Đề nghị Quốc hội xem xét phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi Hiệp định thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới

Theo mof.gov.vn

Sáng 5/11, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã trình bày trước Quốc hội Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi Hiệp định thành lập Tổ chức thương mại thế giới (WTO).

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng  trình bày Nghị định thư sáng ngày 5/11/2015.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Nghị định thư sáng ngày 5/11/2015.

Theo Tờ trình của Chính phủ, mục đích của đàm phán tạo thuận lợi trong lĩnh vực thương mại là xoá bỏ các rào cản truyền thống, rào cản phí thuế quan đối với thương mại, cụ thể là giúp giải quyết các yêu cầu về giấy tờ, chứng từ quá mức, thủ tục qua biên giới không hiệu quả, ít áp dụng tự động hoá và sử dụng công nghệ thông tin, những cản trở trong vận tải và quá cảnh, thiếu sự minh bạch và khả năng dự đoán, thiếu sự hợp tác và phối hợp… Đồng thời quá trình này cũng góp phần giải quyết những tác động tiêu cực đối với: chi phí giao dịch thương mại, giá cả tiêu dùng, khả năng cạnh tranh, cơ hội kinh doanh, các luồng thương mại, đầu tư, thu ngân sách, tham gia vào dây chuyền cung ứng quốc tế…

Nhằm cụ thể hóa vấn đề tạo thuận lợi thương mại trên phạm vi toàn cầu, Hội nghị Bộ trưởng WTO tại Bali - Indonexia tháng 12/2013 đã thông qua Hiệp định Tạo thuận lợi Thương mại (Hiệp định TF). Để đưa Hiệp định TF vào hệ thống văn bản pháp luật chính thức của WTO, tháng 11/2014, Đại hội đồng WTO đã thông qua “Nghị định thư sửa đổi Hiệp định thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới” để bổ sung Hiệp định TF vào Phụ lục 1A của Hiệp định thành lập WTO.

Theo Hiệp định thành lập WTO, Nghị định thư sửa đổi sẽ có hiệu lực khi được 2/3 số nước thành viên thông qua. Tính đến tháng 10/2015 đã có 49 quốc gia, vùng lãnh thổ là thành viên WTO phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi, chiếm 45% số thành viên cần thiết để Hiệp định TF có hiệu lực (khoảng 108 nước).

Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội Trần Văn Hằng trình bày Báo cáo thẩm tra về đề nghị Quốc hội phê chuẩn Nghị định thư cho biết, Ủy ban Đối ngoại nhất trí với Tờ trình của Chủ tịch nước và Báo cáo của Chính phủ về sự cần thiết phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi.

Theo đó, cần thiết phải phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi, bởi vì: Với tư cách là thành viên WTO, việc Việt Nam phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi là yêu cầu bắt buộc. Việc sớm phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi để triển khai Hiệp định TF của WTO phù hợp với chủ trương, đường lối và chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc tích cực, chủ động hội nhập quốc tế; thể hiện vai trò thành viên chủ động và có trách nhiệm của Việt Nam trong các tổ chức quốc tế nói chung và trong WTO nói riêng. Đồng thời là cơ hội thuận lợi để Việt Nam tranh thủ các nguồn hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng năng lực thực thi sau khi Hiệp định TF có hiệu lực với tư cách là nước đang phát triển.

Bên cạnh đó, Hiệp định TF có nội dung nhằm thúc đẩy và tạo thuận lợi cho hoạt động vận chuyển, thông quan, giải phóng hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh tại các cửa khẩu cũng như các biện pháp hợp tác giữa hải quan các nước và hỗ trợ kỹ thuật thực hiện. Những nội dung của Hiệp định phù hợp với mục tiêu cải cách hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước về thương mại quốc tế mà Chính phủ đang thúc đẩy nhằm đẩy mạnh thương mại, khuyến khích xuất khẩu.

Cũng theo Ủy ban đối ngoại của Quốc hội, việc phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi này cũng là tiền đề để Việt Nam chuẩn bị thực hiện các cam kết có tiêu chuẩn cao về hải quan trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên minh Châu Âu (EVFTA).

Hiệp định bao gồm 3 phần chính: Phần I gồm những nội dung kỹ thuật có liên quan đến Điều V, Điều XIII và Điều X của Hiệp định GATT 1994 gồm 12 điều; Phần II gồm các điều khoản liên quan đến đối xử đặc biệt và khác biệt đối với các nước thành viên đang phát triển và chậm phát triển gồm 10 điều; Phần III gồm các thỏa thuận về thể chế.

