Đại biểu Quốc hội nói về dự toán thu, chi ngân sách 2014

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Tiếp tục Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, ngày 12/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2014. Theo đó, tổng số thu cân đối ngân sách Nhà nước là 782.700 tỷ đồng; Tổng số chi cân đối ngân sách Nhà nước là 1.006.700 tỷ đồng; Mức bội chi ngân sách Nhà nước là 224.000 tỷ đồng, tương đương 5,3% tổng sản phẩm trong nước (GDP).

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Bên lề quốc hội, phóng viên đã có cuộc trao đổi với một số đại biểu về chỉ tiêu dự toán ngân sách Nhà nước năm 2014.

*Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú yên): Nâng trần bội chi ngân sách năm 2014 lên 5,3% GDP là phù hợp

Việc điều chỉnh chỉ tiêu về tỷ lệ bội chi ngân sách từ 4,8% lên 5,3% GDP là phù hợp trong điều kiện nền kinh tế hiện nay. Cụ thể do tình hình hụt thu ngân sách năm 2013, Chính phủ trình Quốc hội phương án phát hành trái phiếu Chính phủ để dùng khoản kinh phí lớn để bù vào hụt thu. Trong tình hình hụt thu nên việc thu ngân sách năm 2014 sẽ hết sức khó khăn. Vì vậy, cùng với việc nâng trần bội chi ngân sách, phát hành trái phiếu, cần kiểm soát hoạt động thu – chi ngân sách 2014 để đảm bảo thu - chi tài chính đạt hiệu quả.

Trong Nghị quyết về ngân sách Nhà nước, Chính phủ cũng đưa ra nhiều giải pháp để quản lý ngân sách, quản lý chi cho đầu tư phát triển tốt. Đặc biệt, quan tâm quản lý đầu tư vào công trình, dự án thực sự có hiệu quả; đầu tư cho phát triển các mục tiêu phải tránh dàn trải, kém hiệu quả. Việc Chính phủ nêu ra các địa chỉ cần đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ để Quốc hội xem xét và kiểm soát việc thu – chi là giải pháp công khai, minh bạch trong phân bổ nguồn vốn đầu tư.

*Đại biểu Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình): Việc kiểm soát chi, tăng thu đóng vai trò quan trọng

Năm 2014 là năm ngân sách tiếp tục gặp khó khăn, nền kinh tế bị tác động bởi nhiều yếu tố cùng những tồn tại của năm 2013 chuyển sang. Tổng số thu cân đối ngân sách Nhà nước và tổng chi cân đối ngân sách nhà nước cho năm tới vừa phải, có khả năng thực thi. Tuy nhiên, việc thực hiện chỉ tiêu thu – chi còn phụ thuộc vào việc cụ thể hóa, định hướng, giải pháp và khả năng điều hành kiên quyết trong việc kiểm soát chi, tăng thu.

Đặc biệt, những khoản tận thu, có thể thu được như Quốc hội thảo luận cần kiên quyết thực hiện để đảm bảo ngân sách đáp ứng được yêu cầu chi và cũng đảm bảo yêu cầu thu nếu được điều hành kiên quyết, cụ thể hóa nhanh, đảm bảo bội chi ở mức 5,3% tạo điều kiện cho kinh tế có yếu tố phục hồi và đến năm 2015 nền kinh tế có yếu tố ổn định.

Tôi cũng cho rằng phải có sự nhất trí, quyết tâm cao, nếu không sẽ rất khó thực hiện mức bội chi đã đề ra. Các giải pháp mà Chính phủ nêu ra đã rõ nhưng vấn đề cụ thể hóa để biến thành hành động cụ thể còn phải chờ triển khai của Chính phủ, chờ quyết tâm thực hiện của tất cả các ngành kể cả doanh nghiệp. Nếu không có những biện pháp tích cực, cụ thể thì việc khống chế, quản lý chi sẽ không có hiệu quả.

Hay những “địa chỉ” có khả năng thu nhưng biện pháp thu không tích cực, không có hiệu lực thì khả năng hoàn thành nhiệm vụ thu cũng không phải đơn giản. Đã có giải pháp rồi nhưng không tập hợp được lực lượng, không có sự phối hợp đồng bộ từ mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp hay mỗi cán bộ thu thuế, cán bộ quản lý ngân sách các cấp thì không có khả năng thực hiện.

*Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội): Việc giám sát nguồn chi cần tập trung vào chi thường xuyên

Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước, tổng chi ngân sách nhà nước cũng như việc nâng bội chi ngân sách Nhà nước theo Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2014 mà Quốc hội đã thông qua cho thấy nền kinh tế năm tới còn khó khăn. Vấn đề quan trọng là phải giám sát chi và khống chế chi để bội chi không vượt mức 5,3% GDP. Tuy nhiên, việc giám sát nguồn chi cần tập trung vào nguồn chi thường xuyên trong đó có chi lương, chi bộ máy hành chính.

