Đảng bộ cơ quan Bộ Tài chính những ngày đầu thành lập

Nguyên An

(Tài chính) Ngày 28/8/1945, Bộ Tài chính nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được chính thức thành lập. Song hành với sự kiện quan trọng này, hệ thống tổ chức Đảng ở cơ quan Bộ Tài chính cũng từng bước được hình thành, kiện toàn và phát triển vững mạnh.

Bộ trưởng Lê Văn Hiến (giữa), một trong những đảng viên đầu tiên của Cơ quan Bộ Tài chính
Bộ trưởng Lê Văn Hiến (giữa), một trong những đảng viên đầu tiên của Cơ quan Bộ Tài chính

Thời kỳ đầu mới thành lập, một trong những nhiệm vụ quan trọng của Bộ Tài chính là phải sớm hình thành một hệ thống tiền tệ riêng của Nhà nước Cách mạng để đảm bảo chủ động về mặt tài chính, đáp ứng được yêu cầu phục vụ đắc lực cho Chính phủ lâm thời đối phó với tình hình kinh tế tài chính đang cực kỳ khó khăn cũng như bối cảnh “thù trong giặc ngoài” đang chống đối quyết liệt hòng lật đổ chính quyền cách mạng non trẻ.

Để thực hiện được mục tiêu trên, ngày 15/11/1945, Bộ Tài chính thành lập cơ quan ấn loát (còn được gọi là Nhà in bạc), đồng thời bộ máy Tài chính cũng từng bước được hình thành gồm: Ngân sách Nhà nước, Ngân sách Quốc phòng, Ngân sách Hoả xa, Ngân sách Bắc kỳ, Ngân sách Trung kỳ, Ngân sách Hà Nội và Ngân sách Hải Phòng. Bộ máy quản lý tài chính Nhà nước cũng được từng bước kiện toàn với việc thành lập các cơ quan thu theo hệ thống dọc như: Sở Thuế quan và gián thu, Nha Thuế trực thu, Nha Thuế trước bạ, Nha Thuế công sản và điền thổ… Đồng thời, Nhà nước bổ nhiệm chức vụ Tổng thanh tra Tài chính để giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính kiểm tra và quản lý hoạt động của các tổ chức sản xuất trực thuộc Bộ như: Nhà in bạc, Nhà máy giấy, Sở Đúc tiền…

Hệ thống ngành Tài chính được hình thành đồng nghĩa với lực lượng cán bộ, công nhân viên chức được tăng cường từ nhiều nguồn, bao gồm: Cán bộ lưu dung, nhân sỹ trí thức yêu nước, cán bộ tham gia cách mạng từ các ngành Trung ương và địa phương được điều động về. Trong lực lượng cán bộ, công nhân viên chức tài chính được tăng cường có nhiều người là đảng viên, bắt đầu hình thành các chi bộ Đảng. Tuy nhiên, trong thời điểm này các đơn vị trực thuộc Bộ Tài chính không hoạt động tập trung mà ở rải rác nhiều nơi thuộc các tỉnh Tuyên Quang, Thái Nguyên, Phúc Yên, Vĩnh Yên, Phú Thọ... do vậy, đảng viên ở các chi bộ này sinh hoạt trực thuộc các Đảng bộ địa phương nơi đơn vị đóng trụ sở.

Trong thời điểm cuối năm 1945 đầu năm 1946, ở cơ quan Bộ Tài chính chỉ có một đảng viên duy nhất, đó là đồng chí Phạm Văn Đồng, Bộ trưởng. Như vậy, đồng chí Phạm Văn Đồng là người đảng viên đầu tiên của cơ quan Bộ Tài chính. Tháng 3/1946, đồng chí Phạm Văn Đồng được chuyển sang làm nhiệm vụ khác, đồng chí Lê Văn Hiến được bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng Bộ Tài chính. Lúc này, số lượng đảng viên ở cơ quan Bộ Tài chính chỉ có 2 đồng chí, đó là đồng chí Lê Văn Hiến, Bộ trưởng và đồng chí Trịnh Văn Phú, phụ trách phòng Bí thư lãnh đạo Bộ. Do số lượng đảng viên không đủ điều kiện để thành lập chi bộ đảng riêng, nên các đồng chí đảng viên ở cơ quan Bộ Tài chính phải sinh hoạt ghép với chi bộ khác, đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng Đoàn Chính phủ.

