Chủ động quản lý, điều hành ngân sách nhà nước

ThS. Bùi Đức Nam

Tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV, một trong những nội dung quan trọng được các đại biểu Quốc hội quan tâm, cho ý kiến là kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2016; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2017; kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2016 – 2020.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nỗ lực điều hành ngân sách năm 2016

Ngày 20/10/2016, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, đã trình bày Báo cáo về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2016; dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2017. Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2016, tổng thu NSNN ước tăng so với dự toán 2,4% (24.500 tỷ  đồng), trong đó, thu nội địa ước tăng 5,6% dự toán, thu từ dầu thô ước chỉ đạt 72,5% dự toán, thu từ xuất, nhập khẩu hụt 2,9% dự toán.

Về chi NSNN năm 2016, Chính phủ ước thực hiện chi NSNN bằng 101,9% dự toán, tăng 24.500 tỷ đồng. Về cân đối và bội chi NSNN, số ước bội chi NSNN năm 2016 là 254.000 tỷ đồng, bằng số Quốc hội quyết định. Với mức bội chi này, dư nợ công là 64,98% GDP; dư nợ Chính phủ ở mức 53,1% GDP; dư nợ nước ngoài của quốc gia ở mức 45,7% GDP.

Thẩm tra tình hình thực hiện NSNN năm 2016, dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2017, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đánh giá, ước thực hiện thu NSNN vượt dự toán (2,4%) đã thể hiện nỗ lực điều hành của Chính phủ. Tuy nhiên, qua các số liệu chi tiết và qua kết quả giám sát tại một số địa phương cho thấy còn nhiều khó khăn, thách thức cần vượt qua mới có thể đạt mức dự ước.

Vì vậy, Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội (TCNS) đề nghị Chính phủ cần tiếp tục, có những giải pháp đồng bộ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để hoàn thành dự toán thu một cách chắc chắn.
Về chi NSNN, Uỷ ban TCNS đánh giá cao sự nỗ lực điều hành, quản lý chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm trong phạm vi dự toán được Quốc hội quyết định của Chính phủ.

Tuy nhiên, Ủy ban TCNS đề nghị Chính phủ rà soát, báo cáo đầy đủ tình hình nợ công để có những giải pháp điều hành, cân đối NSNN chủ động và kịp thời. Trường hợp NSNN hụt thu, đề nghị giảm nhiệm vụ chi tương ứng để giảm bội chi, đảm bảo nợ công trong giới hạn cho phép.

Triệt để tiết kiệm trong phân bổ ngân sách năm 2017

2017 là năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách 2017 - 2020, đồng thời cũng là năm đầu tiên thực hiện Luật NSNN năm 2015 nên việc xây dựng dự toán NSNN có ý nghĩa quan trọng. Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, Chính phủ xây dựng dự toán tổng thu cân đối NSNN năm 2017 là 1.212.180 tỷ đồng, tăng 16,7% so với ước thực hiện năm 2016. Về bội chi NSNN, Chính phủ dự toán bội chi NSNN năm 2017 (theo Luật NSNN năm 2015) khoảng 3,5% GDP.

Để thực hiện dự toán NSNN năm 2017, Chính phủ đã đề ra các nhóm giải pháp, trong đó nhấn mạnh một số giải pháp cụ thể. Đó là: Chính phủ sớm hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật NSNN năm 2015 làm cơ sở pháp lý cho việc xây dựng dự toán NSNN năm 2017 cũng như cho thời kỳ ổn định ngân sách 2017-2020; Tập trung chỉ đạo quyết liệt trong công tác thu NSNN, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống thất thu, trốn thuế, chống nợ đọng tiền thuế để tăng thu NSNN.

Đồng thời, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, đẩy nhanh thực hiện các dự án đầu tư XDCB, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư cho các dự án, công trình, quản lý chặt chẽ vồn đầu tư XDCB; Tăng cường quản lý chi NSNN, thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí; quản lý chặt chẽ việc mua sắm tài sản công; nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền thực hiện khoán xe công đối với một số chức danh ở trung ương và địa phương; Tăng cường kỷ luật ngân sách, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu; Quản lý chặt chẽ, đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại nợ công; Đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn, đấu giá công khai tài sản nhà nước.

Các kịch bản thu, chi ngân sách phù hợp giai đoạn 2016-2020

Cùng ngày 20/10/2016, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày Báo cáo kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2016 – 2020. Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, trên cơ sở Nghị quyết của Đại hội Đảng XII, mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn tới khoảng 6,75%, quy mô GDP theo giá thực tế khoảng 28.620.000 tỷ đồng.

Với mục tiêu này, tổng thu ngân sách cả giai đoạn ước khoảng 6.864.000 tỷ đồng, bằng 1,65 lần giai đoạn 2011 – 2015. Bội chi bình quân là 3,9% GDP. Nợ công giai đoạn 2017 – 2020 ước sát ngưỡng 65% GDP, trong đó năm 2017 khoảng 64,8% GDP và giảm dần còn khoảng 63,1% vào năm 2020.

