Cổ phần hóa doanh nghiệp: Sẽ chấm điểm mức độ minh bạch tài chính

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

Trong giai đoạn 2016 – 2020, quá trình tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cần phải tiếp tục mạnh mẽ, thực chất hơn.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Những giải pháp như chấm điểm mức độ công khai, minh bạch của báo cáo tài chính, kết hợp với tăng cường, kiểm tra việc bán cổ phần tránh thất thoát... đang được cơ quan quản lý tính đến, kỳ vọng tạo đà đột phá cho quá trình này.

Thêm 39 DN hoàn thành phương án cổ phần hóa

Theo số liệu của Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, tính từ đầu năm đến ngày 22/6, đã có 39 DNNN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa. Trong đó, có 6 tổng công ty (TCT) lớn như Máy và Thiết bị công nghiệp; Máy động lực và máy nông nghiệp; 36; Tư vấn xây dựng; Lâm nghiệp; Vật tư nông nghiệp. Trong số này, ngoài công ty mẹ còn có cả nhiều công ty con của các TCT.

Tổng giá trị thực tế của 39 DN đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa là 27.061 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại DN là 21.631 tỷ đồng.

Theo phương án cổ phần hóa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, vốn điều lệ của 39 đơn vị là 21.069 tỷ đồng, trong đó nhà nước nắm giữ 9.890 tỷ đồng, bán cho nhà đầu tư chiến lược 7.050 tỷ đồng, bán cho người lao động 258 tỷ đồng, tổ chức công đoàn 1,8 tỷ đồng, số lượng cổ phần bán đấu giá công khai là 3.868 tỷ đồng.

Cũng trong 6 tháng qua, các đơn vị đã thoái được 2.314 tỷ đồng vốn ngoài ngành kinh doanh chính, thu về 4.490 tỷ đồng. Trong đó, các tập đoàn, TCT đã thoái được 357 tỷ đồng, thu về 400 tỷ đồng tại 5 lĩnh vực nhạy cảm (chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng – tài chính, bất động sản, quỹ đầu tư). Đồng thời, thoái 945 tỷ đồng, thu về 1.207 tỷ đồng tại các DN có vốn đầu tư vào các lĩnh vực ngoài 5 lĩnh vực nhạy cảm nêu trên.

Riêng Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), 6 tháng đã bán 1.011 tỷ đồng, thu về 2.882 tỷ đồng.

Điểm “nghẽn” xác định giá trị

Đánh giá về quá trình cổ phần hóa trong thời gian qua và hiện nay, theo ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, trong quý I/2016 tốc độ cổ phần hóa hơi chậm, sang quý II đã tích cực hơn song vẫn chưa đạt về chất cũng như lượng khi lãnh đạo nhiều bộ ngành, địa phương viện đủ lý do để thanh minh cho tiến trình cổ phần hóa chưa đạt yêu cầu.

Trong đó, một trong những yếu tố khiến cho quá trình cổ phần hóa DNNN chậm được chỉ ra là do khó khăn trong xác định giá trị DN. Thế nhưng có những DN đã xác định được giá trị rồi, nhưng đến khi chào bán cổ phần lại ế.

Ông Đặng Quyết Tiến cho rằng, DN cần xem xét lại quá trình mời nhà tư vấn cổ phần hóa, vì việc chọn đơn vị tư vấn cổ phần hóa không đơn giản là xác định DN. Tư vấn cổ phần hóa là việc xây dựng hình ảnh tương lai DN như thế nào để thu hút các nhà đầu tư, để tìm nhà đầu tư hợp lý, từ đó tư vấn việc bán cổ phần.

“Tôi nghĩ muốn bán được hàng thì hàng tốt hay hàng xấu là một chuyện, nhưng cứ so sánh đơn giản, một anh bán mà lúc nào cũng đon đả, tươi cười thì dù hàng có giá đắt một chút, người mua cũng sẽ mua. Ngược lại, nếu anh bán hàng mặt luôn cau có thì làm sao bán được hàng. Chọn đơn vị tư vấn ở đây là chọn được đơn vị có trình độ, họ đưa ra được lợi thế, cơ hội. Có nhiều DN khi chào bán cổ phần, phần lợi thế, điểm yếu cứ chép y nguyên như sách giáo khoa thì làm sao thuyết phục được nhà đầu tư”, ông Tiến nói.

Cần minh bạch tài chính của doanh nghiệp

Trong giai đoạn 2016 - 2020, mục tiêu được đặt ra là thực hiện tái cấu trúc DNNN, trên cả nước sẽ tiếp tục sắp xếp, đổi mới và chuyển đổi sở hữu các DNNN còn lại, với mục tiêu số lượng DNNN đến năm 2020 còn gần 200 (giảm 50% số lượng tại thời điểm năm 2015), đồng thời cơ bản hoàn thành việc xử lý các tồn tại về tài chính, lao động dôi dư của khu vực này.

Để thực hiện mục tiêu tái cơ cấu DNNN theo đúng tiến độ đặt ra, theo ông Đặng Quyết Tiến, một trong những giải pháp đang được Bộ Tài chính tính tới là chấm điểm mức độ công khai, minh bạch của báo cáo tài chính các DN.

Theo đó, Bộ Tài chính có thể mời thêm tổ chức độc lập để chấm điểm, các cơ quan liên quan khác thậm chí chính các cơ quan báo chí cũng sẽ có quyền cùng bỏ phiếu đánh giá báo cáo tài chính DN. “Điều này nhằm khẳng định DNNN cũng bình đẳng với các DN khác và công khai, minh bạch thông tin. Từ đó thúc đẩy quá trình cổ phần hóa. Nếu thông tin mù mờ thì nhà đầu tư không thể yên tâm được”, ông Tiến nhấn mạnh.

Đồng thời, với vai trò là nhà quản lý, ông Đặng Quyết Tiến cho biết Bộ Tài chính sẽ tăng cường, kiểm tra việc bán cổ phần tránh thất thoát. Không để DN lợi dụng việc thoái vốn để chạy vốn nhà nước, tạo lợi ích cho những nhóm cổ đông, nhà đầu tư kiếm lời trên cổ phần hóa, từ đó bóp méo hình ảnh thông tin tái cơ cấu. Quá trình tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN cần coi trọng chất lượng chứ không nên đặt nặng số lượng.

Theo đề án tái cơ cấu DNNN của Vụ Đổi mới DN thuộc Văn phòng Chính phủ, đến năm 2020, số DNNN sẽ giảm từ 1.309 xuống còn 17 tập đoàn, tổng công ty giữ 100% vốn nhà nước và khoảng 200 DN trong các lĩnh vực độc quyền nhà nước, quốc phòng, an ninh.