Ngay từ những ngày đầu thành lập, hệ thống tổ chức Đảng và đảng viên ở cơ quan Bộ Tài chính luôn là hạt nhân chính trị bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong mọi hoạt động của cơ quan Bộ thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính ngân sách.

Từ giữa năm 1947, do yêu cầu phải khai thác thêm nguồn thu để tăng nguồn lực tài chính phục vụ cho công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tổ chức bộ máy của Bộ Tài chính tiếp tục được củng cố kiện toàn. Trung ương đã điều động một số cán bộ làm công tác tài chính ở các bộ, ngành Trung ương và địa phương tăng cường, bổ sung cho Bộ Tài chính. Nhờ đó, lực lượng cán bộ của cơ quan Bộ Tài chính được tăng thêm đáng kể, trong số này có một số người là đảng viên như: Đồng chí Hoàng Minh (huyện uỷ viên Vĩnh Bảo, liên tỉnh Hải Phòng- Kiến An), đồng chí Nguyễn Văn Mạnh (từ Liên khu 3 về) và đồng chí Đỗ Thu (phụ trách phòng Thi đua - Tuyên truyền).

Như vậy, kể từ năm 1947, Chi bộ đầu tiên của cơ quan Bộ Tài chính được thành lập với tên gọi là Hội Cán bộ tiết kiệm (tên gọi của Chi bộ Tài chính) có 5 đồng chí, gồm: Lê Văn Hiến, Trịnh Văn Phú, Đỗ Thu, Hoàng Minh và Nguyễn Văn Mạnh, trong đó đồng chí Trịnh Văn Phú giữ chức Bí thư Chi bộ Tài chính trực thuộc Liên chi IV, Ban Cán sự Việt Minh.

Tháng 2/1949, Hội Cán bộ tiết kiệm có 6 đồng chí (thêm đồng chí Đỗ Trọng Kim). Tháng 11/1949, Chi bộ Tài chính có 14 đồng chí, do đồng chí Nguyễn Lẫm giữ chức Bí thư Chi bộ. Từ cuối năm 1949 đến năm 1950, Chi bộ Đảng cơ quan Bộ Tài chính đã phát triển kết nạp thêm được một số đảng viên mới, đồng thời một số đảng viên được điều động từ nơi khác đến, nên số lượng đảng viên sinh hoạt tại Chi bộ được tăng lên đáng kể. Đến tháng 6/1950, Chi bộ Tài chính có 48 đồng chí, trong đó Chi uỷ gồm 5 đồng chí: Lê Văn Hiến, Nguyễn Lẫm (giữ chức Bí thư chi bộ), Đỗ Thu, Nguyễn Tập và Đỗ Trọng Kim.

Từ năm 1951 đến tháng 10/1953, số lượng đảng viên ở cơ quan Bộ Tài chính tăng lên 131 đồng chí, trong đó có 8 đảng viên nữ. Để phù hợp với tình hình mới, ngang tầm với nhiệm vụ chính trị được giao và được sự đồng ý của cấp uỷ cấp trên, chi bộ Tài chính được nâng cấp lên Đảng bộ cơ sở với 4 chi bộ trực thuộc, gồm: Chi bộ Văn phòng Bộ, Chi bộ Sở Kho thóc, Chi bộ Sở thuế - Vụ Ngân sách - Vụ Kế toán và Chi bộ Ban cung cấp 19. Trong đó, Ban chấp hành Đảng bộ cơ quan có 7 đồng chí, gồm: Bí thư Đảng bộ Nguyễn Hoàng, Phó bí thư Đảng bộ Đào Thiện Thi và 5 Đảng ủy viên gồm: Hà Phú Hương, Nguyễn Văn Kinh, Nguyễn Văn Biên, Nguyễn Dung và Nguyễn Lẫm.

Ngay từ những ngày đầu thành lập, hệ thống tổ chức Đảng và đảng viên ở cơ quan Bộ Tài chính luôn là hạt nhân chính trị bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng trong mọi hoạt động của cơ quan Bộ thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính ngân sách, phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng, sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Phát huy truyền thống tốt đẹp này, kể từ đó đến nay, toàn Đảng bộ Bộ Tài chính luôn nỗ lực vượt qua khó khăn, phát huy sức mạnh tổng hợp, quyết tâm hoàn thành mọi nhiệm vụ được Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân giao phó.

Bài đăng trên Thông tin Công tác Đảng số 2 - 2014