Cổ phần hóa sẽ có những đột phá

Theo Tạp chí Chứng khoán số T8/2016

Đây là kỳ vọng được ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp, Bộ Tài chính đưa ra khi trao đổi với phóng viên.

Cơ sở của kỳ vọng này là việc những vướng mắc trong quá trình cổ phần hóa cơ bản sẽ được tháo gỡ sau khi Chính phủ ban hành một Nghị định mới thay thế cho các Nghị định số 59/2011/NĐ-CP, Nghị định 189/2013/NĐ-CP, Nghị định 116/2015/NĐ-CP1 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần.

Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trong thời gian qua?

Ông Đặng Quyết Tiến

Ông Đặng Quyết Tiến

Ông Đặng Quyết Tiến: Lũy kế 7 tháng đầu năm 2016 (tính đến ngày 20/7/2016) đã có 43 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa (CPH), trong đó có 06 tổng công ty với tổng giá trị thực tế là 29.907 tỷ đồng, giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 22.240 tỷ đồng.


Theo phương án CPH được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì vốn điều lệ của 43 đơn vị là 21.680 tỷ đồng. Trong đó, Nhà nước nắm giữ 10.332 tỷ đồng, bán cho nhà đầu tư chiến lược 7.114 tỷ đồng, bán cho người lao động 267 tỷ đồng, tổ chức công đoàn 2,1 tỷ đồng, số lượng cổ phần bán đấu giá công khai là 3.954 tỷ đồng. Như vậy, CPH doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã bắt đầu chạm đến các doanh nghiệp có quy mô lớn.

Tổng quát hơn, trong giai đoạn 2011 - 2015, cả nước đã có 478 doanh nghiệp thực hiện CPH, góp phần không nhỏ vào việc hoàn thành các mục tiêu của quá trình tái cơ cấu DNNN.

Số lượng các Tập đoàn, Tổng Công ty nhà nước có quy mô vốn lớn được CPH đã nhiều hơn, trong đó có cả những doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực như hàng không, dệt may, ngân hàng.

Việc tổ chức đấu giá công khai cổ phần lần đầu đối với doanh nghiệp CPH đã tiếp tục tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư tham gia, thúc đẩy thị trường chứng khoán (TTCK) phát triển. Với cơ chế đấu giá cạnh tranh, giá trị doanh nghiệp đã được đánh giá một cách đầy đủ, sát với thị trường hơn…

Nhưng có ý kiến cho rằng, tiến độ CPH DNNN thời gian qua vẫn chậm và chưa thực chất. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Tiến độ CPH DNNN thời gian qua chậm do hai nguyên nhân chính sau:

Thứ nhất, việc CPH hiện nay chủ yếu còn lại là các doanh nghiệp lớn. Với lượng tài sản lớn, cấu trúc tài sản phức tạp khiến việc hoàn tất các khâu chuẩn bị cho phát hành lần đầu ra công chúng (IPO) của các doanh nghiệp lớn mất khá nhiều thời gian.

Điển hình là trường hợp của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) với quy mô vốn chủ sở hữu lên đến 40.000 tỷ đồng, 25 đơn vị thành viên và nhiều dự án bất động sản là đất đai. Để đẩy nhanh tiến độ CPH, thay vì CPH toàn bộ công ty con xong mới CPH công ty mẹ như cách làm trước đây, Tập đoàn này sẽ CPH đồng thời công ty mẹ và các đơn vị thành viên.

Theo đó, với khối lượng tài sản lớn, có tính chất đa dạng, cộng với số lượng các công ty con CPH đồng thời với công ty mẹ nhiều, nên việc xử lý tài chính, xác định giá trị doanh nghiệp tại VRG tốn nhiều thời gian và khá phức tạp.

Điều này đòi hỏi Bộ chủ quản là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban chỉ đạo CPH VRG, cũng như các bên liên quan phải thường xuyên sát sao để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc phát sinh, thì mới đảm bảo tiến độ CPH đề ra.

