Cơ chế xử lý nợ: Xu hướng thế giới và thực tiễn Việt Nam

Theo Cổng thông tin Điện tử Bộ Tài chính

Ngày 19/9/2012, tại Hà Nội, Viện Chiến lược và chính sách Tài chính phối hợp với Công ty mua bán Nợ và Tài sản tồn đọng (DATC) đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Cơ chế xử lý nợ: Xu hướng thế giới và thực tiễn Việt Nam”. Hội thảo đã thu hút sự tham gia của đông đảo các chuyên gia kinh tế; các nhà khoa học; các cơ quan quản lý nhà nước, cũng như các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng. Và đặc biệt thu hút sự quan tâm của các cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài ngành Tài chính.

Cơ chế xử lý nợ: Xu hướng thế giới và thực tiễn Việt Nam - Ảnh 1

                                                                           Toàn cảnh Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Vũ Nhữ Thăng - Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính cho biết, theo thống kê của Ngân hàng nhà nước công bố mới đây cho thấy, tính đến cuối tháng 3-2012, nợ xấu của các tổ chức tín dụng chiếm 8,6% tổng dư nợ cấp tín dụng. Trong đó, nợ xấu của nhóm ngân hàng thương mại nhà nước là 125,8 ngàn tỷ đồng, chiếm 10,37% dư nợ cấp tín dụng của nhóm ngân hàng thương mại nhà nước; nợ xấu của nhóm ngân hàng thương mại cổ phần là 60,9 ngàn tỷ đồng chiếm 5,8% dư nợ tín dụng của nhóm ngân hàng thương mại cổ phần. Như vậy, tỷ lệ nợ xấu đang tăng trở lại và gần chạm tới mốc 2 con số.

Hiện nay, hệ thống ngân hàng đóng vai trò quan trọng trên thị trường tài chính với thị phần tín dụng chiếm tới xấp xỉ 95% của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng. Trong bối cảnh thị trường vốn còn chưa phát triển, tín dụng ngân hàng luôn đóng vai trò là kênh dẫn vốn chủ đạo trên thị trường tài chính, bảo đảm đáp ứng nhu cầu vốn cho đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh và góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tỷ lệ tăng trưởng tín dụng trong hệ thống ngân hàng đạt mức bình quân 30%/năm trong những năm gần đây, tỷ lệ tín dụng/GDP đã tăng từ 40,1% vào năm 2000 lên tới 125% vào năm 2010. Quá trình tăng trưởng nhanh đó cũng đi kèm với hệ quả là tỷ lệ nợ xấu của Việt Nam tăng lên, từ các nguyên nhân chủ quan cũng như khách quan.

Với tinh thần đóng góp và làm sâu sắc hơn vấn đề xử lý nợ xấu, Hội thảo Khoa học với chủ đề ”Cơ chế xử lý nợ: Xu hướng thế giới và thực tiễn Việt Nam” tập trung chủ yếu vào các vấn đề như: Đánh giá thực trạng nợ xấu trong hệ thống ngân hàng hiện nay; Thực trạng nợ của doanh nghiệp, cơ chế xử lý nợ xấu hiện nay... ; Kinh nghiệm quốc tế về xử lý nợ: Tiêu chí phân loại nợ xấu, cơ chế xử lý nợ, nguồn tài chính để xử lý, vai trò của Nhà nước trong xử lý nợ xấu và một số vấn đề có liên quan; Vai trò của DATC trong xử lý nợ hiện nay.

Tại Hội thảo, các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý cùng nhau thảo luận, phân tích, đánh giá một cách khách quan, khoa học trên tinh thần xây dựng và nhìn thẳng vào sự thật để tìm ra những giải pháp thiết thực và hiệu quả nhằm khắc phục tình trạng nợ xấu trong hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay. Các chuyên gia tài chính đã tổng kết kinh nghiệm xử lý nợ xấu trong tiến trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng của các nước trên thế giới.

 Theo đó, có 3 bước cơ bản để xử lý nợ xấu, đó là: Thứ nhất, hỗ trợ trực tiếp từ Chính phủ thông qua việc bơm vốn cho các ngân hàng và định chế tài chính nhằm đối phó với khủng hoảng. Thứ hai là thành lập công ty quản lý tài sản hoặc công ty mua bán nợ để thu mua nợ xấu. Cơ quan này sẽ đứng ra mua lại các khoản nợ xấu ngân hàng, sau đó xử lý để bán lại các khoản nợ đã mua này. Cuối cùng là tạo ra một cơ chế thỏa thuận xử lý nợ xấu giữa các tổ chức tín dụng và bên đi vay nhằm thương lượng phương án xử lý nợ dưới nhiều hình thức như: thanh lý tài sản, gia hạn hợp đồng và điều chỉnh một số điều khoản của hợp đồng.

Tuy nhiên, các chuyên gia tài chính cũng chỉ ra những ưu và khuyết điểm của mô hình Công ty Mua bán Nợ do nhà nước cấp vốn và tư nhân góp vốn và thực tiễn mô hình này ở tại các Công ty xử lý nợ ở Châu Á, từ đó đưa ra những kinh nghiệm nhằm vận dụng hiệu quả mô hình công ty mua bán nợ xấu tại Việt Nam. Cũng tham gia trong Hội thảo này, có tham luận của DATC đã cho biết thêm về vai trò của DATC và trong bối cảnh mới. Qua thực tế cho thấy quá trình chuyển đổi sở hữu DNNN đã chuyển sang giai đoạn cải cách tái cơ cấu tập đoàn, TCT là chính, nhưng nợ xấu của bản thân các tập đoàn, TCT cũng như nhiều khu vực DN khác vẫn khổng lồ và tiếp tục gia tăng. Trong giai đoạn tái cấu trúc DNNN tới đây, DATC nên được sử dụng với vai trò là một công cụ của Nhà nước trong tiến trình thực hiện Đề án Tái cơ cấu DNNN bởi giải pháp xử lý nợ xấu gắn với tái cấu trúc DN là một công cụ quan trọng của Nhà nước trong tái cơ cấu DNNN. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng việc đặt ra thành lập một công ty Mua bán nợ xấu của hệ thống ngân hàng có lẽ không phù hợp bởi lẽ nợ xấu của nền kinh tế tập trung vào nợ xấu ngân hàng mà trên thực tế DATC cũng đã xử lý chủ yếu số nợ của DN cũng có nguồn gốc là nợ xấu ngân hàng. Mặt khác, trong nền kinh tế thị trường thì nợ xấu luôn tồn tại một cách khách quan, chỉ mức độ là khác nhau ở những thời kỳ khác nhau nên mua bán nợ cũng là một thị trường, cần có một định chế của Nhà nước là rất quan trọng bởi nợ xấu cần phải kiểm soát và điều tiết chủ động bằng biện pháp kinh tế.