Đề xuất tiếp tục ân hạn thuế 275 ngày nhưng có điều kiện

Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính

(Tài chính) Theo chương trình kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII, ngày 20/11 tới, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế. Nhằm đi tới thống nhất một số điểm còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật, đầu tuần trước, Bộ Tài chính đã tổ chức cuộc họp với đại diện của 5 hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp (dệt may; da giày; thủy sản; gỗ, mỹ nghệ và bông, vải sợi).

Tham dự cuộc họp còn có đại diện của Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, đại diện Văn phòng Chính phủ và một số bộ, ngành như Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Phí bảo lãnh thấp ở mức ảnh hưởng không lớn đến sản xuất kinh doanh của DN

Tại cuộc họp, đại diện các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp đã nêu những ý kiến băn khoăn về việc yêu cầu phải có bảo lãnh của các tổ chức tín dụng như trong dự thảo Luật sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp, chi phí bảo lãnh lớn, thủ tục bảo lãnh phức tạp, ảnh hưởng đến hạn mức tín dụng của DN. Do đó các ý kiến đề nghị cân nhắc trước mắt chưa cần thay đổi, thay vào đó nên có biện pháp chế tài mạnh đối với doanh nghiệp nợ thuế, hoặc trốn thuế xử lý nghiêm đối với những doanh nghiệp vi phạm.

Trước những băn khoăn của đại diện các tổ chức, doanh nghiệp, các cơ quan chức năng của Bộ Tài chính đã phân tích, giải thích cụ thể. Bộ Tài chính cho biết, theo quy định tại khoản 20 Điều 5 Luật thuế giá trị gia tăng (GTGT) nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng mà chỉ phải nộp thuế nhập khẩu. Do đó, doanh nghiệp chỉ phải bảo lãnh thuế nhập khẩu. Tuy nhiên, để đảm bảo công  bằng với việc mua hàng hóa trong nước để SXHXK (đã có thuế GTGT, được hoàn khi hàng hóa thực xuất khẩu), việc yêu cầu bảo lãnh thuế nhập khẩu trong thời gian ân hạn đối với thuế nhập khẩu của hàng hóa để SXHXK theo thông lệ quốc tế là cần thiết.

Về mức phí bảo lãnh, số liệu tổng hợp từ các ngân hàng như Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank... cho thấy, mức phí bảo lãnh hiện hành thống nhất ở mức 0,05%/tháng (mức thấp nhất nếu có ký quỹ bằng tiền mặt hoặc có chứng chỉ tiền gửi) và 0,29%/tháng (mức cao nhất nếu không có tài sản thế chấp). Với mức phí bảo lãnh này, căn cứ vào tình hình thực tế, mức độ ảnh hưởng tính trên kim ngạch chung, theo tính toán của Bộ Tài chính, chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ so trị giá hàng hóa NK để sản xuất hàng XK của doanh nghiệp.

Tăng không đáng kể chi phí giá thành của hàng hóa NK để sản xuất hàng XK

Cụ thể, với tổng số tiền thuế nhập khẩu năm 2010 của hàng hóa nhập khẩu để SXHXK là 562 triệu USD, tương đương 11.812 tỷ đồng, thời gian cần thiết để bảo lãnh thực tế bình quân khoảng 90 ngày (theo số liệu thống kê hải quan về thời gian nhập khẩu để SXHXK), mức phí bảo lãnh 0,05%/tháng thì số tiền chi phí bảo lãnh là 17,718 tỷ đồng, làm chi phí giá thành nguyên liệu để SXHXK tăng là 0,015% (17,718 tỷ đồng/121.275 tỷ đồng - tương đương 5,755 triệu USD) trên kim ngạch có thuế; với mức phí bảo lãnh cao nhất là 0,29%/tháng, số tiền phí bảo lãnh là 102,764 tỷ đồng, làm chi phí nguyên liệu nhập khẩu tăng 0,085%.

Trường hợp tính cho thời gian bảo lãnh 275 ngày, phí bảo lãnh 0,05%/tháng, thì tiền phí bảo lãnh là 53,154 tỷ đồng (tương đương khoảng 2,55 triệu USD), làm tăng chi phí giá thành nguyên liệu nhập khẩu là 0,044%; phí bảo lãnh 0,29%/tháng thì tiền phí bảo lãnh là 308,293 tỷ đồng (tương đương 14,8 triệu USD), làm tăng chi phí giá thành nguyên liệu nhập khẩu 0,25%.

Tương tự cách tính như vậy, với tổng số tiền thuế nhập khẩu năm 2011 của hàng hóa nhập khẩu để SXHXK 952,3 triệu USD, tương đương 19.808 tỷ đồng, trường hợp tính 90 ngày, việc bảo lãnh sẽ làm chi phí giá thành nguyên liệu để SXHXK tăng 0,018% và 0,1%. Còn tính cho thời gian bảo lãnh 275 ngày làm tăng chi phí giá thành nguyên liệu nhập khẩu là 0,054% và 0,311%. 9 tháng năm 2012, với tổng số tiền thuế nhập khẩu là 775 triệu USD, tương đương 16.124 tỷ đồng, thời gian tính bảo lãnh 90 ngày, sẽ làm tăng chi phí giá thành nguyên liệu  nhập khẩu là 0,025% và khoảng 0,14%. Trường hợp tính cho thời gian bảo lãnh 275 ngày, phí bảo lãnh 0,05%/tháng, thì tiền phí bảo lãnh là 72,558 tỷ đồng (tương đương 3,48 triệu USD), chi phí giá thành nguyên liệu nhập khẩu sẽ tăng khoảng là 0,076% và 0,44%.

Nếu tính riêng cho một số ngành theo kim ngạch nhập khẩu của 9 tháng 2012, theo tính toán của Bộ Tài chính, ngành dệt may, bông sợi, da giày, tỷ lệ tăng giá thành cao nhất cũng chỉ vào khoảng 0,0714%. Cụ thể, với kim ngạch nguyên liệu SXHXK cho cả ba ngành hàng trên là 2,3 tỷ USD, mức thuế suất nhập khẩu (NK) bình quân MFN gia quyền của năm 2012 là 8,21%: mức phí thấp nhất 0,05%, tiền phí bảo lãnh là: 6 tỷ đồng (tương đương gần 288 nghìn USD), tỷ lệ tăng giá thành là 0,0123%. Với mức phí cao nhất 0,29%, tiền phí bảo lãnh là: 35 tỷ đồng (tương đương 1,669.5 triệu USD); tỷ lệ tăng giá thành là 0,0714%.

Tương tự như vậy, tỷ lệ tăng giá thành của ngành thủy sản cũng chỉ  ở mức là 0,0203% và 0,1177%; của ngành gỗ, mỹ nghệ là 0,0031% và 0,0180%. Mặt khác, theo dự thảo Luật, trong thời gian bảo lãnh nguyên liệu sản xuất xuất khẩu không phải trả lãi chậm nộp, nên doanh nghiệp đã được hưởng lợi từ việc sử dụng luồng tiền thuế thực chất là chậm nộp để đầu tư sản xuất, kinh doanh trong khi nhập hàng hóa khác phải trả lãi chậm nộp trong thời gian bảo lãnh (0,05%/ngày).

Cho phép ân hạn thuế 275 ngày nhưng có điều kiện

Với những tính toán rõ ràng, cụ thể, đại diện các hiệp hội DN đã cơ bản thống nhất nội dung đánh giá tác động của đại diện Bộ Tài chính; đồng thời hiểu rõ việc bảo lãnh thuế chỉ thực hiện đối với thuế NK của hàng hóa NK để SXHXK, không bao gồm thuế GTGT hàng NK, nên số liệu tính toán mức độ ảnh hưởng không lớn như các văn bản kiến nghị trước đó đã gửi đến các cơ quan chức năng.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng cho biết, tại dự thảo Luật sửa đổi lần này đã giảm thời gian giải quyết hồ sơ hoàn thuế thuộc đối tượng hoàn trước kiểm tra sau tại khoản 2 Điều 60 xuống 6 ngày làm việc thay vì 15 ngày, hồ sơ hoàn thuế thuộc đối tượng kiểm tra trước hoàn thuế sau tại khoản 3 Điều 60 giảm xuống 40 ngày thay vì 60 ngày như hiện hành.

Mặc dù  đã giải trình rõ với những căn cứ, tính toán cụ thể, Bộ Tài chính, các bộ, ngành liên quan dự họp cũng ghi nhận những kiến nghị của đại diện các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp. Trên cơ sở những kiến nghị này, Bộ sẽ đẩy mạnh, tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhằm hạn chế tối đã hành vi vi phạm của một bộ phận doanh nghiệp.

Tuy nhiên, nhằm chia sẻ những khó khăn trước mắt của cộng đồng DN, đồng thời đảm bảo khắc phục những tồn tại của việc ân hạn thuế gây thất thu ngân sách, Bộ Tài chính đã đề xuất với Chính phủ kiến nghị Quốc hội điều chỉnh một số quy định trong dự thảo Luật. Theo đó, DN sản xuất hàng xuất khẩu được ân hạn thuế 275 ngày (không phải bảo lãnh), nhưng phải đáp ứng đủ điều kiện: Một là, có cơ sở sản xuất trực tiếp xuất khẩu, có quá trình 2 năm kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan trở về trước không vi phạm pháp luật, không có nợ tiền thuế quá hạn, tiền chậm nộp, tiền phạt; chấp hành tốt chế độ báo cáo tài chính. Hai là, thực hiện thanh toán qua ngân hàng.

Các trường hợp còn lại (không chấp hành tốt pháp luật, không đáp ứng đủ các tiêu chí trên) thì phải được tổ chức tín dụng bảo lãnh toàn bộ số tiền thuế phải nộp hoặc phải nộp tiền thuế trước khi được thông quan hoặc giải phóng hàng hóa,...