Đẩy mạnh công tác chính trị, tư tưởng, tự phê bình và phê bình

Minh Tài

Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được đưa ra trong Chương trình hành động của Ban Cán sự Đảng bộ Bộ Tài chính thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Đ/c Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính quán triệt một số nội dung quan trọng của Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) ngày 6/1/2017.
Đ/c Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính quán triệt một số nội dung quan trọng của Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) ngày 6/1/2017.

Để thực hiện những mục tiêu đề ra, Chương trình hành động của Ban Cán sự Đảng bộ Bộ Tài chính đã đề ra 8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó có nhiệm vụ đẩy mạnh công tác chính trị, tư tưởng, tự phê bình và phê bình, đồng thời yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính căn cứ vào chức năng nhiệm vụ quyền hạn, tình hình, đặc điểm cụ thể của đơn vị, chủ động chỉ đạo thực hiện.

Cụ thể, tập trung lãnh đạo chỉ đạo nâng cao nhận thức trong toàn thể các tổ chức đảng thuộc ngành Tài chính về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng và sự cần thiết của việc học tập, nghiên cứu, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác – Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Có kế hoạch học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận bắt buộc hàng năm đối với công chức, viên chức và người lao động gắn với việc cung cấp thông tin, cập nhận kiến thức mới phù hợp với từng đối tượng, từng cấp.

Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2015 của Bộ Chính trị; Tích cực đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Bác, đẩy mạnh công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận nhất là mô hình mới, kinh nghiệm hay; Khuyến khích phát triển tư duy lý luận phù hợp với đường lối đổi mới của Đảng.

Thực hiện kiểm điểm tự phê bình và phê bình tập thể, cá nhân theo Nghị quyết này gắn với kiểm điểm hàng năm và đột xuất, được tiến hành đồng thời ở các cấp. Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Tài chính và thủ trưởng các đơn vị phải gương mẫu, tự giác kiểm điểm.

Trong đó, nội dung kiểm điểm tập trung làm rõ những hạn chế yếu kém, liên hệ với những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; Chỉ rõ nguyên nhân, đề ra các giải pháp và thời gian khắc phục. Sau kiểm điểm từng tập thể, cá nhân xây dựng kế hoạch sửa chữa, khắc phục khuyết điểm và báo cáo cấp có thẩm quyền.

Cấp ủy, tổ chức đảng thường xuyên kiểm tra, giám sát việc khắc phục, sửa chữa khuyết điểm của cấp dưới và của từng đảng viên, công chức, viên chức và người lao động. Đồng thời, coi trọng việc biểu dương khen thưởng người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến, những tổ chức đảng, đảng viên có cách làm sáng tạo, tự điều chỉnh, khắc phục, sửa chữa khuyết điểm có hiệu quả trong quá trình thực hiện Nghị quyết.

Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Tài chính tổ chức kiểm điểm tập thể và cá nhân, lấy ý kiến của cấp ủy cùng cấp và cán bộ chủ chốt trước khi báo cáo Ban Bí thư, Ban Thường vụ Đảng ủy và cấp ủy các cấp kiểm điểm tập thể và cá nhân, báo cáo xin ý kiến đóng góp của cấp ủy cùng cấp trước khi báo cáo cấp trên trực tiếp.

Vụ Tổ chức cán bộ và Văn phòng Đảng ủy Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu cho Ban Cán sự Đảng và Ban Thường vụ đảng ủy Bộ Tài chính nội dung gợi ý kiểm điểm đối với cấp ủy, tổ chức đảng, các đơn vị thuộc và trực thuộc và đảng viên, công chức, viên chức và người lao động thuộc quyền quản lý.

Bên cạnh đó, Chương trình hành động cũng nhấn mạnh cần nhận thức sâu sắc về nguy cơ, nhận diện đúng những biểu hiện và đề ra giải pháp phù hợp để đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Rà soát, có biện pháp xử lý phù hợp đối với những trường hợp công chức, viên chức và người lao động suy thoái “tự diễn biến”,“tự chuyển hóa”; Kịp thời xử lý đơn, thư kiến nghị phản ánh, khiếu nại, tố cáo có liên quan đến “tự diễn biến”,“tự chuyển hóa” và thông tin kết quả cho nhân dân.

Thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính cần chủ động nắm bắt diễn biến tư tưởng của đảng viên, công chức, viên chức và người lao động để có chủ trương, giải pháp xử lý kịp thời, hiệu quả. Tăng cường giáo dục phẩm chất đạo đức và trách nhiệm công vụ cho đội ngũ công chức, viên chức và người lao động; Rèn luyện phong cách làm việc khoa học, cụ thể, sâu sát cơ sở cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo thuộc quyền quản lý, khắc phục tình trạng, quan liêu, xa dân, vô cảm trước những khó khăn, bức xúc của nhân dân.

Đồng thời, phát huy vai trò, nêu cao trách nhiệm của các cơ quan báo chí thuộc Bộ Tài chính trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, đấu tranh phòng, chống suy thoái, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “tự diễn biến”,“tự chuyển hóa”.

Chủ động định hướng, cung cấp thông tin thường xuyên hoặc đột xuất; Chú trọng tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những thành quả trong sự nghiệp xây dựng Đảng và bảo vệ Tổ quốc, những nhân tố tích cực, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt. Khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích; Xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân vi phạm quy định về thông tin, báo chí, tuyên truyền…