Cải cách thủ tục hành chính thuế, hải quan: Những bước đi thực sự ý nghĩa

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

(Tài chính) Trả lời câu hỏi của phóng viên tại buổi họp báo ngày 3/12 về đánh giá tác động của các biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam, ông Sandeep Mahajan, chuyên gia kinh tế trưởng của WB cho rằng đó là những bước đi ý nghĩa...

 Cải cách thủ tục hành chính thuế, hải quan: Những bước đi thực sự ý nghĩa
Số giờ thực hiện các nghĩa vụ về thuế đã giảm đáng kể, tới hơn một nửa thời gian với Thông tư 119. Nguồn: internet

Kinh tế đã bắt đầu phục hồi

Báo cáo Cập nhật tình hình kinh tế của Việt Nam do WB công bố cho biết kinh tế Việt Nam đang phục hồi. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự báo sẽ cải thiện từ mức 5,4% năm 2013 lên 5,6% năm 2014.  

Viễn cảnh khả quan này chủ yếu là nhờ ổn định kinh tế vĩ mô và hoạt động tốt của các ngành chế biến, chế tạo hướng về xuất khẩu có vốn FDI. Điều kiện kinh tế vĩ mô tích cực cũng cải thiện vị trí xếp hạng của Việt Nam, giúp Chính phủ phát hành thành công trái phiếu trên thị trường quốc tế, huy động được 1 tỷ USD với điều kiện khá hợp lý.

Theo đánh giá của WB, triển vọng trung hạn của Việt Nam tương đối tích cực, trong đó GDP sẽ tăng khiêm tốn và kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định. Tuy vậy, triển vọng này vẫn chịu tác động của hai rủi ro là: tiến độ tương đối chậm trong cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và ngân hàng; định hướng xuất khẩu mạnh của Việt Nam có thể bị ảnh hưởng bởi diễn biến bất lợi của kinh tế toàn cầu.  

Phát biểu tại họp báo, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng thế giới tại Việt Nam nhận định: “Tiềm năng để kinh tế Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn chỉ có thể trở thành hiện thực khi có tiến bộ thực sự trong việc giải quyết những bất cập của khu vực doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng, hiện đang gây trở ngại tới hiệu quả và năng suất của nền kinh tế. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ cải cách và hoàn thiện môi trường kinh doanh là mấu chốt để đưa nền kinh tế vươn tới quỹ đạo tăng trưởng mới”. 

Liên quan đến môi trường kinh doanh, báo cáo cũng nêu quan ngại khi thứ hạng của Việt Nam trong khảo sát môi trường kinh doanh đã rớt từ 72 năm 2014 xuống 78 vào 2015 trong số 189 nền kinh tế. Điểm xếp hạng của Việt Nam chỉ tăng ở mức khiêm tốn từ 64,1 điểm theo Khảo sát Môi trường kinh doanh 2014 lên 64,4 điểm năm 2015, đòi hỏi Việt Nam phải duy trì tốc độ và cải tiến môi trường kinh doanh sâu rộng hơn. 

Nhiều biện pháp quan trọng cải thiện môi trường kinh doanh

Báo cáo của WB đã nêu ra cụ thể các biện pháp chủ yếu đã được thực hiện để tăng cường năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Đó là Nghị quyết 19 của Chính phủ (tháng 3/2014) ưu tiên giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính về khai báo thuế, giảm chi phí hành chính, tăng cường minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan hành chính nhà nước.  

Luật Phá sản sửa đổi áp dụng thông lệ quốc tế, kể cả việc sử dụng chuyên gia chuyên nghiệp về xử lý mất khả năng thanh toán. Thông tư 119 của Bộ Tài chính (tháng 8/2014) đơn giản hóa và rút ngắn thời gian nộp thuế xuống mức trung bình của ASEAn vào cuối năm 2015.

Luật Đầu tư sửa đổi quy định nhà đầu tư được phép tự do kinh doanh những ngành nghề luật pháp không cấm. Luật Doanh nghiệp sửa đổi đơn giản hóa đăng ký kinh doanh bằng cách cho phép doanh nghiệp đăng ký phạm vi kinh doanh rộng hơn. Luật Quản lý và sử dụng vốn Nhà nước trong sản xuất và kinh doanh tăng cường đầu tư tập trung, minh bạch, và trách nhiệm giải trình trong quá trình đầu tư và sử dụng vốn Nhà nước.

Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên về đánh giá tác động của các biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam như sửa đổi các Luật thuế, cải cách thủ tục hành chính thuế, hải quan; thông qua Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư sửa đổi… trong thời gian tới, ông Sandeep Mahajan, chuyên gia kinh tế trưởng của WB cho biết: 

“Trong năm nay, Chính phủ đã thực hiện một số biện pháp quan trọng như Nghị quyết 19, nhất là Thông tư 119/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính với một số biện pháp về thuế… Chúng tôi cho rằng đó là những bước đi ý nghĩa. Vấn đề là thực hiện những điều này như thế nào. Qua thực tế triển khai, chúng ta đã thấy những kết quả khả quan. Số giờ thực hiện các nghĩa vụ về thuế đã giảm đáng kể, tới hơn một nửa thời gian với Thông tư 119.

Đó là những bước đi rất tốt, tuy nhiên các biện pháp này không được phản ánh trong xếp hạng môi trường kinh doanh đã công bố cho năm 2014 và 2015 do độ trễ về mặt thời gian, liên quan đến thay đổi pháp lý và khung điều tiết. Trong năm 2016, khi tiến hành đánh giá lại môi trường kinh doanh, tôi chắc chắn những cải thiện này sẽ được thể hiện mạnh mẽ hơn trong bảng xếp hạng”.