Cổ phần hóa 404 doanh nghiệp nhà nước, cắt giảm 420 giờ nộp thuế

Theo chinhphu.vn

Báo cáo của Chính phủ do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày đề cập đến vấn đề cổ phần hóa DNNN, vấn đề đầu tư công, vấn đề điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, quản lý, kinh doanh vàng, ngoại tệ, cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu...

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc báo cáo trước Quốc hội.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc báo cáo trước Quốc hội.

Sáng 16/11, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Thủ tướng Chính phủ báo cáo Quốc hội về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến nay.

Cổ phần 404 doanh nghiệp Nhà nước

Về lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, theo Phó Thủ tướng, các nội dung giám sát và chất vấn tập trung vào quản lý và sử dụng vốn đầu tư công, ODA, vay ưu đãi, vốn chương trình mục tiêu quốc gia, thu hút vốn đầu tư dưới hình thức đối tác công tư, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và tái cơ cấu kinh tế.

Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục tập trung hoàn thiện chính sách, pháp luật. Triển khai thực hiện Luật Đầu tư công. Tăng cường quản lý vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước và trái phiếu Chính phủ. Xây dựng và thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn. Bố trí vốn tập trung, khắc phục một bước tình trạng phân tán, dàn trải. Rà soát, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình, dự án quan trọng. Xác định rõ nguồn và khả năng cân đối vốn trước khi quyết định đầu tư. Kiểm soát, ưu tiên bố trí nguồn thanh toán nợ xây dựng cơ bản và thu hồi vốn ứng trước.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh giải ngân; tăng cường kiểm tra, giám sát, nâng cao hiệu quả các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi.

Triển khai tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty; tập trung cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành và nâng cao hiệu quả hoạt động. Đã sắp xếp 464 DNNN, trong đó cổ phần hóa 404 doanh nghiệp.

Triển khai Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư với việc thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; phấn đấu đến hết năm 2015 các chỉ tiêu môi trường kinh doanh của Việt Nam đạt và vượt mức trung bình các nước ASEAN-6.

Tập trung thực hiện các đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; tỉ trọng công nghiệp và dịch vụ tăng từ 79,9% năm 2011 lên 82,5% năm 2015. Rà soát, điều chỉnh các quy hoạch phát triển phù hợp hơn với kinh tế thị trường. Thực hiện chiến lược biển, gắn phát triển kinh tế-xã hội với bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Tuy nhiên, việc chấp hành các quy định về quản lý đầu tư công ở một số nơi còn chưa nghiêm. Vẫn còn tình trạng điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư. Tình trạng chậm tiến độ, nợ đọng xây dựng cơ bản ở một số nơi khắc phục chậm. Hiệu quả đầu tư công chưa cao.

Thu hút các nguồn vốn ngoài Nhà nước tham gia vào đầu tư phát triển chưa thật hiệu quả. Nguồn vốn đối ứng cho các dự án ODA và vay ưu đãi còn hạn hẹp. Thu hút đầu tư xã hội và đầu tư nước ngoài vào cơ sở hạ tầng chưa nhiều.

Tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm. Việc sắp xếp, cổ phần hóa DNNN ở nhiều ngành, lĩnh vực và sắp xếp, đổi mới nông lâm trường, công ty nông lâm nghiệp chưa đạt tiến độ đề ra; tỉ lệ vốn được cổ phần hóa còn thấp.

Cắt giảm 420 giờ nộp thuế

Trong lĩnh vực tài chính, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Các nội dung giám sát và chất vấn tập trung vào việc quản lý giá, thực hiện lộ trình giá thị trường, tái cấu trúc và phát triển thị trường chứng khoán, bảo hiểm, chống thất thu, bảo đảm cân đối NSNN và quản lý nợ công.

Thời gian qua, Chính phủ đã tích cực triển khai Luật Giá; thực hiện cơ chế giá thị trường; bình ổn giá đối với hàng hóa và dịch vụ thiết yếu; thực hiện lộ trình giá thị trường đối với điện, xăng dầu, than, dịch vụ y tế, giáo dục... gắn với hỗ trợ đối tượng chính sách, hộ nghèo.

Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, thực hiện lộ trình tái cấu trúc và phát triển các thị trường chứng khoán, bảo hiểm. Mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 33% và thị trường trái phiếu đạt 23% GDP. Tổng doanh thu thị trường bảo hiểm giai đoạn 2011-2015 tăng bình quân 17%/năm, tính đến cuối năm 2015 bằng khoảng 2% GDP.

Thực hiện các giải pháp bảo đảm thu đúng, đủ, kịp thời vào ngân sách Nhà nước; tập trung chống thất thu, nợ đọng thuế, chuyển giá; tăng cường thanh tra, kiểm tra. Hiện đại hoá công tác quản lý; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; nâng cao phẩm chất, năng lực đội ngũ cán bộ, công chức thuế, hải quan. Đã cắt giảm được 420 giờ nộp thuế; trên 98% doanh nghiệp đã kê khai thuế qua mạng; 80% doanh nghiệp nộp thuế theo phương thức điện tử; trên 98% kim ngạch xuất nhập khẩu được thông quan điện tử.

