Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020: Diện mạo mới năng động và hiện đại

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

Thực hiện Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước (KBNN) đến năm 2020, đến nay nhiều đề án quan trọng đã hoàn thành, đưa vào ứng dụng mang đến cho KBNN một diện mạo mới - năng động và hiện đại.

Giao dịch tại Kho bạc Nhà nước tỉnh Quảng Ninh. Ảnh Thanh Hằng
Giao dịch tại Kho bạc Nhà nước tỉnh Quảng Ninh. Ảnh Thanh Hằng

Hệ thống thông tin, báo cáo chính xác, nhanh

Các quỹ tài chính thuộc sự quản lý của Bộ Tài chính đang theo hướng đơn giản, hiện đại, công khai, minh bạch và phù hợp với thông lệ quốc tế. KBNN đã đưa ra 8 đề án, đến hết năm 2015 đã có một số đề án được hoàn thành gồm: Hiện đại hóa quy trình quản lý thu nộp thuế giữa Thuế - Hải quan và KBNN”; Chính sách về quản lý, kiểm soát chi (KSC) ngân sách nhà nước (bao gồm 3 đề án: Xây dựng quy trình cam kết chi; Xây dựng quy trình KSC ngân sách nhà nước (NSNN) một cửa; Xây dựng nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KSC NSNN qua KBNN); Xây dựng kho dữ liệu thu, chi NSNN.

Các đề án hoàn thành được đưa vào ứng dụng đã giúp giảm thiểu thời gian và thủ tục nộp tiền cho người nộp thuế; thống nhất dữ liệu và giảm thiểu việc nhập liệu tại các cơ quan, đơn vị, dữ liệu được nhập ở một nơi và sử dụng nhiều nơi khác nhau.

Đặc biệt, chính sách về quản lý, KSC (3 đề án nhỏ) đã tạo cơ sở thực hiện việc lập ngân sách trung hạn của cơ quan tài chính các cấp, góp phần ngăn chặn tình trạng nợ đọng thanh toán. Việc hoàn thành kho dữ liệu thu, chi NSNN đã giúp các nhà quản lý và cán bộ tài chính có thể khai thác thông tin theo nhiều chiều và trong khoảng thời gian khác nhau, phục vụ đắc lực cho công tác phân tích, dự báo, quyết định điều hành tài chính - ngân sách.

Cải cách công tác kế toán, để xây dựng hệ thống kế toán nhà nước thống nhất, hiện đại, KBNN có 4 đề án. Từ năm 2012, đề án “Hoàn thiện hệ thống báo cáo tài chính và báo cáo kế toán quản trị trong điều kiện triển khai TABMIS (Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc)” đã hoàn thành. 44 báo cáo trong hệ thống báo cáo của TABMIS cung cấp thông tin về tình hình thu, chi NSNN, vay nợ viện trợ kịp thời chính xác hơn, đáp ứng tốt hơn yêu cầu quản lý, điều hành NSNN.

Trong chương trình Hiện đại hóa hệ thống thanh toán, KBNN đã hoàn thiện 2 đề án: “Tăng cường công tác thanh toán không dùng tiền mặt” và “Mở rộng, tăng cường thanh toán điện tử với hệ thống ngân hàng bao gồm: Thanh toán điện tử song phương, thanh toán bù trừ điện tử; thanh toán điện tử liên ngân hàng”. Các đề án này đã giúp cho việc thanhh toán các khoản chi cho các cấp ngân sách được nhanh chóng, chính xác và góp phần hạn chế lượng tiền mặt giao dịch qua kho bạc. Đây cũng là một bước quan trọng để tiến tới một trong 3 mục tiêu KBNN đang vươn tới là “Kho bạc mà không có bạc”...

Ngoài ra, các đề án trong các chương trình: Cải cách công tác kiểm tra, kiểm toán nội bộ; Hiện đại hóa công nghệ thông tin; Hoàn thiện tổ chức bộ máy và phát triển nguồn nhân lực cũng đã và đang được KBNN triển khai, hoàn thành.

Tiếp tục hoàn thiện các đề án

KBNN cho biết, bên cạnh các kết quả tích cực, việc triển khai Chiến lược Phát triển KBNN trong thời gian qua cũng gặp phải một số khó khăn nhất định. Điển hình:

Việc triển khai đề án Tổng kế toán Nhà nước đã gặp một số khó khăn. Dự án có phạm vi lớn, liên quan đến tất cả các đơn vị kế toán nhà nước, trong khi đó, đối tượng kế toán lại đa dạng, quy trình tổng hợp thông tin báo cáo phức tạp. Đây cũng là các nội dung mà hiện nay KBNN chưa có kinh nghiệm và kỹ năng thực hiện.

Việc triển khai hoạt động thanh tra chuyên ngành KBNN còn khó khăn do thanh tra KBNN trước đây chỉ thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra trong nội bộ hệ thống. Vì vậy, khi triển khai tới các đơn vị sử dụng NSNN ngoài hệ thống kho bạc cần phải có thời gian chuẩn bị, nghiên cứu, tập dượt để thực hiện một cách hiệu quả. Đồng thời, đào tạo đội ngũ cán bộ đảm bảo đáp ứng được yêu cầu của công việc mới được giao.

Do vậy, để hoàn thành các đề án trong Chiến lược Phát triển, KBNN đã đưa ra giải pháp đổi mới và nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ công chức, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo chủ chốt và tăng cường sự phối kết hợp của các đơn vị liên quan.

Đặc biệt, trên cơ sở danh mục các đề án, cơ chế, chính sách cần triển khai để thực hiện thuộc giai đoạn 2016- 2020, KBNN yêu cầu đơn vị được giao chủ trì các đề án phải chủ động xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể, trong đó xác định rõ phạm vi, nguyên tắc, nội dung và lộ trình triển khai, để các đề án được chất lượng, đảm bảo đúng thời gian và tiến độ đặt ra.

Các đơn vị cũng phải định kỳ đánh giá lại tình hình thực hiện, đảm bảo việc thực hiện Chiến lược phát triển KBNN theo đúng định hướng, nội dung và kế hoạch đề ra. Đồng thời, các đơn vị cũng phải có những biện pháp để xử lý những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện cũng như phải có những biện pháp điều chỉnh kịp thời về phạm vi, nội dung, lộ trình triển khai của các đề án đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn.