“Chính sách tài chính phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin truyền thông”

Theo Cổng thông tin Bộ Tài chính

Đó là chủ đề chính của hội thảo quốc tế qua cầu truyền hình được tổ chức ngày 23/10/2012 do Trường Bồi dưỡng cán bộ Tài chính - Bộ Tài chính Việt Nam phối hợp với Trung tâm Tài chính và phát triển Châu Á – Thái Bình Dương (AFDC) - Bộ Tài chính Trung Quốc với 8 điểm nối trên thế giới: Trung Quốc (Bắc Kinh, Thượng Hải), Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippin, Srilanka và Việt Nam (Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh).

“Chính sách tài chính phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin truyền thông”
Toàn cảnh hội thảo

Đánh giá tại hội thảo, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, làm nền tảng cho việc phát triển ứng dụng các dịch vụ thông tin và truyền thông vào mọi mặt đời sống xã hội, góp phần thúc đẩy công cuộc đổi mới; phát triển nhanh và hiện đại hoá các ngành kinh tế; tăng cường năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp; hỗ trợ có hiệu quả cho quá trình chủ động hội nhập kinh tế quốc tế; nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân; nâng cao hiệu quả quản lý của nhà nước.

Chuyên gia đến từ Ngân hàng thế giới, bà Natasha Beschorner cho biết, ICT sẽ mang lại những lợi ích nhất định đối với kinh tế, tăng 10% thâm nhập băng thông rộng có thể đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm, tạo thu nhập cho người dân vùng nông thôn. Chính phủ các nước cần phải có các cải cách chính sách, đưa ra các quy định về cấp phép, điều kiện cơ sở hạ tầng, các cải cách chính sách, các quy định về tài chính cho việc cung cấp các dịch vụ về ICT. Chính phủ cũng có thể đóng vai trò như là chất xúc tác tìm các nguồn tài chính cho các dự án đầu tư cho chương trình phát triển cơ sở hạ tầng ICT, hoặc thông qua các quan hệ đối tác công tư, có các chương trình kích cầu về sử dụng Internet, có thể coi việc sử dụng các chương trình ICT như 1 phần của gói kích thích kinh tế quốc gia.

Cũng tại hội thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính Nguyễn Ngọc Hải cho biết, Việt Nam thực hiện mục tiêu xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng mạng lưới viễn thông, tin học quốc gia tiên tiến, hiện đại, hoạt động hiệu quả, an toàn và tin cậy, phủ trong cả nước, đến vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Hình thành xa lộ thông tin quốc gia có dung lượng lớn, tốc độ cao, trên cơ sở hội tụ công nghệ và dịch vụ viễn thông, tin học, truyền thông quảng bá. Ứng dụng các phương thức truy nhập băng rộng tới tận hộ tiêu dùng; cáp quang, vô tuyến băng rộng, thông tin vệ tinh (VINASAT)… làm nền tảng cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, thương mại điện tử, Chính phủ điện tử, dịch vụ công và các lĩnh vực khác.

Ông Hải cũng cho biết một số kết quả đầu tư phát triển ICT tại việt Nam: không ngừng mở rộng (phạm vi) hệ thống truyền dẫn, phát sóng đến vùng nông thôn, miền núi; không ngừng nâng cao dung lượng và chất lượng dịch vụ; mạng viễn thông băng rộng tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thông tin và truyền thông. Theo ông Hải, Chính phủ Việt Nam đã có các chính sách ưu đãi cho phát triển hạ tầng Công nghệ thông tin và truyền thông như hỗ trợ đầu tư ở vùng khó khăn về kinh doanh; hỗ trợ phát triển công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT), ứng dụng CNTT để thúc đẩy việc phát triển và sử dụng hạ tầng CNTT hiệu quả; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới.

Nhấn mạnh vai trò của Chính phủ trong việc thúc đẩy phát triển ICT, chuyên gia kinh tế cao cấp Bộ Tài chính Trung Quốc, ông Li Chen cho rằng, cần phải tăng cường vai trò của Chính phủ trong lập kế hoạch, chuẩn hoá, hướng dẫn, giám sát và cung cấp dịch vụ, để tạo ra một môi trường đầu tư ICT phát triển. Ông Li Chen cũng cho biết, tất cả những chương trình đầu tư vào mạng lưới viễn thông sử dụng ngân sách công cần phải được tiếp cận bởi các đối thủ cạnh tranh dựa trên nguyên tắc mở của các điều khoản minh bạch dựa vào chi phí.