Ðại hội Đảng lần thứ XII - Xung lực mới cho tiến trình phát triển đất nước

Hồng Quang

Một mùa xuân mới đã về, toàn Đảng, toàn dân phấn khởi chào mừng kết quả rất tốt đẹp của Ðại hội lần thứ XII của Ðảng. Thành công của Đại hội XII là minh chứng sâu sắc và rõ nét nhất cho bản lĩnh và trí tuệ của Đảng đang tỏa sáng dẫn đường, tạo ra xung lực mới đưa Việt Nam mạnh mẽ vươn ra biển lớn, hứa hẹn những thành công mới. Đó cũng là chia sẻ của Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ với báo chí nhân dịp đầu xuân mới.

  Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ

Trong những ngày đầu xuân năm mới 2016, lật giở những trang báo Xuân đủ màu khoe sắc, có một điều rất đáng chú ý là đi cùng với những âm hưởng mừng Đảng, mừng Xuân, chào mừng thành công Đại hội Đảng lần thứ XII, một nội dung rất được các tờ báo tập trung đó là phản ánh những kỳ vọng đổi mới, niềm tin với những nhân tố mới sẽ góp phần đưa công cuộc cải cách của Việt Nam lên một tầm cao mạnh mẽ hơn.

Trong rất nhiều những tờ báo Xuân của cả nước, có một nội dung rất được bạn đọc quan tâm đó là các bài trả lời phỏng vấn của Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ dành cho báo chí. Xuyên suốt trong các bài trả lời phỏng vấn, bạn đọc tìm thấy những phân tích, đánh giá sâu sắc và trách nhiệm về những chuyển động của kinh tế nước nhà khi kết thúc chặng đường 30 năm đổi mới cũng như những công việc nền kinh tế Việt Nam cần làm để không bỏ lỡ “chuyến tàu” hội nhập trong giai đoạn mới 2016-2020.

Bước vào năm mới 2016 cũng chính là thời điểm đất nước ta vừa kết thúc chặng đường 30 năm Đổi mới. Chia sẻ cảm nhận của mình, ông Vương Đình Huệ cho rằng: Năm 2015 - năm cuối của chặng đường 30 năm đổi mới khép lại với khá nhiều thành công, giúp chúng ta có thêm nhiều niềm tin vào sự phát triển thịnh vượng của đất nước trên con đường hội nhập rộng mở phía trước. Ba mươi năm đổi mới là một giai đoạn lịch sử quan trọng có ý nghĩa trọng đại trong sự nghiệp phát triển của nước ta, đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, là quá trình cải biến sâu sắc, toàn diện, triệt để, là sự nghiệp cách mạng to lớn của toàn Đảng, toàn dân vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”…

Theo ông Vương Đình Huệ, dù vậy, thành công không nên chỉ nhìn vào năm 2015 mà cần nhìn tổng thể giai đoạn 2011-2015. Trong đó, nguyên nhân quan trọng nhất là chúng ta đã nhìn thẳng sự thật thực trạng kinh tế - xã hội lúc bắt đầu nhiệm kỳ trong bối cảnh nước ta phải chịu tác động, hậu quả của khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế thế giới nhiều hơn cả và đã đưa ra được những dự báo thận trọng nhất.

Trên cơ sở đó, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã có những điều chỉnh mang tính chiến lược. Kết luận 02 của Bộ Chính trị, Nghị quyết Trung ương 3 khóa XI đã kết luận là dứt khoát chuyển từ phát triển nóng về đầu tư dàn trải sang kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, không tăng trưởng bằng mọi giá, kết hợp tăng trưởng hợp lý với đảm bảo an sinh xã hội. Các kế hoạch, giải pháp hàng năm đều kiên trì, nhất quán thực hiện mục tiêu tổng quát đó nên đã đạt được những kết quả tích cực trong năm 2015 và giai đoạn 2011-2015.

