Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về quản lý thuế đối với hộ kinh doanh cá thể

Theo Báo Hải quan

(Tài chính) Sáng11/4/2013, tại Hà Nội, Tổng cục Thuế phối hợp với tổ chức Tài chính Quốc tế tại Việt Nam (IFC) đã tổ chức Hội thảo kinh nghiệm quốc tế về quản lý thuế đối với hộ kinh doanh cá thể.

 Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về quản lý thuế đối với hộ kinh doanh cá thể
Năm 2013 ngành Thuế sẽ tập trung cải cách quản lý thuế hộ kinh doanh

Phát biểu tại Hội thảo Phó Vụ trưởng- Phó Trưởng Ban Cải cách Tổng cục Thuế, Hoàng Thị Lan Anh cho biết, qua con số thống kê của Tổng cục Thuế tại 615 chi cục thuế ở 62 tỉnh, thành phố, đến cuối năm 2010 cơ quan Thuế quản lý thu thuế đối với 1.479.670 hộ kinh doanh; trong đó, số hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán chiếm khoảng 92,52%, số thu ngân sách nhà nước từ các hộ kinh doanh chiếm khoảng 2,65% tổng số thu nội địa không kể dầu thô và đất. Tuy nhiên, nguồn nhân lực để quản lý hộ kinh doanh chiếm khoảng 20,55% tổng số cán bộ thuế (chỉ tính số cán bộ ở các đội thuế liên xã phường quản lý trực tiếp các hộ kinh doanh).

Cũng theo đánh giá của Tổng cục Thuế, hiện nay ngành Thuế đang triển khai 3 hình thức thu nộp thuế đối với hộ kinh doanh cá thể như: Đôn đốc hộ kinh doanh thu thuế tại các điểm thu của ngân hàng, kho bạc; Thu thuế thông qua nhân viên uỷ nhiệm thu; Cán bộ thuế thu trực tiếp. Tuy nhiên, thủ tục thu nộp còn phức tạp, lạc hậu, uỷ nhiệm thu ở nhiều nơi không hiệu quả, triển khai thu thuế qua ngân hàng thương mại còn hạn chế chưa thuận lợi cho hộ kinh doanh.

Bên cạnh đó, việc bố trí tổ chức bộ máy cơ quan Thuế chưa theo mức độ phức tạp hay số lượng đối tượng quản lý nên nhiều nơi thừa, nơi thiếu. Mục tiêu của ngành Thuế đặt ra trong công tác quản lý thuế đối với hộ kinh doanh là xây dựng và thực hiện chính sách huy động từ thuế, phí và lệ phí hợp lý nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, đảm bảo nhu cầu chi tiêu cần thiết, hợp lý của ngân sách nhà nước như: Xây dựng ngưỡng doanh thu chịu thuế Giá trị gia tăng; Hoàn thiện phương pháp tính thuế, cơ bản tính theo phương pháp khấu trừ; Sửa đổi quy định về thuế môn bài, chuyển thành phí để đảm bảo với thực tế quản lý; Miễn thuế cho hộ kinh doanh tại các địa bàn khó khăn, các xã thuộc diện 135 của Chính phủ. Đồng thời cung cấp các hình thức dịch vụ trực tuyến như đăng ký thuế, khai thuế qua mạng, nộp thuế qua ngân hàng, tra cứu thông tin, chính sách qua cổng thông tin của cơ quan Thuế.

Tổng cục Thuế đang xây dựng Sổ tay nghiệp vụ hướng dẫn cán bộ thuế quản lý hộ kinh doanh. Trong đó, phân loại hộ kinh doanh kê khai/khoán và thay đổi trình tự, thủ tục, cách thức... Xác định hộ kinh doanh thay đổi quy mô, ngành nghề kinh doanh; Xử lý các trường hợp vi phạm như thông báo ngừng nghỉ kinh doanh mà vẫn kinh doanh, nợ thuế... Xác định và thông báo hộ kinh doanh bỏ trốn, mất tích.

Ngay từ đầu năm 2013, Tổng cục Thuế đã áp dụng quy trình quản lý thuế đối với hộ kinh doanh ban hành theo Quyết định số 2248/QĐ-TCT ngày 28/12/2012 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế. Với việc triển khai thực hiện Quy trình quản lý thuế đối với hộ kinh doanh được coi là bước đột phá trong việc công khai, minh bạch trong quá trình quản lý, tính thuế các hộ kinh doanh trên địa bàn cả nước.

Theo đó, ngành Thuế sẽ niêm yết công khai dự kiến doanh thu và mức thuế của các hộ kinh doanh phải nộp để lấy ý kiến. Thời gian niêm yết từ ngày 2/1 đến ngày 10/1 hàng năm. Cơ quan Thuế sẽ bố trí cán bộ thường trực để tiếp nhận những thông tin, ý kiến phản hồi và giải đáp thắc mắc của hộ kinh doanh về nội dung đã niêm yết.

Tại Hội thảo, chia sẻ kinh nghiệm quản lý thuế dành cho hộ kinh doanh cá thể tại các quốc gia trên thế giới, Giám đốc Chương trình thuế của IFC Rich Stern cho rằng, tại các quốc gia coi hộ kinh doanh là một bộ phận của nhóm doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ nên chế độ thuế đối với hộ kinh doanh được xây dựng dựa trên năng lực của đối tượng, không phải hình thức pháp lý.

Bên cạnh đó, chế độ thuế cần khuyến khích tăng trưởng, không phải là hạn chế. Trên cơ sở đó, Giám đốc Rich Stern đề xuất 3 lựa chọn chính của chế độ thuế đối với hộ kinh doanh như: Thuế khoán; Áp dụng chế độ thuế tiêu chuẩn kết hợp đơn giản hoá và các giải pháp khuyến khích có chủ đích; Áp dụng chế độ thuế tiêu chuẩn và không điều chỉnh gì hết.

Giám đốc Rich Stern đưa ra các biện pháp đơn giản hoá quản lý cho cơ quan Thuế như: Thiết lập bộ phận phụ trách thuế hộ kinh doanh; Xây dựng dịch vụ dành riêng cho hộ và các giải pháp điện tử như: Với hệ thống thuế đơn giản dựa trên doanh thu có thể áp dụng ngân hàng di động, giúp giải quyết tình trạng tiếp cận dịch vụ của các doanh nghiệp nhỏ tại các vùng xa xôi; Xây dựng chương trình thanh tra dựa trên rủi ro dành cho hộ kinh doanh...