Về chi, tổng chi cả giai đoạn khoảng 8.025.000 tỷ đồng. Trong đó, dự kiến bố trí chi đầu tư phát triển khoảng 2 triệu tỷ đồng, chiếm 25 – 26% chi NSNN, bao gồm tất cả các nguồn. Việc bố trí nguồn chi đầu tư từ nguồn vốn NSNN chỉ là định hướng trong kế hoạch tài chính 5 năm. Mức chi thực tế phụ thuộc vào tình hình phát triển kinh tế, khả năng thu ngân sách, tiến độ bán vốn doanh nghiệp nhà nước.

Hằng năm, căn cứ tình hình thực tế, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét, quyết định mức chi. Chi thường xuyên, gồm chi cải cách tiền lương là 5.156.000 tỷ đồng, trong đó bố trí nguồn để tăng lương, nâng mức lương cơ sở, trợ cấp cho người có công khoảng 7 – 8% mỗi năm.

Kế hoạch tài chính 5 năm cũng nêu ra các mục tiêu như bội chi NSNN đến năm 2020 dưới 4%. Huy động NSNN so với GDP vượt mục tiêu đề ra. Đảm bảo nhiệm vụ trọng tâm là cơ cấu lại NSNN, trong đó tổng số thu từ thuế, phí cao hơn chi thường xuyên, bội chi NSNN chỉ dùng cho đầu tư phát triển. Cơ cấu thu nội địa tăng từ 67,8% tổng thu NSNN giai đoạn trước lên  87 - 88% vào cuối giai đoạn.

Cơ cấu chi dịch chuyển theo hướng tăng chi đầu tư phát triển từ mức 20% lên 25 – 26% chi ngân sách. Bố trí nguồn đề điều chỉnh tăng lương, trợ cấp khoảng 7 – 8%/năm. Tuy nhiên, cũng như chi đầu tư phát triển, nguồn và mức chi điều chỉnh tiền lương chỉ là định hướng. Hằng năm, căn cứ vào nguồn thu ngân sách, tăng trưởng kinh tế, kết quả tinh giản biên chế... Chính phủ sẽ trình Quốc hội mức chi thực tế trong dự toán ngân sách hàng năm, để hạn chế ảnh hưởng đến nợ công.

Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng nêu rõ những rủi ro về tài chính - ngân sách có thể gặp phải trong giai đoạn tới như việc nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu, dễ bị ảnh hưởng từ bên ngoài, nên mức tăng trưởng có thể không đạt dự kiến. Bên cạnh đó, là những rủi ro khi quá trình tái cơ cấu không đạt tiến độ, mục tiêu cũng ảnh hưởng đến thu NSNN và còn có thể phát sinh các khoản chi chưa lường trước.

Đối với kế hoạch ngân sách, do tình hình kinh tế thế giới chưa phục hồi, giá dầu thô giảm, nguồn thu sắp tới sẽ phụ thuộc chủ yếu vào thu nội địa, để đảm bảo nguồn thu ngân sách, Chính phủ đã nêu ra 10 nhóm giải pháp lớn. Trong đó nhấn mạnh một số giải pháp quan trọng như cải thiện môi trường kinh doanh, đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu ngân hàng thương mại, xử lý nợ xấu… đẩy mạnh cải cách khu vực sự nghiệp công, tạo điều kiện cơ cấu lại chi NSNN. Để thực hiện những điều này, đòi hỏi cần có  sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành.

Thảo luận về Báo cáo Kế hoạch tài chính 5 năm, nhiều đại biểu Quốc hội đã cơ bản tán thành với nhiều nhóm giải pháp thực hiện Kế hoạch tài chính 5 năm Các đại biểu cũng cho rằng, trong 5 năm qua, hệ thống pháp luật, chính sách về tài chính - NSNN tiếp tục được hoàn thiện, nhờ đó vừa động viên nguồn lực, vừa góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, lấy lại đà tăng trưởng kinh tế và giải quyết tốt hơn các chính sách an sinh xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, đối ngoại. Việc quản lý NSNN có nhiều tiến bộ, từng bước cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa quản lý thuế, hải quan, kho bạc nhà nước; Công tác quản lý tài sản công có nhiều đổi mới.

Về thực hiện kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020, Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng, nhiệm vụ tài chính - ngân sách sẽ chịu sự tác động không thuận lợi. Dự báo kinh tế thế giới và khu vực giai đoạn 2016-2020 còn nhiều khó khăn, việc Chính phủ xác định mức tăng trưởng kinh tế bình quân 6,75%/năm là tích cực, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, ảnh hưởng đến thu NSNN và các chỉ tiêu tính toán trên GDP, theo đó nên có giải pháp tích cực, hữu hiệu để hoàn thành chỉ tiêu đặt ra, đặc biệt là các chỉ tiêu về chất lượng tăng trưởng bền vững; năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP).

Tài liệu tham khảo:

1. Chính phủ, Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội năm 2016 và nhiệm vụ năm 2017 (Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XIV);

2. Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020;

3. Một số website: quochoi.vn; mof.gov.vn; chinhphu.vn; thoibaotaichinhvietnam.vn.