Cục Thuế Hải Dương: Đổi mới tư duy trong chỉ đạo điều hành

Đỗ Vinh (thực hiện)

(Tài chính) Năm 2013, ngành Thuế Hải Dương được giao dự toán thu ngân sách (NS) là 4.988 tỷ đồng (tăng 9,2% so với thực hiện năm 2012). Để hoàn thành nhiệm vụ này, Cục Thuế Hải Dương đặt ra quyết tâm rất cao, với 5 nhiệm vụ trọng tâm và 5 nhóm giải pháp lớn cụ thể. Phóng viên đã có cuộc trao đổi với bà Phạm Thị Mai - Cục trưởng Cục Thuế Hải Dương, để nhìn nhận rõ hơn về những nỗ lực này.

Cục Thuế Hải Dương:  Đổi mới tư duy trong chỉ đạo điều hành - Ảnh 1
Bà Phạm Thị Mai
Cục trưởng Cục Thuế Hải Dương
PV: Năm 2012 là một năm đầy khó khăn, song ngành Thuế Hải Dương đã có những nỗ lực rất lớn và giải pháp hiệu quả trong công tác thu NS. Xin bà cho biết, những bài học cơ bản rút ra trong năm qua?

Bà Phạm Thị Mai: Quả thật, năm qua là một năm đầy khó khăn. Ngay từ những ngày đầu năm, sau khi giao chỉ tiêu thu NS cho các đơn vị đảm bảo tính tích cực, Cục Thuế Hải Dương đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Hải Dương để tăng cường công tác quản lý, chống thất thu, các giải pháp về chống gian lận thương mại, trốn thuế, ẩn lậu thuế.

Bên cạnh đó, ngành Thuế địa phương cũng tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng cục Thuế, UBND tỉnh Hải Dương, “vào cuộc” quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền các huyện/thị xã trên địa bàn để có thể huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Cùng với đó là nỗ lực phấn đấu của tập thể cán bộ, công chức chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp công tác thuế. Đồng thời, ngành Thuế địa phương cũng nhận được sự đồng thuận cao của cộng đồng các doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn trong việc thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước.

Ngành Thuế Hải Dương cũng tập trung tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế (NNT) thực hiện đúng chính sách, pháp luật thông qua tổ chức hướng dẫn thực hiện các văn bản về chính sách thuế mới, sửa đổi, bổ sung đặc biệt là các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đảm bảo phát triển kinh tế xã hội và an sinh xã hội như Nghị quyết 13 và 29 của Chính phủ và Quốc hội…; góp phần ổn định doanh nghiệp, từng bước vượt qua khó khăn.

PV: Các nghị quyết của Chính phủ và của Quốc hội (Nghị quyết 13 và Nghị quyết 29) đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh (SXKD) thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế. Xin bà cho biết, ngành Thuế Hải Dương đã triển khai thực hiện nghị quyết này như thế nào?

Bà Phạm Thị Mai: Bên cạnh công tác thu ngân sách, ngành Thuế Hải Dương đã thực hiện nghiêm túc, kịp thời các chính sách ưu đãi thuế của Nhà nước cho NNT; triển khai phổ biến các nội dung hỗ trợ, miễn giảm thuế đối với người nộp thuế cụ thể, chi tiết đến các cán bộ, công chức thuế và người nộp thuế; tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng các doanh nghiệp, doanh nhân, tạo ra niềm tin, sự phấn khởi và sức lan tỏa sâu rộng; góp phần thúc đẩy phát triển SXKD, kích thích tăng trưởng kinh tế.

Cục Thuế Hải Dương đã tổ chức hội nghị quán triệt triển khai thực hiện và đối thoại, giải đáp vướng mắc cho NNT tới các doanh nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh; góp phần tháo gỡ khó khăn cho NNT. Chính những việc làm này cũng đã phần nào tạo nên niềm tin, sự tự giác từ phía NNT và làm cho ý thức về nghĩa vụ nộp thuế với ngân sách nhà nước được nâng lên…

PV: Thưa bà, năm 2013 được dự đoán còn nhiều khó khăn. Bà có thể cho biết ngành Thuế Hải Dương đã có những giải pháp như thế nào để có thể hoàn thành nhiệm vụ thu NS?

Bà Phạm Thị Mai: Năm 2013 được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, kinh tế vẫn còn tiếp tục đối mặt với những tác động bất lợi từ bên ngoài; chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, áp lực giá cả, lãi suất còn lớn; SXKD của doanh nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn; hàng tồn kho lớn, nguồn vốn cho đầu tư đang ở mức thấp… tác động không thuận lợi đến việc triển khai nhiệm vụ thu ngân sách.

Ngành Thuế Hải Dương đặt ra 5 nhiệm vụ trọng tâm và 5 nhóm giải pháp lớn. Trong đó, Cục Thuế tích cực tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành và cấp ủy, chính quyền cơ sở phối hợp chặt chẽ với ngành Thuế tuyên truyền sách pháp luật thuế, giải quyết kịp thời các vướng mắc; triển khai tích cực các chính sách hỗ trợ của Chính phủ về miễn, giảm, gia hạn nộp thuế cho doanh nghiệp, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ổn định phát triển SXKD thực hiện thu nộp đầy đủ nghĩa vụ thuế cho NSNN.

Bên cạnh đó, chúng tôi tiếp tục đổi mới tư duy trong chỉ đạo điều hành quản lý thuế; tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện các chức năng quản lý của các cấp lãnh đạo từ cục tới các phòng, ban, các chi cục, để đội ngũ này tiếp tục giám sát trong điều hành quản lý thuộc chức trách nhiệm vụ được giao.

Chúng tôi thiết nghĩ, nếu làm được điều này, trong quá trình vận hành hệ thống sẽ đạt kết quả tốt.

Trong năm 2012, số đối tượng được gia hạn thuế giá trị gia tăng là 1.673 lượt doanh nghiệp với số tiền gần 155 tỷ đồng; số đối tượng được gia hạn thuế TNDN là 3.182 lượt doanh nghiệp, với số tiền 126 tỷ đồng, giảm 30% thuế TNDN cho trên 1.500 DN với số tiền trên 47 tỷ đồng… tạo điều kiện cho NNT ổn định, phát triển SXKD đạt hiệu quả.