Đại biểu Quốc hội đánh giá cao nỗ lực cân đối ngân sách nhà nước của Chính phủ

Theo mof.gov.vn

Chiều 3/11, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện NSNN năm 2015; dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách trung ương (NSTW) năm 2016; việc cho phép đa dạng hóa kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) và phát hành TPCP ra thị trường vốn quốc tế.

Đại biểu Quốc hội đánh giá cao nỗ lực cân đối ngân sách nhà nước của Chính phủ. Nguồn: internet
Đại biểu Quốc hội đánh giá cao nỗ lực cân đối ngân sách nhà nước của Chính phủ. Nguồn: internet

Sức ép tăng chi lớn

Cho ý kiến vào việc thực hiện dự toán NSNN năm 2015, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách, ĐB Bùi Đức Thụ (Lai Châu) cho rằng, theo báo cáo của Chính phủ, dự toán thu NSNN 2015 vượt kế hoạch đề ra, nhưng NSTW hụt trên 31.000 tỷ đồng và giải ngân vốn ODA 2015 cũng vượt kế hoạch trên 30.000 tỷ đồng. Nếu tính 2 khoản này sẽ dẫn tới tình trạng làm tăng bội chi khoảng trên 61.000 tỷ đồng.

Theo đó, để giữ được mức bội chi như QH cho phép, ĐB Bùi Đức Thu đồng ý với phương án của Chính phủ sử dụng 10.000 tỷ đồng từ bán cổ phần của nhà nước tại DN và sử dụng 4.100 tỷ đồng từ khoản tiết kiệm chi của các bộ, ngành trung ương và một phần dự phòng của năm 2015 để xử lý vấn đề này. ĐB cũng bổ sung nguồn thứ ba là phấn đấu tăng thu, nhất là các khoản tồn đọng nợ đọng thuế đến 76.000 tỷ đồng và trong số đó có khoảng 1 nửa là có khả năng thu được để bù đắp hụt thu.

Trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách của QH cũng nhận định: Công tác quản lý và thu thuế năm 2015 có nhiều tiến bộ, thủ tục hành chính đã được đổi mới, cải cách toàn diện và đồng bộ hơn, công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm đã được thực hiện tích cực. Theo cơ quan này, nếu có các giải pháp tích cực, quyết liệt hơn thì kết quả thu NSNN năm 2015 có thể sẽ cao hơn dự kiến.

Về dự toán NSNN 2016, ĐB Bùi Đức Thụ đồng ý với dự toán thu do Chính phủ trình. Chính phủ dự kiến tổng thu cân đối NSNN năm 2016 là 1.014.500 tỷ đồng, tăng 9,4% so với ước thực hiện năm 2015. Theo ĐB, dự toán như vậy là phù hợp trong bối cảnh tình hình quốc tế chưa thật sự ổn định, kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn. “Tuy nhiên với chỉ tiêu thu đó, tỷ lệ động viên GDP vào NSNN thấp hơn 1% số thực hiện 2015, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện phấn đấu tăng thu cao hơn dự toán để xử lý các vấn đề phát sinh”, ĐB Bùi Đức Thụ nói.

Năm 2016, Chính phủ dự kiến tổng thu cân đối NSNN năm 2016 là 1.014.500 tỷ đồng, tăng 9,4% so với ước thực hiện năm 2015. Nếu không tính 30.000 tỷ đồng thu từ tiền bán bớt phần vốn Nhà nước tại một số doanh nghiệp thì tổng thu NSNN tăng 6,1%, mặc dù đây là mức tăng dự kiến thấp, nhưng với tình hình thu từ dầu thô đạt thấp do giá giảm mạnh; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm do thực hiện các cam kết quốc tế, một số chính sách thuế đến thời điểm điều chỉnh giảm thuế suất, để bảo đảm tính chủ động, an toàn trong điều hành NSNN, Ủy ban TCNS cho rằng mức tăng như vậy là hợp lý.

Tuy nhiên, cân đối ngân sách, năm 2016 vẫn đứng trước sức ép tăng chi NSNN ngày càng lớn: tốc độ tăng thu NSNN ở mức 9,4%, tốc độ tăng chi 11%, riêng chi đầu tư phát triển tăng 31,2%, chi thường xuyên tăng 5,8% cho thấy việc cân đối NSNN đã rất căng thẳng, trong khi NSNN còn nợ nhiều khoản chi chưa có nguồn thanh toán: Nợ XDCB còn lớn; Nợ 2 Ngân hàng chính sách; Nợ các chính sách đã ban hành…

Phân tích về áp lực tăng chi trong năm 2016 được cho là rất lớn, theo ông Bùi Đức Thụ, năm 2016 do thực hiện nâng chuẩn nghèo dẫn đến tăng chi thường xuyên lên khoảng 16-17.000 tỷ đồng; định mức chi đầu tư phát triển cho các địa phương cao hơn cũng dẫn đến điều chỉnh chi thường xuyên cho một số địa phương. ĐB này nhận định: “Tôi cho rằng trong bối cảnh đó, việc tính toán bố trí như thế là cố gắng lớn của Chính phủ”.

Đồng tình phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế

ĐB Đặng Ngọc Tùng (Đồng Nai) tán thành việc đa dạng hóa phát hành TPCP, tuy nhiên số lượng TPCP thời hạn 5 năm phải chiếm đa số, khoảng từ 60% trở lên, trái phiếu ngắn hạn chỉ được chiếm tỷ trọng ít hơn. ĐB bày tỏ quan điểm: “Tôi tán thành phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế. Có một điều thấy rằng, quốc gia không có uy tín, dù muốn mấy cũng không thể phát hành trái phiếu ra quốc tế được. Những năm gần đầy, uy tín của chúng ta tăng, việc phát hành trái phiếu ra quốc tế sẽ có lợi cho đất nước”.

Vấn đề này nhận được ý kiến đồng tình của nhiều ĐBQH. ĐB Bùi Đức Thụ (Lai Châu) đồng tình với nhiều ĐB phát biểu trước đó khi cho rằng cần thiết phải đa dạng dạng hóa kỳ hạn phát hành TPCP trong nước. Theo ĐB Nghị quyết 78/2014/QH13 của QH là đúng, đã góp phần làm giảm áp lực trả nợ hàng năm. Tuy nhiên huy động trong nước gặp nhiều khó khăn, 9 tháng mới huy động trên 51% kế hoạch đề ra nên ĐB Bùi Đức Thụ đồng ý cho phép phát hành TPCP ngắn hạn nhưng ở kỳ hạn 3 năm và tỷ trọng 70% trong trung và dài hạn.

ĐB Trần Du Lịch cũng thẳng thắn tỏ rõ quan điểm đồng tình phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế vì theo ông, để cơ cấu lại nợ công, nhất là khoản nợ trung hạn. Về sử dụng 10.000 tỷ đồng bán cổ phần Nhà nước bù đắp hụt thu NSTW, ĐB Trần Du Lịch cho rằng là cần thiết, tuy nhiên cần phải đầu tư có địa chỉ.