Bên cạnh đó, cũng cần quan tâm tới hiệu quả chi đầu tư công, để giảm lãng phí, tổn thất. Điển hình, trong Nghị quyết, về chi đầu tư công sẽ không có mua sắm ô tô nên năm 2014 nếu ai có vi phạm mà lại thuyết minh thì sẽ không chấp nhận được. Vì vậy, cần phải có kỷ luật trong triển khai Nghị quyết để đảm bảo các nội dung Nghị quyết thế nào thì cứ thế thực hiện, không có điều chỉnh, không đổ tại lý do khách quan.

Giám sát chi là quan trọng nhất trong thực hiện kỷ luật Nghị quyết của Quộc hội, dự án nào về đầu tư công dang dở kiên quyết dừng lại, bỏ lại không cho tiếp tục nữa, vì tiếp tục sẽ gây lãng phí nữa. Ngoài ra, giảm cồng kềnh bộ máy là cần thiết để giảm chi phí tiền lương và chi phí khác. Phải kiên quyết giảm chứ không sắp xếp, bởi chỉ có như vậy mới làm cho bộ máy phát triển, việc giải quyết bộ máy như “cắt khối u” nên chúng ta phải kiên quyết cắt rồi điều trị tốt, chứ cứ để tràn lan sẽ không thể giải quyết được.

*Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh): Cần thực hiện nguồn thu ngân sách theo đúng kế hoạch

Với tiềm lực kinh tế của ta hiện nay, tôi tin rằng để đạt được mục tiêu ngân sách 2014 là không khó. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là phải thực hiện được nguồn thu ngân sách theo đúng kế hoạch.

Đối với thu ngân sách thì có đến 70% là thu nội địa còn 10% là thu từ dầu thô và 20% thu từ xuất nhập khẩu. Để đạt được khoản thu ngân sách 782.700 tỷ thì khoản thu nội địa phải đạt đủ 70%. Trong khi đó, nguồn thu nội địa lại phụ thuộc vào tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp (DN). Do vậy, Chính phủ cần phải có biện pháp hỗ trợ để các DN phục hồi sản xuất kinh doanh.

Trong đó, cần phải vực dậy được khu vực DN vừa và nhỏ, khu vực sản xuất dân doanh... Muốn làm được điều này, Chính phủ cần phải tăng tổng vốn đầu tư xã hội, cần phải có các biện pháp hỗ trợ cho các DN về mặt chính sách thuế, thủ tục hành chính, chính sách tín dụng, sử dụng hiệu quả quỹ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, quỹ bảo lãnh tín dụng DN vừa và nhỏ. Như vậy, chúng ta mới có thể chống thất thu ngân sách cho năm 2014.

Để hoàn thành mục tiêu ngân sách, vấn đề ở đây không phải chỉ là khoản thu mà khoản chi cũng phải được tính toán làm sao để không vượt quá dự toán. Để hạn chế được việc chi ngân sách, Chính phủ cần tăng cường kỷ luật ngân sách đồng thời kiểm soát được lạm phát, bởi nếu lạm phát tăng thì sẽ làm thay đổi dự toán ngân sách. Thực tế, hiện nay chúng ta đang xây dựng kế hoạch chi đầu tư phát triển và tất cả các khoản chi đều ước lạm phát khoảng 7%. Nếu năm 2014, lạm phát tăng lên khoảng 8 -9% thì ngay lập tức làm thay đổi dự toán.

Trên cơ sở đó, thời điểm này, toàn hệ thống chính trị cần phát đi một thông điệp rằng đây là thời kỳ rất khó khăn của ngân sách, cần phải hết sức tiết kiệm, thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng để đảm bảo nợ công của Chính phủ ở mức an toàn, bởi hiện nay tình hình nợ công của chúng ta đang ở mức cao.

*Đại biểu Trần Du Lịch (TP. Hồ Chí Minh): Cần thay đổi hoàn toàn phương thức phân bổ ngân sách

Trừ các khoản chi thường xuyên như tiền lương, phúc lợi xã hội, cần thắt chặt hơn nữa các khoản chi khác như hội nghị, hội thảo... Chỉ tiêu chi thường xuyên năm tới chỉ bằng 50% so với năm 2013. Riêng khoản chi xây dựng cơ bản như chi cho xây dựng trụ sở, mua sắm thiết bị... đó là chi tiêu dùng nhưng lâu nay chúng ta vẫn cho đó là chi đầu tư xây dựng cơ bản. Do vậy, những khoản chi đó cần phải cắt tối đa như vậy mới giảm được bội chi ngân sách.

Cũng cần thay đổi hoàn toàn phương thức phân bổ ngân sách, vì nếu để cơ chế phân bổ ngân sách như hiện nay thì không thể cắt giảm được. Theo đó, để kiểm soát các khoản chi hiệu quả và chống thất thoát, Quốc hội cần kiểm soát chặt chẽ hơn nữa nguồn ngân sách chi cho bộ máy trung ương và chi trợ cấp địa phương. Những khoản chi thuộc thẩm quyền địa phương thì để HĐND địa phương đó chịu trách nhiệm.

Cũng theo đại biểu Trần Du Lịch, hiện nay nguồn thu ngân sách có giảm nhưng dư địa thu vẫn còn. Hiện nay chúng ta đang thất thu thuế nhiều do vậy cần phải siết chặt để tránh việc thất thu thuế.