Đảng bộ Bộ Tài chính nhiệm kỳ 2015-2020: Tiếp bước những thành công

Huyền Trang

Hòa chung vào không khí sôi nổi của cả nước cũng như của toàn ngành Tài chính Việt Nam thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, chào mừng kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2/9 và kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Tài chính Việt nam( 28/8/2945-28/8/2015), Đảng bộ Bộ Tài chính đã long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu Đảng bộ Bộ Tài chính lần thứ XXIV nhiệm kỳ 2015-2020 ngày 17/7.

Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Tài chính khóa XXIV ra mắt Đại hội.
Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Tài chính khóa XXIV ra mắt Đại hội.

Tham dự Đại hội có đồng chí Đinh Tiến Dũng, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính; đồng chí Lê Mạnh Hùng, Uỷ viên Ban Thường vụ, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương; các đồng chí Đại biểu đại diện Ban Tổ chức Trung ương, Văn phòng Trung ương, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương; các đồng chí nguyên là lãnh đạo Bộ, lãnh đạo Đảng ủy Bộ Tài chính qua các thời kỳ cùng 265 đại biểu được bầu ra từ 48 tổ chức Đảng thuộc Đảng bộ Bộ Tài chính, đại diện cho 3.953 đảng viên của Đảng bộ Bộ Tài chính.

Nhiệm kỳ 2010-2015: Thắng lợi từ những nỗ lực

Phát biểu tại Đại hội, đồng chí Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Bí thư Đảng bộ Bộ Tài chính chia sẻ, nhiệm kỳ công tác 2010-2015 của Đảng bộ Bộ Tài chính được thực hiện trong bối cảnh cơ hội và thách thức rất lớn khi Việt Nam hội nhập đầy đủ hơn vào kinh tế thế giới; biến động của tài chính, kinh tế toàn cầu đã tác động không nhỏ đến sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, để hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao hàng năm, Đảng ủy Bộ và các Đảng bộ, chi bộ trực thuộc đã tích cực, chủ động đề ra các giải pháp, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện kịp thời theo định hướng của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Bộ Tài chính lần thứ XXIII. Nhờ đó, kết thúc nhiệm kỳ 2010-2015, toàn Ngành đã hoàn thành xuất sắc tài chính – ngân sách Nhà nước, thực hiện thắng lợi nhiều giải pháp đổi mới để xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh; tạo cơ sở, tiền đề quan trọng cho Đảng bộ và ngành Tài chính bước vào thời kỳ phát triển mới.

Sau 5 năm thực hiện Kế hoạch tài chính-ngân sách Nhà nước 2011-2015, tiềm lực tài chính quốc gia tiếp tục được tăng cường và củng cố trên nhiều mặt; cơ chế, chính sách tài chính đã góp phần tích cực trong huy động nguồn lực cho phát triển, thực hiện phân phối và sử dụng nguồn lực công theo hướng hiệu quả hơn. Chính sách tài chính được điều hành linh hoạt, chủ động, luôn hoàn thành vượt mức nhiệm vụ dự toán thu ngân sách Nhà nước. Theo đó, so với giai đoạn 2006-2010, tổng thu ngân sách Nhà nước 5 năm 2011-2015 tăng gấp 1,9 lần, số thu thuế và phí tăng gấp 2 lần.

Quá trình tái cơ cấu đầu tư công và tái cấu trúc khu vực doanh nghiệp Nhà nước, phát triển thị trường tài chính đạt những kết quả quan trọng. Tích cực, chủ động hiệu quả trong hội nhập quốc tế với việc ký kết 16 Hiệp định và Nghị định thư với 16 quốc gia và vùng lãnh thổ, tổng số Hiệp định thuế đã ký kết với 72 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới trong giai đoạn 2010-2014. An ninh tài chính quốc gia được bảo đảm, công tác quản lý nợ công được chú trọng. Công tác thanh tra, kiểm tra được đẩy mạnh cùng với việc tăng cường thực hành tiết kiệm, phòng chống lãng phí.

Đặc biệt, công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực tài chính đã đạt được nhiều thành tựu. Hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin đã được Đảng ủy Bộ Tài chính chỉ đạo tăng cường, trong đó đã xây dựng và vận hành có kết quả một số hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, theo chuẩn quốc tế lớn như dự án quản lý tài chính công (TABMIS); dự án thông quan điện tử (VNACCS/VCIS); dự án một cửa quốc gia, ASEAN... Rà soát, đơn giản hoá 645 thủ tục hành chính thuế, hải quan; rút ngắn 54% số giờ nộp thuế; giảm thời gian làm thủ tục hải quan. Chỉ số cải cách hành chính nhờ đó đã có sự cải thiện rõ rệt.

Song song với nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao, Đảng ủy Bộ Tài chính nhiệm kỳ 2010-2015 cũng không ngừng phát triển công tác giáo dục chính trị tư tưởng với việc thường xuyên tổ chức đẩy mạnh học tập làm theo tấm gương đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 03/CT-Trung ương gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng, phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống trong cán bộ đảng viên.