… Có thể nói rằng, đã từ lâu, ông Vương Đình Huệ luôn là người được giới báo chí rất quan tâm và trân trọng. Bởi trước hết, ông là người rất coi trọng vai trò của báo chí trong việc truyền tải chính sách đến người dân và xã hội. Trong những năm giữ cương vị Tổng kiểm toán Nhà nước (2006 – 2011), Bộ trưởng Bộ Tài chính (2011-2013) và Trưởng ban Kinh tế Trung ương từ 2013 đến nay, các cơ quan do ông đứng đầu đều chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn báo chí, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất trong hợp tác với báo chí trong tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Bên cạnh đó, báo chí cũng thường xuyên muốn được tiếp xúc, phỏng vấn ông bởi luôn tìm thấy được ở ông sự am hiểu sâu rộng về lĩnh vực kinh tế, đã trải nghiệm nhiều kinh nghiệm và thành công trong thực tiễn. Có thể nói ở ông hội tụ được tầm nhìn của một nhà lãnh đạo, quản lý am tường về kinh tế, đồng thời có trình độ chuyên sâu của một nhà trí thức - chuyên gia về kinh tế.

Trong câu chuyện với Trưởng ban Kinh tế Trung ương trước thềm xuân mới, một nội dung cũng được các nhà báo đặt ra và cũng là điều dư luận rất quan tâm đó là những công việc nền kinh tế Việt Nam cần phải làm để thích ứng với những đổi thay đang diễn ra ngày một nhanh và mạnh mẽ hơn trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, với việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN, tham gia các Hiệp định thế hệ mới TPP và FTA? Nhiều thông tin giá trị, thiết thực đã được Trưởng ban Kinh tế Trung ương phân tích, nhận định về các chính sách kinh tế cho hội nhập về chủ đề thú vị này. Đó là tập trung quán triệt và triển khai những chủ trương, quyết sách quan trọng theo Nghị quyết và các văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII, có giá trị định hướng và chỉ đạo sâu sắc toàn bộ quá trình triển khai tổ chức thực hiện phương hướng, nhiệm vụ phát triển đất nước nhanh, bền vững; Đó là tập trung mọi nỗ lực để tạo ra làn sóng đầu tư mới ở Việt Nam với tinh thần quốc gia khởi nghiệp; nỗ lực hoàn thiện thể chế, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức; tập trung thực hiện có kết quả đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, sớm khắc phục những điểm nghẽn về thể chế kinh tế, nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng...

Ông Vương Đình Huệ khẳng định: Với niềm tin sâu sắc vào đường lối đúng đắn trong hoạch định chiến lược, chính sách phù hợp cho từng giai đoạn phát triển của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, sự cố gắng vươn lên trong thực hiện của các cấp, các ngành, các địa phương và sự nỗ lực của toàn dân, toàn quân, chúng ta tin tưởng vào sự phát triển thịnh vượng của đất nước trên con đường hội nhập rộng mở phía trước.

… Quốc gia muốn mạnh thì kinh tế phải vững. Muốn có kinh tế vững, đội ngũ lãnh đạo cao nhất của đất nước không thể thiếu vắng những gương mặt am hiểu, nhiều kinh nghiệm và thành công trong thực tiễn. Đó cũng là nhận định của nhiều nhà báo và cả các chuyên gia kinh tế. Có thể thấy điều này khi so với khóa 11, lần đầu tiên các đại diện đến từ lĩnh vực kinh tế đã xuất hiện rõ nét trong cơ cấu Bộ Chính trị khóa 12. Đó là những vị lãnh đạo đã dày dạn kinh nghiệm trong các lĩnh vực kinh tế trọng điểm và là những gương mặt mới như: ông Hoàng Trung Hải, Phó thủ tướng; ông Vương Đình Huệ, Trưởng ban Kinh tế Trung ương; ông Đinh La Thăng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước... Đó cũng chính là một điểm mới - khiến những người làm kinh tế, các DN, các nhà đầu tư có cảm nhận gần gũi hơn khi trong Bộ Chính trị xuất hiện những đại diện đã làm việc, gắn bó và đồng hành trực tiếp với họ trong thời gian qua.

