quan Hà Nội đã đảm bảo trang thiết bị kỹ thuật hiện đại và lắp đặt hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống máy soi và hệ thống phát hiện phóng xạ, lắp đặt và kết nối hệ thống camera giám sát hoạt động thông suốt... Những trang thiết bị này đã góp phần đáp ứng yêu cầu quản lý hải quan hiện đại tại cảng hàng không quốc tế Nội Bài.

Bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả, sau hơn 10 năm triển khai cải cách, hiện đại hóa, Hải quan Hà Nội đã thay đổi căn bản phương thức quản lý hải quan, từ phương thức quản lý thủ công sang điện tử. Nhờ đó, tạo sự chuyển biến tích cực từ kiểm tra trong thông quan sang kiểm tra sau thông quan, rút ngắn thời gian thông quan, tiết kiệm chi phí và nguồn lực làm thủ tục hải quan của cộng đồng DN xuất nhập khẩu trên địa bàn.

Tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hóa

Từ những thành công trên, Cục Hải quan TP. Hà Nội đã đề ra mục tiêu định hướng công tác cải cách, phát triển hiện đại hóa giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, Hải quan Hà Nội phấn đấu xây dựng Cục trở thành một trong những đơn vị hàng đầu trong cải cách phát triển hiện đại hóa của Ngành. Với phương châm hoạt động “Đổi mới - Đoàn kết - Trí tuệ - Công tâm - Hiệu quả”, Cục tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cơ chế DN ưu tiên đặc biệt về thủ tục và an ninh theo các chuẩn mực của Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO); thực hiện cơ chế một cửa quốc gia và một cửa ASEAN.

Song song với đó, Cục đảm bảo quản lý thuế công bằng, minh bạch, hiệu quả và đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước phấn đấu thu đúng, thu đủ, đạt và vượt chỉ tiêu được giao. Không chỉ có vậy, Hải quan Hà Nội tiếp tục chú trọng xây dựng hệ thống công nghệ thông tin hải quan hiện đại trên nền tảng xử lý dữ liệu tập trung, đảm bảo hệ thống công nghệ thông tin đạt tiêu chuẩn an ninh, an toàn.

Ngoài ra, Cục sẽ hình thành các địa điểm kiểm tra tập trung gắn với các Chi cục theo Đề án “địa điểm kiểm tra tập trung đối với hàng hóa xuất nhập khẩu đáp ứng yêu cầu quản lý hải quan hiện đại” đã được UBND Thành phố phê duyệt.

Tin tưởng rằng, với sự nỗ lực vượt khó, đoàn kết của toàn thể cán bộ, công chức, Hải quan Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện thành công công tác cải cách, phát triển hiện đại hóa hải quan giai đoạn 2016 - 2020./.

Cục Hải quan TP. Hà Nội đặt chỉ tiêu hoàn thành và thu vượt chỉ tiêu thu ngân sách được giao hàng năm, giảm 10% số trường hợp nợ thuế và số thuế nợ phát sinh hàng năm so với năm trước; kiểm tra đánh giá sự tuân thủ về thực hiện thủ tục hải quan của doanh nghiệp đến năm 2020 đạt 10% số doanh nghiệp thuộc địa bàn.