Công tác xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức Đảng được chú trọng cùng với việc kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật Đảng được tăng cường và có chuyển biến tích cực. Nhờ đó, kỷ cương, kỷ luật của Đảng được giữ vững; đảm bảo việc hoạt động của các tổ chức quần chúng đúng hướng, đi vào nề nếp, hình thức, nội dung ngày càng đổi mới, phong phú; đóng góp thiết thực, hiệu quả vào phong trào thi đua thực hiện nhiệm vụ chung của Bộ và công tác xây dựng Đảng.

Xác định rõ các vấn đề trọng tâm của nhiệm kỳ mới

Đại hội Đại biểu Đảng bộ Bộ Tài chính lần thứ XXIV nhiệm kỳ 2015-2020 đã thành công rực rỡ với những lá phiếu đồng thuận bầu ra 32 đồng chí tiêu biểu vào Ban Chấp hành Đảng bộ khóa XXIV đủ bản lĩnh, trí tuệ. Đồng thời, những thành công nhờ sự nỗ lực của toàn ngành Tài chính trong nhiệm kỳ 2010-2015 đã trở thành nguồn động lực, tiền đề to lớn giúp Đảng bộ Bộ Tài chính tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ công tác trong nhiệm kỳ mới 2015-2020.

Xác định giai đoạn 2015-2020 dự báo tình hình chính trị thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; kinh tế thế giới phục hồi chậm và còn nhiều khó khăn; các nền kinh tế vừa hợp tác, vừa cạnh tranh để phát triển, nhất là trong thương mại, đầu tư, nguồn nhân lực, khoa học và công nghệ trong quá trình hội nhập... đã đặt ra nhiều cơ hội thuận lợi cho phát triển nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành Tài chính nói riêng.

Bởi vậy, để hoàn thành các mục tiêu đề ra trong nhiệm kỳ mới, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã chỉ ra 6 vấn đề trọng tâm nhất, bức thiết nhất của nhiệm kỳ 2015-2020 mà Đảng bộ Bộ Tài chính cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, cụ thể:

Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc các Nghị quyết của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ 12 của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ Tài chính lần thứ 24 và căn cứ những nhiệm vụ trọng tâm để xây dựng các chương trình, kế hoạch công tác, các Nghị quyết chuyên đề, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra.

Hai là, quan tâm xây dựng Đảng bộ Bộ Tài chính thực sự trong sạch, vững mạnh. Đảng bộ cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa 11, trọng tâm là đẩy mạnh triển khai các giải pháp đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ,đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý. Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chế độ tự phê bình và phê bình, gắn với sửa chữa, khắc phục những hạn chế, yếu kém.Tiếp tục thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo hướng gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành Tài chính và công việc hàng ngày của từng đảng viên, công chức, viên chức và người lao động.

Ba là, tập trung hoàn thiện và thực hiện có kết quả hệ thống thể chế, chính sách tài chính, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch; huy động hợp lý và khơi thông các nguồn lực tài chính, phân phối hiệu quả và quản lý có kỷ cương tài chính và tài sản quốc gia; tái cơ cấu ngân sách Nhà nước, triển khai thực hiện có kết quả Luật ngân sách Nhà nước mới được Quốc hội thông qua; tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa cải cách hành chính trên các lĩnh vực của ngành tài chính; phát triển thị trường tài chính để tạo kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế; hoàn thiện thể chế và đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu, sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, triển khai thực hiện tốt Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; hoàn thành việc giao quyền tự chủ cho đơn vị sự nghiệp công; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, đảm bảo an ninh, an toàn tài chính quốc gia; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng chống tham nhũng.

Bốn là, Đảng bộ cần tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, trong đó chú trọng đổi mới lề lối làm việc, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo và trách nhiệm cá nhân của từng đồng chí bí thư đảng bộ cơ sở và từng đồng chí cấp ủy viên trong lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ chính trị thuộc phạm vi phụ trách.Nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, đặc biệt là trong việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban thường vụ Đảng uỷ Bộ.

Năm là, nâng cao hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền chính sách, chủ trương, đường lối của Đảng, cơ chế chính sách tài chính, các hoạt động của ngành Tài chính; tăng cường và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận và lãnh đạo các tổ chức đoàn thể quần chúng.

Sáu là, cấp uỷ Đảng các cấp phối hợp với Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo phong trào thi đua của cơ quan, đơn vị mình; phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, đoàn thể quần chúng trong việc chỉ đạo, tổ chức phong trào thi đua và công tác khen thưởng, làm cho phong trào thi đua thực hiện nhiệm vụ chính trị trở thành phong trào hành động thu hút được mọi người tích cực tham gia. Mỗi cán bộ lãnh đạo, đảng viên cần phát huy tốt vai trò tiền phong gương mẫu, đi đầu, là hạt nhân trong các phong trào thi đua ở cơ sở, luôn phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Phát biểu tại Đại hội, đồng chí Lê Mạnh Hùng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương nhấn mạnh, ngành Tài chính có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về Tài chính. Do vậy, xây dựng Đảng bộ Bộ Tài chính trong sạch, vững mạnh sẽ là hạt nhân chính trị góp phần vào sự phát triển bền vững của Ngành cũng như của đất nước. Đồng chí khẳng định, Ban Chấp hành Đảng bộ Khối luôn đặt niềm tin vào Đảng bộ Bộ Tài chính và tin tưởng rằng Đảng Bộ sẽ tiếp tục đổi mới, sáng tạo để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng trong nhiệm kỳ mới.