Chống thất thu thuế: Từ thực tiễn đến hành động

Theo tapchithue.com.vn

(Tài chính) Có lẽ, từ xa xưa đến nay chưa có sự kiện nào dài như chuyện... thất thu thuế - chủ đề từng được “nội soi” nhiều nhất song rồi vẫn cứ thấy nan giải. Vậy đâu là nguyên nhân?

 Chống thất thu thuế: Từ thực tiễn đến hành động
Ngành Thuế cần phối hợp các lực lượng có liên quan để thanh, kiểm tra việc chấp hành chính sách pháp luật về thuế của các DN. Nguồn: internet
Sự kiện và dư luận
 
Thất thu thuế là một hiện tượng thực tế khách quan vốn có của bất kỳ hệ thống thuế khoá nào. Nó phản ánh hai mặt của một vấn đề: lợi ích của Nhà nước và lợi ích của doanh nghiệp (DN) (hay lợi ích cá nhân). Trên thực tế thì hai lợi ích này thường mâu thuẫn nhau, Nhà nước luôn có khuynh hướng tăng nguồn thu từ thuế, trong khi đó DN luôn mong muốn giảm số thuế phải nộp càng nhiều càng tốt. Nói cách khác, ở đâu có thuế khoá thì ở đó có thất thu.

Thất thu thuế biểu hiện, diễn biến rất đa dạng và phức tạp, tùy theo điều kiện kinh tế - xã hội của một quốc gia, song có thể khái quát hoá thành hai dạng: thất thu thực tế và thất thu tiềm năng. Trong đó, thất thu thực tế, có nghĩa là có nhiều khoản thu được quy định rõ ràng trong các luật thuế, song do nhiều nguyên nhân số tiền đó không được tập trung vào ngân sách đúng quy định. Còn thất thu tiềm năng, bao hàm cả trường hợp “lách thuế” có nguyên nhân từ kẽ hở của luật pháp hoặc sự buông lỏng quản lý, có nghĩa là thực tế có nhiều nguồn thu cần thiết phải động viên vào ngân sách nhưng lại không thu được, vì chưa có quy định của luật pháp. 
 
Vào thời điểm “cao trào” gian lận trong khấu trừ, hoàn thuế, dư luận đã chỉ ra 5 nguyên nhân, trong đó, hai nguyên nhân trực tiếp là: (1) chính sách thuế Giá trị gia tăng (GTGT) tại thời điểm đó còn quá nhiều khe hở, quá nhiều bất cập, không phù hợp với thực tại và yêu cầu phát triển của nền kinh tế. (2) Thuế GTGT là một loại thuế mới tiên tiến, nhưng công nghệ quản lý thu thuế chưa theo kịp, do đó đã tạo ra nhiều cơ hội thuận lợi, để các chủ thể kinh doanh trốn thuế, lậu thuế.

Bên cạnh đó còn có ba nguyên nhân sâu xa: (1) Trong tư tưởng cải cách thuế vẫn còn mang nặng dấu ấn cơ chế cũ - cơ chế kế hoạch hoá tập trung. (2) Quá trình cải cách thuế mới tập trung nhiều đến khía cạnh chính sách mà chưa có sự quan tâm thích đáng đến việc cải cách hành chính Thuế, dẫn đến năng lực quản lý hành chính Thuế thấp, hiệu quả chưa cao, làm xuất hiện nhiều tồn tại trong công tác hành thu. (3) Chưa chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để triển khai thuế GTGT có hiệu quả.
 
Mặc dù đã nhận diện được nguyên nhân gây thất thu thuế song cuộc đấu tranh chống gian lận trong lĩnh vực thuế luôn là cuộc chiến lâu dài, bền bỉ đòi hỏi phải có những quan điểm, chính sách và biện pháp xử lý thích hợp trong từng giai đoạn phát triển của nền kinh tế - xã hội. 
 
Quan điểm và giải pháp chống thất thu thuế 
 
Quan điểm hoàn thiện hệ thống thuế nói chung và thuế GTGT nói riêng trong thời gian qua đã quan tâm, chú ý đến tính chính trị - kinh tế- xã hội của công cụ thuế. Theo đó, đòi hỏi đầu tư phải tôn trọng thuộc tính trung lập của hệ thống thuế hiện đại, tức là hạn chế tối đa các quy định miễn giảm, khấu trừ làm xói mòn những mục tiêu cốt lõi của thuế, dễ gây nên tình trạng trốn, lậu thuế. Thứ hai, phải xem xét đến năng lực quản lý hành chính Thuế, khả năng thu thuế và tình trạng của DN. Phải có sự phân tích, đánh giá cẩn thận những tác động lan tỏa, bóp méo các hành vi kinh tế mà cải cách thuế có khả năng gây nên.

Theo đó, khi tiến hành cải cách cần tôn trọng tính ổn định tương đối của hệ thống thuế, tránh sự thay đổi quá nhanh làm cho các nhà quản lý thuế và DN rơi vào tình trạng lúng túng trong thi hành, gây nên sự hoài nghi của các nhà đầu tư, làm phương hại đến lợi ích của DN, tăng trưởng kinh tế và lợi ích của quốc gia. Quá trình cải cách hệ thống thuế phải gắn chặt với vấn đề cải cách quan hệ tài khoá giữa các cấp chính quyền. Có như vậy, mới tạo ra được sự quan tâm, trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương đối với việc triển khai hệ thống thuế mới. 
 