Trong bối cảnh kinh tế phát triển không thuận lợi, tăng trưởng thấp hơn dự kiến trong khi nhu cầu tăng chi ngân sách nhà Nước cho con người, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng an ninh và đầu tư phát triển là rất lớn, Quốc hội cho phép duy trì bội chi NSNN ở mức phù hợp (bình quân giai đoạn 2011-2015 là 5,3% GDP, năm 2015 là 5%).

Thực hiện các giải pháp tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công. Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật; ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về quản lý nợ công. Chỉ sử dụng nợ công cho đầu tư phát triển.

Việc điều hành vay và trả nợ thực hiện theo đúng Nghị quyết của Quốc hội và kế hoạch vay, trả nợ hằng năm được phê duyệt. Các chỉ tiêu nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn quy định. Cơ cấu lại nợ công theo hướng tăng tỉ trọng vốn vay trung và dài hạn với lãi suất hợp lý để giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn. Quản lý chặt chẽ hơn các khoản vay Chính phủ bảo lãnh và vay của chính quyền địa phương. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát việc sử dụng vốn vay.

Tăng cường quản lý NSNN, từng bước cơ cấu lại các nhiệm vụ, chương trình, dự án theo hướng lồng ghép, tiết giảm, bảo đảm các nhiệm vụ chi cần thiết, quan trọng và theo đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức quy định; xử lý nghiêm thất thoát, lãng phí.

Tuy nhiên, cân đối NSNN còn nhiều khó khăn, cơ cấu chưa hợp lý, chi thường xuyên lớn, bội chi còn cao. Quản lý và sử dụng NSNN ở một số bộ ngành, địa phương còn chưa chặt chẽ. Còn tình trạng thất thu, nợ đọng thuế, chuyển giá và lãng phí trong chi NSNN. Nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn. Việc sử dụng các khoản vay do Chính phủ bảo lãnh và vay của chính quyền địa phương ở một số dự án hiệu quả còn thấp. Việc thực hiện lộ trình giá thị trường các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu nhìn chung còn chậm.

Tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế đã được ngăn chặn

Trong lĩnh vực ngân hàng, Báo cáo của Chính phủ cho biết: Các nội dung chất vấn tập trung vào điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn, quản lý, kinh doanh vàng, ngoại tệ, cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu.

Điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa. Điều chỉnh giảm lãi suất phù hợp với diễn biến vĩ mô và lạm phát; mặt bằng lãi suất hiện nay bằng khoảng 40% so với năm 2011. Thị trường tiền tệ dần ổn định, thanh khoản của nền kinh tế và toàn hệ thống được cải thiện. Điều hành chính sách tỉ giá linh hoạt, ổn định thị trường ngoại tệ, tăng dự trữ ngoại hối. Dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế giai đoạn 2011-2014 tăng 12,6%/năm; dự kiến năm 2015 tăng khoảng 17%; cơ cấu chuyển dịch tập trung hơn cho các lĩnh vực ưu tiên.

Chính phủ đã tháo gỡ khó khăn, đổi mới quy trình, thủ tục cho vay vốn tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn; triển khai một số chương trình tín dụng đặc thù như mô hình cho vay liên kết, hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao, chính sách cho vay đối với chăn nuôi, thủy sản, cà phê… Ban hành các chính sách mới về tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách. Triển khai 20 chương trình tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, học sinh-sinh viên, hộ gia đình sản xuất kinh doanh ở vùng khó khăn... và một số chương trình, dự án do các tổ chức nước ngoài, địa phương ủy thác. Từ năm 2011 đến tháng 9/2015, tổng doanh số cho vay đạt trên 171 nghìn tỉ đồng; tổng dư nợ cho vay trên 137 nghìn tỉ đồng với hơn 8 triệu khách hàng.

Hoàn thiện pháp luật về kinh doanh vàng; tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các vi phạm. Tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế từng bước được ngăn chặn; biến động của giá vàng không ảnh hưởng nhiều đến ổn định tỷ giá, thị trường ngoại hối và kinh tế vĩ mô. Quan hệ huy động, cho vay vốn bằng vàng đã cơ bản chuyển sang quan hệ mua, bán.

Tập trung triển khai thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD). Tình trạng sở hữu chéo, đầu tư chéo, cổ đông/nhóm cổ đông lớn, thao túng, chi phối trong hệ thống các TCTD về cơ bản đã được xử lý và kiểm soát. Đẩy mạnh sáp nhập, hợp nhất, mua lại trên nguyên tắc tự nguyện; giảm 17 tổ chức và 2 chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang trong quá trình thanh lý. Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế có đánh giá tích cực về việc cơ cấu lại các TCTD của Việt Nam.

Thực hiện quyết liệt Đề án xử lý nợ xấu của các TCTD; tăng cường thu hồi, cơ cấu lại, phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro của TCTD; phát huy vai trò của VAMC; nợ xấu đã được kiểm soát, đến cuối tháng 9/2015 còn 2,93%. Năng lực tài chính và hiệu quả hoạt động của các TCTD được nâng lên, bảo đảm an toàn hệ thống.

Tuy nhiên, Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận, việc cơ cấu lại một số ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém và xử lý nợ xấu còn khó khăn. Còn một số vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động tín dụng, ngân hàng. Việc tiếp cận vốn tín dụng, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa còn khó khăn. Chất lượng tín dụng, quản trị và dịch vụ ngân hàng còn phải tiếp tục cải thiện và tăng cường ngày càng phù hợp hơn với thông lệ, chuẩn mực quốc tế và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.