Hiện VRG đã bắt đầu phê duyệt tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp, xây dựng phương án tìm cổ đông chiến lược, để theo kế hoạch sẽ tiến hành IPO trong quý I/2017.

Tương tự, một số doanh nghiệp của Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Xây dựng như Tổng Công ty Máy Động lực và Máy Nông nghiệp có vốn chủ sở hữu 5.506 tỷ đồng, với 22 đơn vị thành viên; hay MobiFone có vốn điều lệ 15.000 tỷ đồng; Tổng Công ty Tư vấn Xây dựng Việt Nam với vốn điều lệ 357,7 tỷ đồng… cũng đang vừa phải triển khai phương án CPH vừa phải xử lý các vướng mắc, nhất là vấn đề tài chính để hoàn thành CPH trong năm nay.

Thứ hai, tư tưởng một số Bộ vẫn muốn nắm giữ tỷ lệ vốn nhà nước tại doanh nghiệp lớn cũng đang là một trong những trở ngại đối với việc đẩy nhanh tiến độ CPH.

Trong giai đoạn 2011 - 2015, sau khi bán cổ phần lần đầu, số DNNN nắm giữ trên 50% vốn điều lệ là 196 doanh nghiệp (chiếm 60% số doanh nghiệp đã bán cổ phần); đặc biệt có tới 55 doanh nghiệp (chiếm 17% số doanh nghiệp đã bán cổ phần) có số vốn nhà nước nắm giữ trên 90% vốn điều lệ.

Điều này làm giảm mức độ hấp dẫn tham gia của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư lớn, chuyên nghiệp và là rào cản của quá trình thay đổi nền tảng quản trị.

Điển hình như trường hợp của Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama), hiện nay, Nhà nước vẫn đang nắm tới 90% vốn tại đơn vị này trong khi một số nhà đầu tư muốn sở hữu tỷ lệ cao hơn. Việc cơ quan chức năng muốn nắm giữ tỷ lệ cao đã làm mất cơ hội CPH.

Với từng phương án nếu không tính đến hiệu quả của việc thay đổi, cơ hội phát triển cho doanh nghiệp thì dẫn tới phương án CPH không hiệu quả và sau CPH thì doanh nghiệp vẫn không thay đổi gì. Như vậy, điều quan trọng là chất lượng phương án CPH.

Bởi vậy, nếu phương án CPH được các nhà đầu tư quan tâm thì các Bộ nên có thay đổi và Chính phủ cũng đồng ý cho phép các Bộ đề xuất điều chỉnh lại tỷ lệ vốn nhà nước khi CPH ở những DNNN do Bộ làm chủ quản.

Không những CPH bị chậm mà việc IPO một số doanh nghiệp thời gian qua cũng “ế ẩm”, lượng cổ phần bán được thấp. Vậy theo ông, làm thế nào để khắc phục được tình trạng này?

Thời gian qua, nhà đầu tư đã chứng kiến không ít đợt IPO không thành công của nhiều DNNN vì lượng cổ phần bán được thấp, cá biệt có một số doanh nghiệp chào bán 30 - 40% cổ phần, nhưng chỉ bán được 1 - 2% cổ phần. Cụ thể như: Tổng Công ty Viglacera, tỷ lệ dự kiến bán ra là 25,83%, tỷ lệ thực tế bán được chỉ 8,52%; Tổng Công ty Viwaseen, tỷ lệ dự kiến bán ra là 28,62%, tỷ lệ thực tế bán được là 1,84%; Tổng Công ty xây dựng Bạch Đằng, tỷ lệ dự kiến bán ra 27,02%, tỷ lệ thực tế bán được là 5,39%...

Trong quá trình CPH, khâu chuẩn bị CPH, bao gồm xây dựng kế hoạch, hình dung ban đầu về cổ đông chiến lược, phương pháp xử lý các vấn đề tài chính, chuẩn bị xác định giá trị doanh nghiệp và lựa chọn được tư vấn là rất quan trọng. Vai trò của tư vấn không phải là tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp mà là tư vấn xây dựng phương án CPH, xây dựng hình ảnh doanh nghiệp trong tương lai, tư vấn tìm cổ đông thích hợp, tư vấn để bán cổ phần thành công.

Đối với DNNN IPO thất bại, nếu muốn bán tiếp phải tiến hành thận trọng, điều chỉnh tỷ lệ và thay đổi cách bán để đảm bảo bán được hết lượng cổ phần chào bán.

Trong đó, sau khi đã IPO chuyển sang Công ty Cổ phần, doanh nghiệp có thể tiến hành tái cơ cấu, rà soát lại những tồn tại về tài chính để tiếp tục xử lý, từng bước cải thiện hoạt động và hình ảnh của doanh nghiệp sáng hơn, tốt hơn.

Để làm được điều đó, phải lựa chọn được công ty tư vấn có chất lượng có thể tìm được nhà đầu tư chiến lược, có cách thức bán mới để khối lượng đặt mua phải chắc chắn.

Từ thực tiễn IPO thời gian qua cho thấy, không phải cứ doanh nghiệp tốt là bán được cổ phần mà quan trọng là khâu chuẩn bị chào bán cổ phần.

Có nhiều doanh nghiệp khi chào bán cổ phần, phần lợi thế cũng như điểm yếu “chép” y nguyên như sách giáo khoa, không thu hút được sự quan tâm của khách hàng.

Hoặc đơn vị tư vấn đưa nguyên phương án CPH của doanh nghiệp khác, đánh giá hiệu quả mà không có cơ sở pháp lý để so sánh, thuyết phục nhà đầu tư.

Do đó, nếu việc bán vốn không thành công thì phải xem lại trách nhiệm của đơn vị tư vấn CPH. Nếu chỉ bán được 1 - 2% thì không hoàn thành nhiệm vụ. Vì thế, Ban chỉ đạo CPH cần phải khắt khe hơn trong việc lựa chọn đơn vị tư vấn để đảm bảo chất lượng tư vấn hiệu quả.

Bên cạnh lựa chọn nhà tư vấn CPH có chất lượng thì ông quan tâm tới điều gì nhất để tiến trình CPH DNNN diễn ra nhanh hơn, góp phần thúc đẩy TTCK phát triển hơn?

Công khai, minh bạch thông tin luôn là vấn đề được Chính phủ, nhà đầu tư quan tâm, nhất là trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế với hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết.

Để các thông tin công khai thực sự minh bạch, chính xác, hiện Bộ Tài chính đang nghiên cứu để phối với các Hiệp hội, các Sở Giao dịch Chứng khoán (SGDCK) xây dựng cơ chế bình bầu, đánh giá, công nhận những bản báo cáo tài chính (BCTC) của DNNN đảm bảo đúng thông lệ của thị trường.

Dự kiến trong năm nay sẽ xây dựng cơ chế để áp dụng đánh giá, xếp loại BCTC của các tập đoàn, Tổng Công ty, doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Làm như vậy để các DNNN bình đẳng với các doanh nghiệp niêm yết (DNNY).

Thời gian qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã tiến hành xếp loại, đánh giá các DNNY có BCTC công khai, minh bạch theo đúng thông lệ thị trường. Trong khi đó, DNNN có chủ sở hữu là toàn dân, tính đại chúng lớn hơn nhiều, vì vậy, khi DNNN gương mẫu, hệ thống thông tin, quản trị minh bạch sẽ được tăng cường hơn.

Cùng với đó, sắp tới việc xây dựng và trình Chính phủ ban hành một Nghị định mới thay thế cho các Nghị định 59, Nghị định 189 và Nghị định 116 về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành Công ty Cổ phần cũng đang được Bộ Tài chính tích cực triển khai nhằm cụ thể hóa các tư tưởng mới về sắp xếp, CPH DNNN mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo.

Ông có thể cho biết một số điểm mới được quy định tại dự thảo Nghị định thay thế các Nghị định số 59, 189 và 116, theo ông điểm nhấn nào quan trọng nhất để thúc đẩy tiến trình CPH DNNN?

