Công cụ giám sát và đánh giá tác động rủi ro thiên tai trong sản xuất nông nghiệp

Theo Cổng thông tin Điện tử Bộ Tài chính

Với mục tiêu không chỉ nhận diện các rủi ro tác động tới bảo hiểm nông nghiệp Việt Nam, mà là còn cơ hội để thiết lập và phát triển quan hệ cho các DN bảo hiểm muốn phát triển mạng lưới bảo hiểm của mình, ngày 25/9/2012, tại trụ sở Bộ Tài chính, Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm phối hợp với Công ty Aon Benfield tổ chức Hội thảo “Công cụ giám sát, cảnh báo, giảm thiểu rủi ro trong bảo hiểm nông nghiệp”. Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Vụ Kinh tế-Văn phòng Trung ương Đảng; đại diện lãnh đạo Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm; lãnh đạo và các chuyên gia hàng đầu của Công ty Aon Benfield Việt Nam; đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ; đại diện phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí.

Công cụ giám sát và đánh giá tác động rủi ro thiên tai trong sản xuất nông nghiệp
Phó Cục trưởng Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm Phùng Ngọc Khánh phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm Phùng Ngọc Khánh cho rằng bảo hiểm nông nghiệp đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc khôi phục sản xuất nông nghiệp cho người nông dân không may bị thiệt hại do thiên tai gây ra. Qua quá trình thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp rộng khắp trên 20 tỉnh thành trên cả 3 lĩnh vực cây lúa, vật nuôi và thủy sản, phát sinh một số vướng mắc trong quá trình thực hiện như doanh thu bảo hiểm về cây lúa, vât nuôi, bồi thường bảo hiểm thủy sản. Đồng thời, Phó Cục trưởng cũng khẳng định cần phải cấp thiết triển khai hai nội dung với bảo hiểm nông nghiệp, đó là:  Thứ nhất, xây dựng bản đồ đánh giá tác động rủi ro thiên tai để trả lời chính xác cho bà con nông dân, chính quyền địa phương; Thứ hai, mức phí bảo hiểm nông nghiệp được các DN đưa ra như thế nào và mức phí đã có tính khách quan hay chưa.

Công cụ giám sát và đánh giá tác động rủi ro thiên tai trong sản xuất nông nghiệp - Ảnh 1

Toàn cảnh Hội thảo

Nhấn mạnh đến tác dụng của BHNN, ông Christopher Coe, Giám đốc Phụ trách công ty BH Aon cho rằng những rủi ro từ thảm họa thiên nhiên gây ra như mưa đá, băng giá, lũ lụt, bão, hạn hán có thể đến với bất cứ một quốc gia nào. Thảm họa thiên nhiên băng giá tại Mexico vào tháng 2011 đã khiến khoảng 80% diện tích canh tác ngô bị phá hủy, thiệt hại kinh tế ước tính hơn 200 triệu USD; Trận lũ lụt lịch sử vào năm ngoái của Thái Lan khiến 15% (590.000 ha) của vụ mùa hè đã tổn thất toàn bộ, thiệt hại do sụt giảm sản lượng ước tính 1 tỷ USD. Tuy nhiên, đại đa số người dân sống ở vùng ven sông của Thái Lan đã kịp thời mua bảo hiểm và chỉ sau 3 tuần các công ty tái bảo hiểm đã chi trả cho người nông dân. Và tại Việt Nam, ông Christopher Coe cảnh báo, Việt Nam thường bị ảnh hưởng thiên tai từ những cơn bão và lũ lụt. Bão có thể gây ra thiệt hại lớn cho vật nuôi và thủy sản cũng như giá thành sản xuất của sản lượng lúa nước. Theo ước tính, GDP của Việt Nam năm 2011 là 120 tỷ USD. Nếu chỉ cần sản lượng lúa gạo sụt giảm 1% có thể dẫn đến sụt giảm nguồn thu lên tới 260 triệu USD.

Bên cạnh việc đưa ra ý kiến và đánh giá một cách khách quan về tình hình bảo hiểm nông nghiệp và nhìn nhận lại những thảm họa thiên nhiên ở Việt Nam; rủi ro thiên tai, trong bảo hiểm nông nghiệp, giải pháp tháo gỡ khó khăn và dẫn chứng thảm họa thiên nhiên ở một số nơi trên thế giới, các chuyên gia Aon đặc biệt nhấn mạnh công cụ giám sát rủi ro thiên tai, thảm họa trong nông nghiệp, đó là là giải pháp sử dụng RIICE - Hệ thống thông tin dựa trên công nghệ cảm ứng viễn vọng và ra đa khúc xạ tổng hợp phục vụ bảo hiểm mùa màng tại các quốc gia mới nổi. Công nghệ này được sử dụng hệ thống cảm ứng từ xa cho nông nghiệp của các nước đang phát triển, với mục tiêu là giúp các nhà quản lý vĩ mô nhanh chóng đưa ra các chính sách, kế hoạch đối phó với các thảm họa về lương thực tốt hơn thông qua các thông tip cập nhật về mùa màng liên tục. Bằng việc sử dụng các ra đa, vệ tinh giám sát ngày cũng như đêm, công nghệ này sẽ kiểm tra sự biến đổi của  địa chất cũng như khả năng phát triển của của cây lúa bất kể thời tiết nào. Qua đó, công nghệ này sẽ đưa ra các kết quả chính xác bằng các số liệu, bản đồ, mô hình và đặc biệt việc quản lý các số liệu này rất dễ dàng và tiết kiệm chi phí thu thập số liệu thực tế. Hiện tại, chi phí xây dựng cho các dữ liệu RIICE sẽ được thanh toán bởi Cơ quan hợp tác và phát triển chính phủ Thụy Sĩ SDC cho đến năm 2015. Sau đó, Allianz -cơ quan tái bảo hiểm sẽ chịu một phần chi phí và chia sẻ một cách hợp lý với các bên liên quan dựa trên quan hệ thương mại.