Đa dạng hóa các kênh đào tạo tài chính tại Việt Nam

PV.

Giáo dục tài chính được coi là một trong những trụ cột chính trong Chiến lược phổ cập tài chính tại nhiều quốc gia. Tuy nhiên, tại Việt Nam, hoạt động giáo dục tài chính vẫn chưa được tổ chức một cách thống nhất theo một chiến lược quốc gia cũng như chưa được thực hiện theo một lộ trình dài hạn nhằm nâng cao hiểu biết tài chính cho cộng đồng.

Hội thảo quốc tế “Giáo dục tài chính trong bối cảnh đẩy mạnh phổ cập tài chính ở Việt Nam” thu hút sự tham gia của đông đảo các chuyên gia trong và ngoài nước.
Hội thảo quốc tế “Giáo dục tài chính trong bối cảnh đẩy mạnh phổ cập tài chính ở Việt Nam” thu hút sự tham gia của đông đảo các chuyên gia trong và ngoài nước.

Tại nhiều quốc gia, giáo dục tài chính được coi là một trong những trụ cột chính trong Chiến lược phổ cập tài chính.

Tại Việt Nam, từ năm 2016, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã hợp tác cùng nhóm nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) nhằm xây dựng một Chiến lược quốc gia về phổ cập tài chính, trong đó chú trọng phát triển trên nền tảng công nghệ như thanh toán không dùng tiền mặt, cung cấp dịch vụ tài chính tới vùng nông thôn và vùng cao.

Bên cạnh đó, Việt Nam hiện cũng là một trong 25 quốc gia mà WB và một nhóm các đối tác ưu tiên tập trung  “Phổ cập tiếp cận tài chính đến năm 2020”.

Thực tế, hiện nay có một số ngân hàng và công ty ở Việt Nam đã triển khai các chương trình về phổ biến kiến thức tài chính hướng tới đối tượng người học từ học sinh các cấp cho tới người tiêu dùng trưởng thành.

Tuy nhiên, hoạt động giáo dục tài chính vẫn chưa được tổ chức một cách thống nhất theo một chiến lược quốc gia cũng như chưa được thực hiện theo một lộ trình dài hạn nhằm nâng cao hiểu biết tài chính cho cộng đồng.

Hiện nay, có một số ngân hàng và công ty ở Việt Nam đã triển khai các chương trình về phổ biến kiến thức tài chính hướng tới đối tượng người học từ học sinh các cấp cho tới người tiêu dùng trưởng thành.

Liên quan đến vấn đề này, mới đây, trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Viện Kế toán Công chứng Anh quốc và Xứ Wales (ICAEW) tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Giáo dục tài chính trong bối cảnh đẩy mạnh phổ cập tài chính ở Việt Nam”. Tham dự Hội thảo có PGS.,TS. Nguyễn Trúc Lê, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) kiêm Giám đốc Trường Đào tạo BIDV, ông Alwaleed Alatabani, Chuyên gia trưởng trong lĩnh vực tài chính của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cùng các chuyên gia của các trường đại học và viện nghiên cứu.
Nhiều vấn đề liên quan đến: Phát triển năng lực hành vi tài chính: Kinh nghiệm và thông lệ quốc tế; Giáo dục tài chính tại Việt Nam: Thành tựu, tồn tại và định hướng tương lai; Chương trình giáo dục tài chính tại Singapore: Thành công từ một chương trình đào tạo cho giảng viên… đã được chuyên gia trao đổi, thảo luận, được kỳ vọng sẽ mang đến nhiều gợi mở về kinh nghiệm, phương thức triển khai đối với giáo dục tài chính tại Việt Nam trong thời gian tới.

Theo đánh giá của PGS.,TS. Nguyễn Trúc Lê, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, việc chia sẻ kinh nghiệm giáo dục tài chính để cải thiện mức độ hiểu biết tài chính của người Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng; qua đó góp phần hoàn thiện các chương trình giáo dục tài chính hiệu quả ở Việt Nam trong thời gian tới.

Các chuyên gia cũng cho rằng, việc đẩy mạnh giáo dục tài chính trong bối cảnh đẩy mạnh phổ cập tài chính ở Việt Nam là cần thiết. Do đó, để cải thiện hiểu biết tài chính của người Việt Nam trong thời gian tới, cần xây dựng và triển khai Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện, đồng thời đa dạng hóa các kênh đào tạo tài chính hiệu quả.