"Cần có tư duy, nhận thức và hành động mới để công tác đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội và ngành Tài chính phát triển cả về lượng và chất"

Theo mof.gov.vn

(Tài chính) Đó là quan điểm chỉ đạo của TS. Nguyễn Thị Minh, Uỷ viên Ban Cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Tài chính tại Hội nghị giao ban giữa các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng trực thuộc Bộ được tổ chức sáng nay, 04/11, tại TP. Hồ Chí Minh. Tham dự Hội thảo về phía Bộ Tài chính còn có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Hành chính sự nghiệp, Vụ Kế hoạch tài chính và đại diện Lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng trực thuộc Bộ.

"Cần có tư duy, nhận thức và hành động mới để công tác đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội và ngành Tài chính phát triển cả về lượng và chất"
Thứ trưởng Nguyễn Thị Minh phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Nguồn: mof.gov.vn

Hội nghị giao ban giữa các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng trực thuộc Bộ với thành phần chủ yếu là đại biểu của 5 trường Đại học, cao đẳng của Bộ cùng với một số đơn vị của Bộ có liên quan trực tiếp với các trường.

Mục đích của Hội nghị lần này được Bộ Tài chính tổ chức nhằm đánh giá lại tình hình hoạt động cơ bản của các trường đại học, cao đẳng trực thuộc Bộ trong năm học vừa qua; đồng thời có định hướng trong năm học và thời gian tới; Trao đổi kinh nghiệm qua các báo cáo điển hình của các trường trên một số mặt hoạt động: Phát triển cơ sở vật chất; hoàn thiện cơ cấu tổ chức; củng cố đội ngũ; nâng cao chất lượng đào tạo và liên kết đào tạo; tuyển sinh…

Hội nghị cũng là dịp để gặp gỡ và giao lưu giữa các đơn vị nhằm tạo sự gắn bó và liên kết giữa các trường trong Bộ cũng như các Vụ, cục quản lý của Bộ và các đơn vị có liên quan khác với các trường, từ đó, giúp các trường có định hướng đúng, hoạt động hiệu quả và chất lượng hơn.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thị Minh ghi nhận những thành tích đã đạt được của hệ thống giáo dục ngành Tài chính trong thời gian vừa qua và bày tỏ sự vui mừng và biểu dương những cố gắng của các đơn vị, các cá nhân có liên quan trong việc góp phần vào việc đào tạo nguồn nhân lực xã hội nói chung và ngành tài chính nói riêng.

Theo Thứ trưởng, trong thời gian tiếp theo, yêu cầu nhiệm vụ công tác của ngành Tài chính đặt ra hết sức nặng nề đòi hỏi công tác đào tạo, bồi dưỡng phải có những chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa, kịp thời hơn nữa. Vì vậy, thay mặt Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Tài chính, Thứ trưởng đề nghị hệ thống giáo dục ngành Tài chính tại Hội nghị lần này cần tập trung chú ý thảo luận về một số vấn đề quan trọng sau:

Một là, trong công tác quản lý đối với các trường thì công tác nào các đơn vị đã làm tốt, công tác nào còn hạn chế, nguyên nhân là gì, những khó khăn, vướng mắc và biện pháp khắc phục: như vấn đề xây dựng chính sách, vấn đề phát triển cơ sở vật chất; vấn đề quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo; vấn đề giải quyết chính sách chế độ; vấn đề tuyển dụng viên chức, giảng viên; …

Hai là, làm thế nào để giải quyết những vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ trong xây dựng cơ sở vật chất các trường.

Ba là, từng trường cần xem xét lại thực lực năng lực đào tạo của trường, khả năng phát triển, từ đó có chiến lược tăng hoặc ngừng tăng quy mô đào tạo một cách hợp lý. Chú trọng vào việc tăng chất lượng đào tạo mà không chạy theo quy mô để giữ và tăng uy tín của trường.

Bốn là, công tác tuyển dụng cũng là vấn đề rất quan trọng. Làm thế nào để vừa tuân thủ các quy định của Nhà nước trong tuyển chọn mà vẫn đảm bảo có cơ chế khuyến khích và thu hút nhân tài, tạo nguồn giảng viên có chất lượng cao ngay từ khâu tuyển vào..

Năm là, công tác bồi dưỡng, phát triển đội ngũ viên chức, giảng viên hiện có như thế nào để tránh được khuynh hướng tụt hậu đối với những giảng viên cũ. Làm thế nào để tăng nhanh tỷ lệ giảng viên có trình độ sau đại học, đặc biệt là tiến sĩ.

Sáu là, các trường đã thực hiện nghiêm túc các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong các vấn đề xây dựng chương trình, mở ngành, liên kết đào tạo trong và ngoài nước, tuyển sinh, cấp bằng, cấp học bổng, thu học phí… chưa?

Bảy là, một số vấn đề đã được thực hiện tốt ở một số trường cần phổ biến kỹ thêm những kinh nghiệm của mình để các trường bạn lưu ý, học tập, như: Công tác liên kết đào tạo với nước ngoài ở Học viện Tài chính, công tác tuyển sinh ở trường cao đẳng Tài chính – Hải quan; công tác bồi dưỡng giảng viên để phát triển đội ngũ ở Đại học tài chính – Marketing; công tác tuyển dụng ở Đại học Tài chính – quản trị kinh doanh…

Tám là, các đơn vị có liên quan của Bộ cũng cần có ý kiến đối với các trường về những điểm cần rút kinh nghiệm trong quá trình phối hợp công tác (Vụ Tổ chức cán bộ, Văn phòng Bộ, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ Hành chính sự nghiệp). Trường Bồi dưỡng cán bộ, Viện Chiến lược và chính sách tài chính cũng cần có ý kiến trao đổi với các trường về phối hợp trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; về vấn đề tham gia của các trường vào nhiệm vụ nghiên cứu khoa học của ngành.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Minh nhấn mạnh, với tám yêu cầu trên, thông qua Hội nghị, hy vọng những tham luận, thảo luận sôi nổi của các đại biểu tham dự sẽ đi thẳng vào những vấn đề thiết thực, cụ thể, chỉ rõ những hạn chế còn tồn tại, mạnh dạn đề xuất, kiến nghị các giải pháp để sau khi kết thúc Hội nghị, mỗi đơn vị, mỗi đại biểu đều có những tư duy, nhận thức và hành động tốt hơn làm cho công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực xã hội nói chung và ngành Tài chính nói riêng ngày càng phát triển cả về lượng và chất.