Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kế toán:

Đáp ứng được yêu cầu hội nhập, phù hợp với thông lệ quốc tế

PV.

(Taichinh) - Chiều ngày 10/6, các đại biểu tiếp tục thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán. Nhiều đại biểu đều có chung nhận định Luật Kế toán sửa đổi đã đáp ứng được yêu cầu hội nhập, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Phát biểu thảo luận tại Hội trường, đa số đại biểu cho rằng, Luật kế toán sửa đổi đã đáp ứng được yêu cầu hội nhập, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng sẽ góp phần nâng cao trách nhiệm của các cơ quan trong việc tuân thủ quy định pháp luật về tài chính, kế toán nhằm tạo điều kiện cho kế toán thật sự trở thành một công cụ trong việc quản lý tài chính của doanh nghiệp, các đơn vị tài chính kế toán cũng như công cụ quản lý, giám sát của Nhà nước.

Đi sâu thảo luận về những quy định trong dự thảo, các đại biểu quốc hội cũng đã có nhiều ý kiến bổ sung nhằm giúp hoàn thiện dự thảo luật. Chẳng hạn, về quy định hành nghề dịch vụ kế toán,đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) đồng tình với quy định giao Bộ Tài chính có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán.

Tuy nhiên, đối với quy định những người không được hành nghề dịch vụ kế toán, đại biểu này cho rằng, dự thảo Luật quy định “những người không được đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán là người có tiền án tội kinh tế từ nghiêm trọng trở lên” là chưa bao quát các loại tội phạm khác như tội phạm hình sự, tham nhũng… và cần đưa ra quy định cụ thể, ví dụ: “Người có tiền án phạm tội mà mức án từ 3 năm tù giam trở lên".

Đối với quy định điều kiện cấp chứng chỉ kế toán, đại biểuMa Thị Thúy đề nghị bỏ quy định “người có chuyên môn nghiệp vụ về tài chính” vì các cơ sở đang đào tạo hiện nay thường đào tạo các chuyên ngành hẹp về tài chính như tài chính doanh nghiệp, tài chính công… mà các chuyên ngành này rất khác với chuyên ngành kế toán, do đó nếu quy định như vậy sẽ khó trong thực hiện.

Trong khi đó, theo đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị), dự thảo đã có một bước tiến bộ lớn khi cập nhật và đưa và các quy định pháp lý để điều chỉnh hoạt động dịch vụ kế toán này. Tuy nhiên, để thúc đẩy sự phát triển cũng như tạo thuận lợi cho dịch vụ kế toán, cần xem lại một số quy định, chẳng hạn, quy định về điều kiện để công dân Việt Nam được cấp chứng chỉ hành nghề kế toán quá khắt khe và không cần thiết đối với ngành nghề này.

Bên cạnh đó, thảo luận về các quy định liên quan đến điều kiện đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán, điều kiện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán, một số đại biểu đề nghị cần rà soát, cân nhắc về các quy định liên quan đến điều kiện đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán, điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán,... theo hướng phải bảo đảm tính chặt chẽ của Luật, song mặt khác phải đơn giản hóa thủ tục hành chính.