Đẩy nhanh tiến độ triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và ASEAN

Theo mof.gov.vn

(Tài chính) Cuối tháng 2/2014 vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã khai trương kết nối kỹ thuật giai đoạn 1 Cơ chế một cửa quốc gia giữa 3 Bộ: Tài chính (Tổng cục Hải quan), Công Thương và Giao thông Vận Tải. Đây là thời điểm, Việt Nam cần gia tăng tốc lực trong việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và ASEAN.

 Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh "bấm nút" chính thức kết nối kỹ thuật Cơ chế một cửa quốc gia. Nguồn: financeplus.vn
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh "bấm nút" chính thức kết nối kỹ thuật Cơ chế một cửa quốc gia. Nguồn: financeplus.vn

Vì một ASEAN đoàn kết năng động phát triển

Mục tiêu của các quốc gia ASEAN trong việc triển khai Cơ chế một cửa ASEAN và Cơ chế một cửa quốc gia là hướng tới thương mại phi giấy tờ và thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, tạo thuận lợi trong hoạt động đầu tư. Nhiều quốc gia ASEAN, trong đó có Việt Nam đang đẩy nhanh hiện thực hóa mục tiêu này.

Điển hình, Indonesia đã triển khai Cơ chế một cửa kết nối 18 cơ quan của Chính phủ, với hơn 14.000 thương nhân đăng ký hoạt động, thực hiện tại 10 cảng chính cho các thủ tục nhập khẩu, xuất khẩu hàng hóa, khai báo bản lược khai hàng hóa và trao đổi thông tin giữa các cảng, cửa khẩu. Hiện tại, 90% các giao dịch xuất nhập khẩu hàng hóa tại Indonesia đã được thực hiện thông qua Cơ chế một cửa quốc gia.

Tại Thái Lan, Cơ chế một cửa đã kết nối được 16 cơ quan của Chính phủ, 5 cơ quan Chính phủ khác đang trong giai đoạn thí điểm và 15 cơ quan còn lại đang thực hiện xây dựng hệ thống. 100% giao dịch về thông quan hải quan, 44% giao dịch về cấp phép liên quan đến hàng hóa xuất nhập khẩu tại Thái Lan với khoảng 6,5 triệu giao dịch/tháng đã được thực hiện thông qua Cơ chế một cửa quốc gia. 

Thực hiện Cơ chế một cửa ASEAN và Cơ chế một cửa quốc gia, các nước thành viên đều triển khai dịch vụ công trực tuyến tối thiểu ở mức độ 3 và hướng tới cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4.

Trong ASEAN, Singapore, Malaysia là những quốc gia đi đầu và cung cấp dịch vụ trên hệ thống một cửa quốc gia ở mức độ 4; các nước còn lại (trừ Campuchia, Lào, Myanmar) đều đã cung cấp dịch vụ tối thiểu ở mức độ 3 và hướng tới mức độ 4.

Tại Việt Nam, một số dịch vụ đã được cung cấp trực tuyến trên mức độ 3 và gần với mức độ 4 (thủ tục hải quan điện tử, thủ tục cấp C/O mẫu D); một số dịch vụ được cung cấp ở mức độ 2 và đã có kế hoạch nâng lên mức độ cao hơn (thủ tục thuộc chức năng nhiệm vụ của Cục An toàn thực phẩm thuộc Bộ Y tế, một số thủ tục của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Khẩn trương vào cuộc hơn nữa

Tại lễ khai trương kết nối kỹ thuật Cơ chế một của quốc gia vừa diễn ra cuối tháng 2/2014, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng đã khẳng định: “Kết nối Cơ chế một cửa quốc gia, tiến tới kết nối một cửa ASEAN (dự kiến vào năm 2015) là nhu cầu nội tại của Việt Nam với mục tiêu cải cách hành chính, tạo thuận lợi thương mại, thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Việc thực hiện kết nối cơ chế một cửa không chỉ đáp ứng ý nghĩa cam kết, nhiệm vụ quốc tế mà còn xuất phát từ lợi ích thúc đẩy thương mại, hợp tác kinh tế của nước nhà…”

Trong giai đoạn triển khai thí điểm giai đoạn 1, 3 Bộ đã lựa chọn 18 thủ tục hành chính để tham gia kết nối (Bộ Tài chính 10 thủ tục, Bộ Công Thương 5 thủ tục, Bộ Giao thông Vận tải 3 thủ tục).

Bên cạnh đó, thực hiện song hành giai đoạn 2 với 3 Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường với số lượng kết nối lên tới 43 thủ tục hành chính.

Ban Chỉ đạo Cơ chế một cửa quốc gia và ASEAN đề nghị, các bộ, ngành, địa phương rà soát và đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến một cửa quốc gia và ASEAN. Việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia bên cạnh việc đảm bảo tăng cường quản lý giám sát, phải đảm bảo tạo thuận lợi, quyền và nghĩa vụ hợp pháp của DN và người dân.

Hiện nay, Bộ Công Thương đã lựa chọn 5 thủ tục và kết nối được thành công với hệ thống công nghệ thông tin chung với các Bộ. Ngoài ra, Bộ Công Thương tiến hành một số cuộc hội thảo, để giúp DN hiểu rõ chương trình một cửa và tận dụng có hiệu quả chương trình một cửa. Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục mở rộng thủ tục hành chính thuộc Bộ quản lý để đưa vào chương trình một cửa.

Còn Bộ Giao thông-Vận tải cũng đã kết nối khai báo điện tử cổng thông tin quốc gia với ASEAN có ý nghĩa hết sức đặc biệt, tạo ra cách làm mới đảm bao quy chuẩn chính xác minh bạch trong vấn đề khai báo hải quan điện tử, hoạt động thương mại. Việc triển khai cơ chế một cửa quốc gia đã và đang được Bộ Giao thông-Vận tải thực hiện hiệu quả, bước đầu có 3 thủ tục tham gia.