Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao trong lĩnh vực bảo hiểm

Thanh Sơn

(Tài chính) Trong giai đoạn từ nay đến 2015, ngành Bảo hiểm phấn đấu đạt 2-3% GDP và trong tương lai phấn đấu đạt 3-4% GDP. Để đạt được mục tiêu trên, cần phải nhanh chóng hoàn thiện thể chế chính sách cũng như đầu tư phát triển nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao trong lĩnh vực bảo hiểm.

Toàn cảnh hội nghị
Toàn cảnh hội nghị

Đây cũng là chủ đề chính tại Hội thảo "Ngành bảo hiểm – cơ hội và thách thức" được Trường Đại học Tài chính – Marketing phối hợp cùng Trung tâm nghiên cứu và đào tạo bảo hiểm (Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính) tổ chức vào ngày 23/3/2013 tại TP.Hồ Chí Minh với mục tiêu chia sẻ về kinh nghiệm và khuyến nghị những giải pháp để phát triển nguồn nhân lực ngành Bảo hiểm.

Tham dự hội thảo có ông Ngô Việt Trung - Cục phó Cục quản lý và Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), bà Nguyễn Thanh Nga – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và đào tạo bảo hiểm Bộ Tài chính cùng các nhà khoa học, các nhà quản lý cao cấp của các công ty bảo hiểm và đông đảo các sinh viên hiện đang theo học ngành Bảo hiểm.

Các đại biểu tham gia tại hội thảo đều khẳng định: Với việc cam kết với WTO trong việc mở cửa hội nhập thị trường bảo hiểm và tự do hóa thương mại dịch vụ bảo hiểm theo chuẩn mực quốc tế thì ngành Bảo hiểm cần phải có chiến lược để khai thác có hiệu quả tiềm năng phát triển. Bên cạnh cần phải hoàn thiện các quy định của pháp luật còn phải chuẩn bị tốt nguồn nhân lực cho ngành Bảo hiểm.

Thị trường bảo hiểm Việt Nam thời gian qua luôn tăng trưởng ở mức cao với hai con số. Tính đến ngày 31/12/2012, toàn thị trường có 57 doanh nghiệp bảo hiểm, trong đó có 29 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 14 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 12 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và hai doanh nghiệp tái bảo hiểm. Ngoài ra còn có 32 văn phòng đại diện của các tổ chức bảo hiểm hàng đầu thế giới tại Việt Nam.

Tổng doanh thu toàn thị trường bảo hiểm giai đoạn 2003 – 2010 tăng trưởng bình quân 18,5%, cao hơn nhiều tốc độ tăng trưởng GDP. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm tăng bình quân 16,7%, doanh thu hoạt động đầu tư tăng 33,3%/ năm, doanh thu từ ngành bảo hiểm tăng từ 11.376 tỷ đồng lên 37.975 tỷ đồng.

Tổng doanh thu ngành bảo hiểm năm 2011 ước đạt 46.817 tỷ đồng, tăng 23,2% so với năm 2010, đóng góp 1,85% vào GDP. Doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 20.600 tỷ đồng, tăng 20,5%; bảo hiểm nhân thọ ước đạt 15.994 tỷ đồng, tăng 16%. Năm 2012 tăng 12% so với năm 2011 trong đó phi nhân thọ tăng 10,69%, nhân thọ tăng 13,71% so với năm 2011.

Về mặt quản lý Nhà nước, theo ông Nguyễn Tiến Hùng – Trưởng bộ môn bảo hiểm ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh thì hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm trong thời gian qua vẫn tồn tại nhiều hạn chế nhất định như thị trường có quy mô nhỏ, vốn kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm còn hạn chế, khả năng khai thác và mở rộng thị trường còn yếu, thị trường còn tiềm tàng nhiều rủi ro.

Các văn bản hướng dẫn Luật kinh doanh bảo hiểm còn thiếu, hoạt động quản lý, giám sát của Nhà nước còn nhiều bất cập, gây trở ngại cho sự phát triển của thị trường. Do đó các thể chế của Nhà nước liên quan đến hoạt động giám sát an toàn tài chính đối với các doanh nghiệp bảo hiểm cần phải được sớm hoàn thiện. Việc giám sát an toàn tài chính hiện nay chủ yếu dựa vào biên khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm mà chưa tính đến các rủi ro trong quá trình hoạt động.

Về mặt đảm bảo nguồn nhân lực, PGS.,TS.Hoàng Trần Hậu - Hiệu trưởng trường Đại học Tài chính – Marketing cho biết bảo hiểm là ngành kinh doanh dịch vụ rất đặc thù, nguồn nhân lực là yếu tố có vai trò đặc biệt quan trọng. Nhưng việc đào tạo tại TP. Hồ Chí Minh mới chỉ có 2 trường là Đại học kinh tế TP. Hồ Chí Minh và trường ĐH Tài chính – Marketing nên cũng chưa đáp ứng được nhu cầu của các công ty bảo hiểm. Ngoài ra, theo phản ảnh của một số nhà quản lý thì nguồn nhân lực bảo hiểm hiện thiếu trầm trọng, đặc biệt là nhà quản lý có trình độ cao.  

Tại buổi hội thảo cũng nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến định hướng nghề nghiệp, yêu cầu của nhà tuyển dụng, kinh nghiệm để trở thành những nhà quản lý giỏi của các công ty bảo hiểm, của các sinh viên đang theo học ngành Bảo hiểm quan tâm đặt ra và được các giám đốc các công ty bảo hiểm trả lời cặn kẽ.