Thẩm tra văn bản này, Ủy ban Đối ngoại cho rằng, Nghị định thư sửa đổi và Hiệp định TF không có điều khoản nào trái với quy định của pháp luật hiện hành và việc thực hiện Hiệp định cũng không đặt ra yêu cầu phải bãi bỏ hay ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, để thực hiện đầy đủ Hiệp định, đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát để hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, nâng cao năng lực thực hiện đối với các cam kết của Việt Nam như Luật Ban hành quyết định hành chính (về việc quyết định hành chính phải nêu rõ căn cứ pháp lý) hiện đang trong quá trình dự thảo và xin ý kiến Quốc hội.

“Nghị định thư sửa đổi và Hiệp định TF không có nội dung nào trái với các quy định của Hiến pháp và các văn bản pháp luật do Quốc hội, UBTVQH ban hành. Căn cứ Tờ trình của Chủ tịch nước, Báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Đối ngoại đề nghị Quốc hội xem xét phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi Hiệp định thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới”, báo cáo thẩm tra của Ủy ban đối ngoại của Quốc hội nêu rõ.

Giải phóng và thông quan nhanh hàng hóa tạo thuận lợi thương mại

Tại Điều 7 trong nội dung các cam kết có đề cập đến rất nhiều lĩnh vực liên quan đến giải phóng và thông quan hàng hóa như: Xử lý trước khi hàng đến (cho phép nộp trước các chứng từ hoặc thông tin theo hình thức điện tử để xử lý trước); Thanh toán điện tử các khoản thuế hải quan, thuế khác, phí và lệ phí do cơ quan hải quan thu; Tách việc giải phóng với quyết định cuối cùng về nộp thuế hải quan, thuế khác, phí và lệ phí (quy định cụ thể các nước Thành viên phải áp dụng và duy trì các thủ tục quy định về vấn đề này, quy định về các điều kiện mà Thành viên yêu cầu nếu muốn áp dụng thủ tục này như yêu cầu về bảo lãnh và quy định này cũng không ảnh hưởng đến quyền kiểm tra, tạm giữ, bắt tịch thu hoặc xử lý đối với hàng hóa).

Về quản lý rủi ro (các nước Thành viên phải cố gắng áp dụng và quy trì hệ thống quản lý rủi ro để kiểm soát hải quan đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu và quá cảnh, hệ thống quản lý rủi ro phải được xây dựng theo các tiêu chí lựa chọn và phải đảm bảo tập trung kiểm soát hải quan đối với các lô hàng có rủi ro cao và đẩy nhanh thông quan các lô hàng có rủi ro thấp. Bên cạnh đó Hệ thống quản lý hải quan phải đảm bảo không tạo ra sự phân biệt đối xử đối với thương mại quốc tế);

Kiểm tra sau thông quan (áp dụng kiểm tra sau thông quan để đảm bảo tuân thủ về pháp luật và tạo thuận lợi cho việc thông quan. Nội dung này cũng quy định về nghĩa vụ của các nước Thành viên khi tiến hành kiểm tra sau thông quan và giá trị của kết quả này); Thiết lập và công bố thời gian giải phóng hàng trung bình theo khuyến nghị của Tổ chức Hải quan thế giới đồng thời khuyến khích các nước Thành viên chia sẻ kinh nghiệm về lĩnh vực này;

Các biện pháp tạo thuận lợi thương mại dành cho Doanh nghiệp ưu tiên (quy định về các tiêu chí đối với Doanh nghiệp ưu tiên cũng như các biện pháp tạo thuận lợi thương mại dành cho các đối tượng này); Lô hàng ưu tiên xử lý nhanh (quy định các nước Thành viên phải cho phép giải phóng nhanh một số lô hàng ít nhất là hàng chuyển theo đường hàng không nếu như người yêu cầu đáp ứng được một số điều kiện quy định để có thể áp dụng hình thức này như có cơ sở hạ tầng tốt, nộp trước các thông tin, tự xác định được các khoản phí giới hạn trong chi phí dịch vụ sử dụng...Từ những yêu cầu đó, Thành viên cũng có trách nhiệm phải quy định những nội dung liên quan đến thủ tục như cho phép nộp chứng từ trước bằng hình thức điện tử, quy định giá trị tối thiểu để hàng hóa không phải kiểm tra hải quan, quy định về thời gian để giải phóng nhanh hàng hóa...)…

Những nội dung trên được đưa ra để đảm bảo hơn nữa việc tạo thuận lợi thương mại trong quá trình giải phóng và thông quan nhanh hàng hóa.