Dự thảo Nghị định thay thế các Nghị định trên đang được Bộ Tài chính công bố công khai lấy ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành, doanh nghiệp, các chuyên gia… để tiếp tục hoàn thiện và dự kiến trình Chính phủ ban hành vào cuối năm 2016.

Dự thảo này có 12 vấn đề chính và có khá nhiều điểm mới nhằm tháo gỡ vướng mắc để đẩy nhanh tiến trình CPH nhưng vẫn hạn chế tối đa thất thoát vốn nhà nước. Chẳng hạn như:

Về phương thức bán cổ phần lần đầu, ngoài 03 phương thức bán cổ phần hiện hành (đấu giá công khai, bảo lãnh phát hành, thỏa thuận trực tiếp), dự thảo Nghị định bổ sung thêm phương pháp mới là phương pháp dựng sổ (Book building) theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Đây là một phương thức phổ biến trên thế giới cần được nghiên cứu áp dụng trong quá trình CPH. Phương pháp dựng sổ là quá trình tạo lập, tiếp nhận và ghi lại cầu cổ phiếu của nhà đầu tư, tổ chức phát hành sẽ thực hiện chào bán ra công chúng thông qua bảo lãnh phát hành.

Theo đó, tổ chức bảo lãnh phát hành phối hợp với tổ chức phát hành xác định khoảng giá dự kiến và dựa vào nhu cầu của thị trường trên cơ sở dựng sổ lệnh về nhu cầu nhà đầu tư để xác định mức giá cuối cùng.

Về bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, theo quy định hiện hành, nhà đầu tư chiến lược mua cổ phần tại doanh nghiệp CPH có nghĩa vụ phải cung cấp các nguồn lực theo cam kết cho doanh nghiệp nhưng không được bán cổ phiếu trong vòng 05 năm dẫn tới quyền lợi của các nhà đầu tư chiến lược bị hạn chế so với nghĩa vụ phải thực hiện.

Việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược có thể thực hiện thỏa thuận trước cuộc đấu giá công khai ra công chúng với tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược do Ban chỉ đạo CPH trình cơ quan có thẩm quyền quyết định phương án CPH phê duyệt, điều này chưa đảm bảo tính công khai, minh bạch cũng như dễ dẫn đến thất thoát vốn Nhà nước.

Thực tế trong thời gian qua, có doanh nghiệp CPH không xác định cụ thể nhà đầu tư có tiềm năng tham gia mua cổ phần nhưng vẫn phát triển tốt; một số doanh nghiệp chỉ có 01 nhà đầu tư chiến lược đăng ký tham gia mua cổ phần, sẽ thực hiện bán theo phương thức thỏa thuận trực tiếp cũng dẫn đến dễ thất thoát vốn của Nhà nước và không đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch và thị trường trong quá trình CPH.

Mặt khác, Nghị định số 116 đã không còn quy định tỷ lệ khống chế số lượng cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược (theo Nghị định 59 thì tỷ lệ cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược không vượt quá 50% số cổ phần bán ra bên ngoài).

Như vậy, các nhà đầu tư nếu cần mua cổ phần sẽ thực hiện tham gia đấu giá mà không cần phải tiến hành các thủ tục xây dựng tiêu chí lựa chọn, xây dựng các cam kết để trở thành nhà đầu tư chiến lược; sau khi mua cổ phần, nhà đầu tư sẽ căn cứ vào tỷ lệ vốn góp để tham gia quản trị doanh nghiệp theo điều lệ Công ty Cổ phần.

Để khắc phục những hạn chế trên, dự thảo Nghị định mới đã điều chỉnh quy định việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược như sau:

Quy định bổ sung tiêu chuẩn của Nhà đầu tư chiến lược phải là nhà đầu tư có cùng ngành nghề kinh doanh chính với doanh nghiệp CPH, có kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh 02 năm gần nhất tính đến thời điểm đăng ký mua cổ phần phải có lãi và vốn chủ sở hữu trên BCTC năm gần nhất được kiểm toán bởi một công ty kiểm toán độc lập phải đảm bảo có đủ nguồn để mua số lượng cổ phần đăng ký mua.