Nhìn nhận rõ các điểm còn khuyết thiếu trong hệ thống chính sách, Luật Quản thuế, Luật Thuế GTGT và Luật Thuế TNDN sửa đổi, bổ sung được áp dụng từ 1/7/2013 đã ban hành nhiều quy định chặt chẽ hơn. Cụ thể, Luật Thuế GTGT đã đưa ra ngưỡng tính Thuế GTGT, Luật Thuế TNDN bổ sung chế tài chặt chẽ hơn. Các nghị định hướng dẫn thi hành các luật thuế mới sửa đổi, bổng sung sẽ có nội dung hướng dẫn về các tiêu chí phân loại DN và phương thức quản lý đối với từng loại DN.  Qua đó những lỗ hổng trong khấu trừ, hoàn thuế đã dần bị “bịt kín” từ phía chính sách và quy trình. Tuy nhiên thực tế lại đang nảy sinh những vấn đề mới về tạo, phát hành và sử dụng hoá đơn (HĐ), đòi hỏi phải có biện pháp xử lý thỏa đáng, kịp thời theo hướng cải cách, hiện đại hóa quản lý thuế. 
 
Bên cạnh đó, ngành Thuế cũng đang phải đối mặt với tình trạng một số DN vừa và nhỏ, DN mới thành lập, DN xuất khẩu hàng hóa tổng hợp qua biên giới đất liền, kinh doanh hàng nông sản, lợi dụng sự thông thoáng trong cơ chế chính sách để mua bán và sử dụng HĐ bất hợp pháp trong khấu trừ thuế GTGT nhằm trục lợi tiền thuế của Nhà nước. 
 
Để ngăn chặn tình trạng này, một trong những giải pháp được Bộ Tài chính đưa ra yêu cầu các Cục Thuế tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với các DN, hộ kinh doanh để xác định hành vi vi phạm về sử dụng HĐ; phối hợp với cơ quan công an để kiểm tra, đối chiếu HĐ giữa các DN để kịp thời ngăn chặn và xử lý theo quy định của pháp luật; khẩn trương triển khai thực hiện đề án xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu HĐ của người nộp thuế dựa trên việc công khai mức thuế, cơ sở tính Thuế của các đơn vị nộp thuế theo phương pháp khoán; đồng thời, tổ chức việc kiểm tra đối chiếu HĐ qua mạng Internet ở hai thành phố lớn là: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và tiến tới mở rộng thực hiện ngay trong quý IV/2013 tại các tỉnh Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.
 
Cũng trước tình hình trên, ngày 26/6/2013, Liên bộ: Tư Pháp - Công an - Tòa án - Viện Kiểm sát - Tài chính đã ban hành Thông tư Liên tịch số 10/2013/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC-BTC hướng dẫn áp dụng một số điều của Bộ luật hình sự về các tội phạm trong lĩnh vực thuế, tài chính - kế toán và chứng khoán. Theo đó, từ 15/8/2013 vi phạm về HĐ thuế sẽ bị xử lý hình sự. 
 
Đấy là về lâu dài còn trước mắt, để ngăn chặn tình trạng gian lận HĐ, ngành Thuế cần phải phối hợp các lực lượng có liên quan để thanh, kiểm tra việc chấp hành chính sách pháp luật về HĐ của các DN trên địa bàn, nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các sai phạm. Bên cạnh đó, ngành Thuế khẩn trương xây dựng cơ sở dữ liệu về các DN bỏ trốn, DN sử dụng HĐ nhưng không có tờ khai thuế, hay DN khác sử dụng HĐ của những đối tượng này để phục vụ công tác kiểm tra đối chiếu.

Ngoài ra, cần tiếp tục duy trì hoạt động của Ban chỉ đạo triển khai Nghị định 51 các cấp, xây dựng chương trình kế hoạch chi tiết thực hiện trong từng thời kỳ; tăng cường kiểm tra, quản lý DN trong việc tạo, phát hành và sử dụng HĐ; tăng cường tuyên truyền sâu rộng Nghị định 51 trên các phương tiện thông tin đại chúng; nâng cấp phần mềm, đáp ứng được yêu cầu tra cứu thông tin về HĐ của ngành Thuế; tiếp tục theo dõi, quản lý chặt chẽ và kiểm tra đối với các nhà in nhận in HĐ và thường xuyên nắm bắt tình hình phát hành, sử dụng, thanh huỷ HĐ, thông báo phát hành và báo cáo tình hình sử dụng HĐ của DN theo quy định. 
 
Trong nỗ lực chống thất thu thuế qua gian lận HĐ, việc thanh toán không dùng tiền mặt và tin học hoá công tác tài chính - kế toán của DN được xem là một trong những điều kiện dần bắt buộc khi thực hiện tính Thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện Luật Doanh nghiệp theo hướng thông thoáng nhưng chặt chẽ và cần nhất là phải cho phép cơ quan thuế có quyền khởi tố, điều tra các vụ án chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước.