Đề xuất sửa đổi 5 luật thuế để cơ cấu lại nguồn thu ngân sách nhà nước

PV.

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8 diễn ra ngày 30/8/2017, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai đã giải đáp cụ thể nhiều nội dung đang được dư luận quan tâm xung quanh Dự án Luật sửa đổi, bổ sung 5 luật thuế.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai phát biểu tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8, ngày 30/8/2017.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai phát biểu tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8, ngày 30/8/2017.

Cụ thể, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung 5 luật thuế lần này gồm Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT), Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN), Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) và Luật Thuế tài nguyên. 

Hoàn thiện chính sách thuế để cơ cấu lại nguồn thu

Phân tích sự cần thiết phải sửa đổi đồng thời 5 luật thuế, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, Dự án Luật sửa đổi lần này là bước tiến quan trọng để thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước về hoàn thiện chính sách thuế nhằm cơ cấu lại nguồn thu ngân sách nhà nước (NSNN).

Bộ Tài chính xây dựng Dự án Luật sửa đổi căn cứ trên cơ sở các nội dung của Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.

Trong đó, Nghị quyết nêu rõ, một trong các giải pháp thực hiện mục tiêu nêu trên là tập trung cơ cấu lại nguồn thu, hoàn thiện chính sách thu gắn với cơ cấu lại NSNN theo hướng bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, nhất là các nguồn thu mới, phù hợp thông lệ quốc tế và tăng cường chú trọng nguồn thu nội địa. 

Đồng thời, tại Nghị quyết 25/2016/QH14 ngày 9/11/2016 của Quốc hội về kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 cũng đưa ra mục tiêu là từng bước cơ cấu lại thu NSNN, thực hiện giải pháp điều chỉnh chính sách thu theo hướng mở rộng cơ sở thuế, điều chỉnh phạm vi, đối tượng và rà soát thu hẹp diện miễn giảm thuế.

Dự án Luật cũng căn cứ trên cơ sở Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp (DN) đến năm 2020; Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 6/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 theo tinh thần Chính phủ đồng hành cùng DN và Quyết định 732/QĐ-TTg ngày 17/5/2011 về việc phê duyệt Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011- 2020.

Theo Thứ trưởng Vũ Thị Mai, trong điều kiện tình hình kinh tế-xã hội có nhiều biến động, thực tiễn đã phát sinh một số vấn đề đòi hỏi cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của 5 luật thuế trên nhằm tiếp tục xây dựng hệ thống chính sách thuế đồng bộ, thống nhất, công bằng, hiệu quả, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho DN.

Nêu cụ thể những nội dung sửa đổi của từng Luật thuế hiện hành Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết, Dự án Luật sẽ tập trung sửa đổi 7 nội dung của Luật Thuế GTGT, trong đó có 4 nội dung sửa đổi nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN gồm:

(i) Chuyển phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng cho nông nghiệp, tàu đánh bắt xa bờ từ đối tượng không chịu thuế GTGT sang đối tượng chịu thuế GTGT;

(ii) Bổ sung quy định DN sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế suất thuế GTGT 5% nếu có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ hết sau 12 tháng hoặc 4 quý thì được hoàn thuế GTGT;

(iii) Bỏ quy định “sản phẩm xuất khẩu là hàng hóa được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản có tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên” không chịu thuế GTGT và bỏ quy định “Dự án đầu tư khai thác tài nguyên, khoáng sản được cấp phép từ ngày 1/7/2016 hoặc dự án đầu tư sản xuất sản phẩm hàng hóa mà tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên theo dự án đầu tư” không được hoàn thuế GTGT;

(iv) Quy định điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào là có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào, trừ hàng hóa, dịch vụ mua từng lần từ mức dưới 20 triệu đồng xuống mức dưới 10 triệu đồng.

Ba nội dung sửa đổi khác nhằm bảo đảm tỷ trọng hợp lý giữa thuế gián thu và thuế trực thu theo Nghị quyết số 07-NQ/TW, trong đó: Giảm nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT và nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 5% theo Chiến lược cải cách hệ thống thuế; nâng mức thuế suất thuế GTGT từ mức 10% lên mức 12%.

Đối với Luật Thuế TNDN tập trung sửa đổi 8 nội dung, trong đó có 3 nội dung nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN: (i) Quy định phương pháp nộp thuế GTGT và thuế TNDN đơn giản cho DN siêu nhỏ; (ii) Về tỷ lệ thu thuế đối với nhà thầu nước ngoài; (iii) Về bù trừ thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản với lỗ từ hoạt động sản xuất kinh doanh khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.

Đối với Luật Thuế TNCN sẽ sửa đổi 8 nội dung, trong đó 3 nội dung sửa đổi nhằm tháo gỡ khó khăn cho cá nhân:

(i) Bổ sung quy định không thu thuế TNCN đối với thu nhập từ lợi tức cổ phần của thành viên hợp tác xã nông nghiệp, cá nhân là nông dân ký kết hợp đồng với DN tham gia “Cánh đồng lớn”;

(ii) Quy định miễn thuế TNCN đối với một số đối tượng đặc biệt đang thực hiện tại các nghị định, quyết định để bảo đảm tính hệ thống, thống nhất;

(iii) Bổ sung chính sách giảm thuế TNCN cho một số đối tượng là nhân lực công nghệ cao làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin, nông nghiệp, chế biến nông sản.

Tăng thuế GTGT tác động tới người nghèo không nhiều

Thời gian qua có nhiều ý kiến cho rằng, tăng thuế GTGT có thể khiến người nghèo, người thu nhập thấp chịu gánh nặng nhiều hơn người giàu, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết, theo kết quả khảo sát mức sống người dân Việt Nam năm 2014 do Tổng cục Thống kê công bố, nhóm người thu nhập thấp nhất dành tới 59,6% thu nhập để chi cho lương thực, thực phẩm, y tế và giáo dục. Ngược lại, nhóm thu nhập cao nhất chỉ dành 39,6% tổng thu nhập để chi cho các khoản này.

Trong các nhóm hàng hoá dịch vụ đó, y tế, giáo dục và lương thực, thực phẩm của người sản xuất trực tiếp bán ra thuộc đối tượng không chịu thuế. Còn nhóm lương thực, thực phẩm ở khâu kinh doanh thương mại chịu thuế suất thấp là 5%. Các mặt hàng thiết yếu khác như thuốc chữa bệnh, đầu vào nông nghiệp cũng đang ở mức thấp là 5%, dự kiến tăng lên 6%.

Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đánh giá tác động của việc tăng thuế GTGT đối với người dân, đặc biệt là với người nghèo, người thu nhập thấp là không nhiều. Hơn nữa, hiện nay, Nhà nước cũng có nhiều chính sách an sinh xã hội với người nghèo, người thu nhập thấp trong xã hội như hỗ trợ về y tế, giáo dục, nhà ở… 

Về ý kiến cho rằng tăng thuế liệu có tác động đến lạm phát, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết, Bộ Tài chính đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới đánh giá và kinh nghiệm quốc tế cho thấy, tác động của tăng thuế GTGT với lạm phát tương đối hạn chế.

Cũng tại buổi họp báo, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết, thời gian qua đã có nhiều ý kiến đóng góp rất xây dựng và Bộ Tài chính sẽ tiếp thu, giải trình một cách trách nhiệm để hoàn thiện Dự án Luật trình các cơ quan thẩm quyền thông qua.

“Một trong những mục tiêu của sửa đổi các luật thuế là để cơ cấu lại nguồn thu, bảo đảm NSNN cho đầu tư phát triển”. Nhấn mạnh điều này, Thứ trưởng Vũ Thị Mai đề nghị phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí cần có nghiên cứu toàn diện, để thông tin đầy đủ, tổng thể về chủ trương cũng như các giải pháp kiến nghị điều chỉnh luật của Bộ Tài chính nhằm cải cách, tạo thuận lợi cho DN, người dân.