Cùng với các nhân tố mới trong Bộ Chính trị khóa 12, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ là một nhà kinh tế có nhiều năm làm công tác nghiên cứu, giảng dạy chuyên môn tài chính - kế toán; ông cũng là người có học hàm, học vị Giáo sư - Tiến sỹ về lĩnh vực kinh tế. Trong công tác quản lý, ông đã có 5 năm đảm nhiệm vị trí cao nhất tại Kiểm toán Nhà nước.

Đặc biệt, ông Vương Đình Huệ đã từng đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng Bộ Tài chính trong giai đoạn nền kinh tế nước ta phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, trong đó riêng năm 2012, như nhận định của nhiều chuyên gia, trong lịch sử kinh tế Việt Nam suốt 2 thập kỷ qua là năm tập trung những sức ép, khó khăn kinh tế lớn nhất, cả cấp vĩ mô lẫn vi mô…

Vượt qua rất nhiều thử thách cam go, ngành Tài chính đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, thu ngân sách đạt và vượt dự toán, tất cả các khoản chi ngân sách đều được đảm bảo, chi cho an sinh xã hội tăng ở mức cao… Đặc biệt, Bộ Tài chính đã chủ động đi đầu đề xuất và được Chính phủ và Quốc hội ban hành các Nghị quyết số 13/NQ-CP, Nghị quyết số 29/2012/QH13, Nghị quyết 01/NQ-CP, Nghị quyết 02/NQ-CP.

Các Nghị quyết này có vai trò rất quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội với nhiều giải pháp hiệu quả, thiết thực tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh gắn với hỗ trợ phát triển thị trường nhưng vẫn nhất quán trong việc thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, từng bước thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế. Đây được coi là những thắng lợi “kép” của ngành Tài chính dưới thời Bộ trưởng Vương Đình Huệ.

… Chúng ta đang sống trong một thời đại vận động và phát triển rất nhanh, thế giới đang bước vào làn sóng công nghiệp lần thứ tư, tiến trình công nghiệp hóa ngày càng được rút ngắn. Khi toàn thế giới, kể cả các cường quốc kinh tế hàng đầu, đều buộc phải lao vào cuộc chơi đang chuyển thành bão trên toàn cầu, Việt Nam không thể điềm nhiên tọa thị. Khi có quyết tâm cao và ý chí vươn lên mạnh mẽ, có trí tuệ và tinh thần sáng tạo và chiến lược phát triển đúng đắn, nước đi sau có thể đuổi kịp và vượt quốc gia đã có trình độ phát triển cao hơn và những DN mới, quy mô nhỏ có thể nhanh chóng trở thành những DN lớn.

Đại hội lần thứ XII của Đảng đã thành công rất tốt đẹp và kỳ vọng sẽ tạo ra xung lực mới cho đất nước ta phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn mới. Điều đó được thể hiện rõ ngay trong các văn kiện của Đại hội khi kết tinh trí tuệ, ý chí, nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; được thể hiện ở việc chọn ra đội ngũ lãnh đạo cấp cao là các đồng chí tiêu biểu, đủ tiêu chuẩn và phẩm chất, năng lực, trình độ và đạo đức để gánh vác trọng trách nặng nề do Đảng và nhân dân giao phó.

Năm 2016 - năm đầu triển khai Nghị quyết Đại hội XII của Đảng với tinh thần đổi mới và động lực mới. Mùa xuân đến cùng Đại hội XII của Đảng như nhân đôi niềm tin và hy vọng, với bản lĩnh và trí tuệ của Đảng đang tỏa sáng dẫn đường, đưa đất nước Việt Nam mạnh mẽ vươn ra biển lớn, hứa hẹn những thành công mới.