Cục Thuế Điện Biên quyết liệt với xử lý nợ đọng thuế

Theo Điện Biên Phủ Online

Những năm gần đây, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Điện Biên đều vượt chỉ tiêu Trung ương và địa phương giao. Song tình trạng nợ đọng thuế là vấn đề nan giải đối với ngành Thuế Tỉnh. Kết thúc kỳ nợ thuế 3 tháng đầu năm 2013, tổng số thuế nợ đọng toàn tỉnh trên 156,2 tỷ đồng, chiếm 142,7% tổng số thu ngân sách quý I. Tại một số đơn vị, số nợ thuế tăng cao so với cùng kỳ và tổng thu ngân sách, như: Chi cục Thuế TP. Điện Biên Phủ, Chi cục Thuế huyện Điện Biên...

Cục Thuế Điện Biên quyết liệt với xử lý nợ đọng thuế
Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Thuế TP. Điện Biên Phủ. Nguồn: Baodienbienphu.com.vn
Ông Lò Thanh Sương, Cục phó Cục Thuế Tỉnh, cho biết, toàn Tỉnh có hơn 800 doanh nghiệp hoạt động, chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng cơ bản. Do đó, số thuế nợ đọng hầu hết tập trung vào các doanh nghiệp này. Nền kinh tế khó khăn cộng với tình trạng thắt chặt đầu tư công theo Nghị quyết 11 của Chính phủ, một số công trình, dự án bị đình hoãn, kéo dài nên ảnh hưởng đến nguồn thu và tiến độ thực hiện nghĩa vụ thuế Nhà nước. Bên cạnh đó, một số chi cục thuế chưa thực hiện tốt việc cưỡng chế nợ thuế đối với khoản nợ trên 90 ngày nên kết quả xử lý nợ đọng thuế còn hạn chế.

Để hạn chế tình trạng nợ đọng thuế tăng cao, ngành Thuế Tỉnh chỉ đạo tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp quyết liệt xử lý nợ đọng thuế: Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chính sách thuế mới đến người dân, ngành giao chỉ tiêu thu nợ thuế cho từng tập thể, cá nhân; đồng thời có hình thức khen thưởng kịp thời. Hàng tháng, các chi cục thuế phân tích làm rõ nguyên nhân tăng số nợ đọng thuế để có biện pháp xử lý phù hợp. Đẩy mạnh đôn đốc, nhắc nhở đối với các khoản nợ dưới 90 ngày...

Đối với những doanh nghiệp cố tình chây ỳ nợ thuế với các khoản nợ trên 90 ngày thì ngành kiên quyết thực hiện các biện pháp xử lý cưỡng chế. Triển khai triệt để các biện pháp thu nợ thuế với mục tiêu hạn chế phát sinh nợ thông thường, giảm dần nợ khó thu, phấn đấu khống chế tỷ lệ nợ thông thường. Duy trì các kỳ đối thoại trực tiếp để “lắng nghe, thấu hiểu” thuận lợi, khó khăn của các doanh nghiệp nhằm tìm ra hướng mới cho sản xuất, kinh doanh và thực hiện nghĩa vụ nộp thuế.

Tăng cường phối hợp chặt chẽ và thường xuyên với các cấp, các ngành, chính quyền địa phương các cấp, cơ quan thông tin đại chúng trong việc quản lý người nộp thuế; công tác chống trốn thuế, gian lận thuế; thanh tra, kiểm tra, xử lý nợ đọng thuế. Nâng cao hiệu quả phối hợp với các cấp, ngành, đặc biệt là với Kho bạc Nhà nước và các ngân hàng thương mại, ban quản lý dự án, chủ đầu tư trên địa bàn kịp thời nắm bắt thông tin, thống kê công trình, dự án, địa điểm xây dựng và thông tin các nhà thầu xây dựng để theo dõi, có biện pháp quản lý thu thuế kịp thời, đầy đủ theo đúng quy định chính sách pháp luật thuế.

Cơ quan thuế phối hợp nhịp nhàng để cung cấp, trao đổi thông tin hiệu quả trong việc quản lý thuế đối với tổ chức, cá nhân nộp thuế và các nhà thầu sản xuất kinh doanh trên địa bàn Tỉnh theo quy định tại Thông tư số 28 của Bộ Tài chính và các văn bản hướng dẫn của Tổng cục Thuế. Tiến hành đối chiếu, rà soát chính xác các khoản nợ thuế theo quy định của Nhà nước và của Ngành. Đôn đốc, nhắc nhở người nộp thuế thực hiện đủ, kịp thời nghĩa vụ thuế vào ngân sách. Chủ động xây dựng kế hoạch thu nợ, áp dụng các biện pháp thu nợ đọng thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn hiện hành nhằm kịp thời thu các khoản thuế nợ đọng.

Thời gian tới, chi cục Thuế các huyện, thị xã, thành phố thành lập các ban chỉ đạo đôn đốc thu ngân sách Nhà nước. Căn cứ tình hình thực tế, chi cục Thuế các huyện, thị xã, thành phố có thể thành lập các đoàn kiểm tra, thu hồi nợ đọng thuế, trong đó tập trung vào các doanh nghiệp có số nợ thuế cao, thời gian nợ thuế kéo dài...