Trường hợp chỉ có 01 nhà đầu tư chiến lược đăng ký mua thì không tổ chức bán thỏa thuận cho nhà đầu tư chiến lược mà chuyển sang bán đấu giá công khai cùng với các nhà đầu tư thông thường khác.

Việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược phải thực hiện đấu giá giữa các nhà đầu tư chiến lược với nhau trên SGDCK và thực hiện bán đấu giá sau cuộc đấu giá công khai (không áp dụng hình thức bán trước cho nhà đầu tư chiến lược và bỏ quy định mức khống chế số lượng tối đa 03 nhà đầu tư nhà đầu tư chiến lược tại mỗi doanh nghiệp)...

Được biết, Chính phủ đã lên kế hoạch tái cơ cấu DNNN cho giai đoạn 2016 - 2020, xin ông cho biết chi tiết hơn về bản kế hoạch này?

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được sau 5 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu DNNN, Chính phủ đã đề ra kế hoạch tái cơ cấu cho giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, giai đoạn 2016 - 2020, cả nước sẽ cổ phần hóa khoảng 250 - 280 doanh nghiệp.

Như vậy, để hoàn thành nhiệm vụ đặt ra cho giai đoạn này đòi hỏi phải có giải pháp quyết liệt và mạnh mẽ hơn nữa, tập trung vào các nhóm giải pháp sau:

Một là, nhóm giải pháp đối với Bộ Tài chính: Tiếp tục theo dõi, giám sát quá trình thực hiện các Đề án tái cơ cấu, sắp xếp, CPH doanh nghiệp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Cùng với việc kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai Đề án tái cơ cấu, sắp xếp, CPH các DNNN (nếu có), Bộ Tài chính tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách về CPH, thoái vốn, trong đó đặc biệt là hoàn thiện Nghị định thay thế các Nghị định 59, Nghị định 189 và Nghị định 116 như đã nói ở trên.

Hai là, nhóm giải pháp đối với các Bộ, ngành, địa phương: Tiếp tục quyết liệt để hoàn thành công tác CPH, thoái vốn đối với các đơn vị chưa hoàn thành theo kế hoạch năm 2015; Tập trung nghiên cứu xây dựng các Đề án, chính sách về sắp xếp, đổi mới quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động DNNN (gồm cả công ty nông lâm nghiệp).

Trong đó tập trung ban hành: tiêu chí phân loại DNNN cho phù hợp với giai đoạn tới (Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thay thế Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg ngày 18/7/2014 (Quyết định 37) của Thủ tướng Chính phủ về ban hành tiêu chí, danh mục phân loại DNNN); Hướng dẫn các Tập đoàn, Tổng Công ty, DNNN ban hành Điều lệ và Quy chế tài chính phù hợp với Luật Doanh nghiệp và Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh; Hướng dẫn các hình thức sắp xếp khác phù hợp với hệ thống Luật mới ban hành như cơ chế bán toàn bộ doanh nghiệp, bán một phần vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp để chuyển thành Công ty TNHH hai thành viên trở lên, sáp nhập, hợp nhất, chia tách DNNN; Đẩy mạnh rà soát bán phần vốn Nhà nước trong các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ.

Bộ Tài chính thực hiện quản lý, giám sát nguồn Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và Phát triển doanh nghiệp để tập trung nguồn thu từ quá trình CPH và thoái vốn để đầu tư các công trình trọng điểm của Nhà nước…

Về kế hoạch sắp xếp, CPH, theo phân công của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nghiên cứu, xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định thay thế Quyết định số 37, theo đó sẽ ban hành kèm theo Quyết định này danh sách các doanh nghiệp thực hiện CPH cho phù hợp với yêu cầu thực tế và nhiệm vụ giai đoạn 2016 - 2020.

Về kế hoạch thoái vốn ngoài ngành, các đơn vị sẽ tiếp tục thực hiện thoái vốn theo Đề án tái cơ cấu DNNN đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Xin trân trọng cảm ơn ông!