Đã thấy cửa sáng trong thu ngân sách 2014

Theo baodautu.vn

(Tài chính) Chuẩn bị bắt tay vào triển khai thực hiện Dự toán Ngân sách nhà nước năm 2014 vừa được Quốc hội thông qua, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, ngành Tài chính đã nhìn thấy cả thuận lợi lẫn khó khăn và cũng đã bắt đầu triển khai nhiều giải pháp để hoàn thành số thu ngân sách 782.700 tỷ đồng của năm 2014.

Đã thấy cửa sáng trong thu ngân sách 2014 - Ảnh 1
Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn
Phóng viên: Thưa ông, tình hình sản xuất - kinh doanh vẫn hết sức khó khăn, ảnh hưởng rất lớn đến công tác thu ngân sách?

Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn: Số doanh nghiệp không có thu nhập chịu thuế hiện chiếm khoảng 2/3 số doanh nghiệp đang hoạt động, nên chúng ta phải thừa nhận rằng, sản xuất, kinh doanh vẫn chưa hết khó khăn.

Tuy nhiên, trong 10 tháng đầu năm, các bộ, ngành, địa phương rất quyết liệt trong triển khai Nghị quyết 01/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP, với nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, nên nền kinh tế đã có dấu hiệu ấm dần trở lại.

Minh chứng là, trong quý III/2013, có trên 19.320 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 11,4% so với quý IV/2012 và hơn 18% so với cùng kỳ năm 2012.

Nhờ đó, ngân sách nhà nước đã tăng trở lại, thưa ông?

Tổng thu ngân sách nhà nước trong tháng 10 ước đạt 71.640 tỷ đồng, tăng gần 36% so với tháng 9, đã góp phần nâng tổng thu ngân sách 10 tháng đầu năm đạt 618.290 tỷ đồng, dù chưa dạt đến 76% dự toán, nhưng tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2012.

Số thu ngân sách bắt đầu tăng trở lại, nhưng nợ thuế ngày càng tăng. Ngành Tài chính sẽ xử lý bài toán này bằng cách nào?

Để xử lý nợ thuế, Bộ Tài chính yêu cầu cơ quan quản lý thuế tiến hành phân loại nợ. Đối với khoản nợ bất khả kháng, nợ của doanh nghiệp trong quá trình sắp xếp, đổi mới thì tạm thời khoanh lại và xóa nợ.

Khoản nợ do doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính thì thực hiện phân kỳ nộp thuế, không yêu cầu doanh nghiệp phải thanh toán ngay toàn bộ số nợ, mà cho doanh nghiệp trả dần trong vòng 12 tháng, mỗi tháng trả một ít.

Đối với doanh nghiệp hoạt động bình thường, tình hình tài chính không khó khăn, nhưng cố tình dây dưa, thì cơ quan quản lý thuế sử dụng nhiều biện pháp cương quyết cưỡng chế thu hồi nợ. Đây là một trong những giải pháp để bảo đảm thu đủ ngân sách năm 2014.

Việc Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp sửa đổi, bổ sung có hiệu lực cũng tác động đến số thu ngân sách năm 2014, thưa ông?

Không phải đợi đến ngày 1/1/2014 thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp mới giảm từ 25% xuống 22%, mà bắt đầu từ ngày 1/7/2013, doanh nghiệp có tổng doanh thu/năm không quá 20 tỷ đồng chỉ còn phải nộp theo mức thuế suất 20%, thay vì 25%.

Giảm thuế, gia tăng ưu đãi trước mắt sẽ ảnh hưởng đến số thu ngân sách. Vì vậy, dự toán thu ngân sách năm 2014 vừa được Quốc hội thông qua chỉ giao ngành tài chính thu 782.700 tỷ đồng, thay vì 816.000 tỷ đồng như dự toán thu ngân sách năm 2013. Việc giảm thuế, gia tăng ưu đãi sẽ thúc đẩy doanh nghiệp bỏ vốn ra kinh doanh, mở rộng hoạt động, nên ngân sách sẽ tăng thu trở lại.

Tại cuộc đối thoại giữa ngành tài chính vừa được tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao nỗ lực của cơ quan quản lý thuế trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhưng tiếng kêu ca vẫn còn không ít?

Đã là kinh doanh thì không bao giờ hết vướng mắc, cuộc sống luôn luôn vận động, nên xử lý hết vướng mắc này lại nảy sinh vướng mắc khác.

Trên tinh thần phục vụ, chúng tôi đã và đang nỗ lực tháo gỡ khó khăn phát sinh của doanh nghiệp. Đơn cử, liên quan đến vướng mắc trong hoàn thuế giá trị gia tăng đối với cà phê, cao su, thủy sản xuất khẩu, chúng tôi đã làm việc với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, Hiệp hội Cao su Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam và đã có văn bản xử lý.