Cục Thuế thành phố Hồ Chí Minh: Thu hồi nợ thuế đạt kết quả cao

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Với việc triển khai quyết liệt các giải pháp thu hồi nợ đọng thuế, trong năm 2014, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đã thu hồi được 17.525 tỉ đồng tiền nợ thuế, tăng 7.525 tỉ đồng so với kết quả thực hiện trong năm 2013.

Cục Thuế thành phố Hồ Chí Minh: Thu hồi nợ thuế đạt kết quả cao
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tính đến ngày 31-12-2014, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đã đôn đốc thu được 17.513 tỷ đồng nợ thuế trong đó bằng biện pháp quản lý nợ là 9.635 tỷ đồng, bằng biện pháp cưỡng chế nợ thuế là 7.878 tỷ đồng.  Trong 17.513 tỉ đồng nợ đọng thuế thu được trong năm 2014  có 8.518 tỷ đồng tiền nợ của năm 2013 chuyển sang, và  8.995 tỷ đồng  nợ thuế trong năm 2014.

Ông Lê Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh cho biết, có được kết quả như trên là do trong năm 2014, Cục Thuế và UBND các quận, huyện đã kết hợp thường xuyên theo dõi và chỉ đạo các đơn vị đôn đốc thu nợ thuế. Đồng thời, triển khai tốt các biện pháp thu hồi nợ thuế phát sinh và thuế nợ.

 Cụ thể, trong năm 2014, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đã ban hành 318.616 quyết định thông báo nợ thuế  tương ứng với số tiền thuế nợ và tiền phạt là 7.525 tỷ đồng; ban hành 15.436 quyết định trích tiền từ tài khoản với số tiền thuế trích nộp là 12.293 tỷ đồng; ban hành 145 quyết định kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên với số tiền thuế nợ và tiền phạt là 3.697 tỷ đồng; ban hành 610 quyết định thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng với số tiền thuế nợ và tiền phạt là 909 tỷ đồng; ban hành 3.403 quyết định thu tiền, tài sản của đối tượng bị cưỡng chế do tổ chức cá nhân khác đang giữ; thu hồi giấy phép kinh doanh với số tiền thuế nợ và tiền phạt là 722 tỷ đồng.  Ngoài các biện pháp nêu trên, Cục Thuế áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm dừng xuất cảnh đối tượng nợ thuế là 49 trường hợp, với số tiền thuế nợ và tiền phạt là 43 tỷ đồng.

Trong các biện pháp cưỡng chế nợ thuế theo Luật Quản lí thuế , Cục Thuế TP.HCM cho biết, biện pháp áp dụng khá hiệu quả là trích tiền gửi ngân hàng và thu tiền, tài sản của đối tượng bị cưỡng chế do tổ chức cá nhân khác đang giữ. Ngoài ra, biện pháp dừng xuất cảnh của người nợ thuế đã hỗ trợ rất nhiều cho công tác thu hồi nợ, giúp thu hồi được các khoản nợ lâu năm.

Đánh giá về công tác quản lí nợ của Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh trong năm 2014, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Hồng cho rằng, kết quả tích cực của công tác thu hồi nợ đọng của Cục Thuế TP.HCM trong năm 2014 là nhờ đơn vị đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp ngay từ đầu năm. Với số nợ 17.500 tỉ đồng tăng hơn 7.500 tỉ đồng so với năm 2013. Kết quả này đã thể hiện sự quyết tâm của Cục Thuế trong việc chống thất thu.

Tuy đã đạt được kết quả tích cực trong công tác thu hồi nợ thuế nhưng theo ông Lê Xuân Dương, số nợ thuế đến cuối năm 2014 vẫn còn 19.754 tỷ đồng, tăng 20,3% so với số nợ thuế cuối năm 2013. Nguyên nhân chủ yếu do DN vẫn còn nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó do việc vay vốn gặp nhiều khó khăn, DN tập trung toàn bộ nguồn tài chính vào sản xuất kinh doanh. Vì vậy, không kịp thời nộp vào ngân sách các khoản nợ cũ và nợ mới phát sinh. Ngoài ra, số DN nộp hồ sơ ngưng kinh doanh, bỏ trốn hoặc lâm vào tình trạng  giải thể, phá sản ngày càng nhiều.

Ngoài ra, về chính sách, theo ông Lê Xuân Dương, thời gian qua, Cục Thuế đã tích cực thực hiện các biện pháp cưỡng chế, đã đạt được hiệu quả nhất định. Tuy nhiên còn gặp rất nhiều khó khăn như các DN có tiền thuế nợ lớn, kéo dài đa số là những DN thuộc diện bị truy thu và phạt về thuế, khi thực hiện biện pháp kê biên tài sản thì các tài sản này đã thuộc giao dịch đảm bảo (thế chấp) hoặc giá trị tài sản không lớn hoặc không có tài sản, tiền mặt hay tiền trong tài khoản ngân hàng không đủ để thực hiện cưỡng chế. Về biện pháp kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên, trong năm 2014, Cục Thuế TP.HCM đã thực hiện 145 trường hợp chủ yếu là các hộ kinh doanh. Riêng đối với DN có số tài sản lớn còn vướng mắc trong việc thực hiện vì cần phải chờ thẩm định giá tài sản kê biên và chi phí thẩm định giá cao. Tương tự,  đối với những DN bị áp dụng biện pháp thông báo hoá đơn không còn giá trị sử dụng thì chủ DN hay giám đốc công ty thường cố tình tránh né bằng nhiều cách để không cung cấp hoá đơn cho cơ quan Thuế.  Ngoài ra, một số DN có nợ tiền thuế hoặc bị truy thu với số tiền thuế lớn không có khả năng thanh toán, thì ngay lập tức công ty bỏ khỏi địa điểm kinh doanh sau đó thành lập một công ty khác do hiện nay Luật Doanh nghiệp hay Luật Quản lý thuế không có quy định nào đối với các chủ thể nợ tiền thuế thì không được phép thành lập công ty mới dù chỉ là thành viên góp vốn trong  công ty mới thành lập.