Điểm sáng Hải quan vùng Đông Bắc Tổ quốc

Xuân Hương

Trong vai trò “lực lượng gác cửa nền kinh tế” phía Đông Bắc Tổ quốc, nơi có hoạt động giao thương quan trọng với bạn hàng lớn Trung Quốc, Hải quan Quảng Ninh đang có những bước đi chủ động, linh hoạt góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đất nước trong thời kỳ hội nhập. Để hiểu rõ hơn vấn đề này, phóng viên có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Trìu - Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh.

Hải quan Quảng Ninh kiểm tra tàu vận chuyển than, quặng.
Hải quan Quảng Ninh kiểm tra tàu vận chuyển than, quặng.

Điểm sáng Hải quan vùng Đông Bắc Tổ quốc - Ảnh 1

Đồng chí Nguyễn Ngọc Trìu - Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh.

PV: Nằm trong vùng động lực kinh tế phía Bắc (Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh), nhờ vận dụng sáng tạo thời cơ, trong những năm qua, Quảng Ninh đã có bước phát triển mạnh mẽ. Sự phát triển năng động đó của Quảng Ninh có những đóng góp tích cực của Hải quan Quảng Ninh, thưa ông?

- Ông Nguyễn Ngọc Trìu: Trước hội nhập, Quảng Ninh là một tỉnh miền núi với 80% chỉ tiêu ngân sách của tỉnh và đầu tư trên địa bàn do Trung ương cấp. Hội nhập kinh tế đã giúp Quảng Ninh có điều kiện huy động được nguồn lực bên ngoài, bồi đắp thêm tiềm lực bên trong và đưa Quảng Ninh trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Số thu ngân sách của tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2011-2015 đã tăng gấp 2,2 lần so với giai đoạn 2006-2010, đưa Quảng Ninh vào tốp 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu về thu ngân sách của cả nước.

Kết quả trên có sự đóng góp của nhiều lực lượng, trong đó có những đóng góp tích cực của Hải quan Quảng Ninh. Với việc không ngừng nỗ lực cải cách, hiện đại hóa, Hải quan Quảng Ninh đã góp phần quan trọng thúc đẩy công cuộc cải cách, tạo môi trường thông thoáng, thu hút đầu tư, XNK trên địa bàn.

Giai đoạn 2011-2015, kim ngạch XNK qua địa bàn Quảng Ninh đã đạt khoảng 50 tỷ USD, tăng 78% so với giai đoạn 2005-2010; Thu thuế XNK đạt trên 80 nghìn tỷ đồng, tăng 75% so với giai đoạn 2005-2010 và chiếm tỷ trọng bình quân 55% so với tổng thu ngân sách toàn tỉnh.

Với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo về chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả (BCĐ 389) của tỉnh, Hải quan Quảng Ninh luôn chủ động, tập trung chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận trên địa bàn. Từ năm 2010 đến 30/6/2015, lực lượng chống buôn lậu Hải quan Quảng Ninh đã phát hiện, bắt giữ 2.708 vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại với trị giá tang vật là 118,8 tỷ đồng.

Đặc biệt, Hải quan Quảng Ninh đã chủ trì và phối hợp phá nhiều chuyên án ma túy lớn. Trong 5 năm qua đã chủ trì và phối hợp với các lực lượng chức năng bắt giữ 72 vụ/, thu giữ tang vật 90,7 kg ma túy tổng hợp, 7.924 viên ma túy tổng hợp, 60 bánh và 4,1 kg heroin.

Hải quan Quảng Ninh là một trong những điểm sáng của ngành trong công cuộc cải cách, hiện đại hóa Hải quan. Việc cải cách hiện đại hóa của Hải quan Quảng Ninh đã có tác động tích cực như thế nào tới hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp, thưa ông?

Trong xu thế hội nhập và phát triển, ngành Hải quan phải cải cách, đổi mới nhằm đảm bảo tương thích và theo kịp sự phát triển của Hải quan trong khu vực. Trước yêu cầu này, Hải quan Quảng Ninh đã tiến hành cải cách, đổi mới một cách đồng bộ, toàn diện các mặt công tác.

Với Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020 được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 448/QĐ-TTg ngày 25/3/2011, với phương châm hành động của Ngành: “Chuyên nghiệp- Minh bạch- Hiệu quả”, Hải quan Quảng Ninh đã có nhiều cách làm mới, tạo ra những nổi trội khác biệt, những đột phá, bứt phá mạnh mẽ.

Năm 2010, Hải quan Quảng Ninh là 1 trong 10 đơn vị đầu tiên trong Ngành thực hiện thí điểm thủ tục Hải quan điện tử. Chỉ trong vòng chưa đầy 11 tháng, đơn vị đã triển khai đầy đủ tại 7/7 Chi cục trực thuộc, vượt chỉ tiêu thời gian về đích trước 8 tháng. Tỉ lệ tờ khai, kim ngạch thực hiện thủ tục hải quan điện tử hàng năm đều đạt trên 97% tổng tờ khai, kim ngạch của toàn đơn vị.

Tháng 4 năm 2014, ngành Hải quan triển khai Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS, Hải quan Quảng Ninh tiếp tục là một trong số 10 đơn vị trọng điểm (Hà Nội, Hải Phòng, Tp.HCM, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu) được lựa chọn triển khai ngay ở giai đoạn I. Tới nay, 99% tờ khai XNK được thông quan điện tử trên Hệ thống. Việc triển khai thành công Hệ thống VNACCS/VCIS đã rút ngắn thời gian thông quan xuống còn từ 1-3 giây đối với tờ khai luồng xanh, tỉ lệ tờ khai phân luồng xanh lên trên 60%, thời gian thông quan trung bình giảm xuống còn một nửa, đáp ứng yêu cầu nhanh chóng và đảm bảo độ chính xác trong thông quan hàng hóa.

Bên cạnh đó, Hải quan Quảng Ninh là một trong 5 Cục Hải quan tỉnh, thành phố đầu tiên của ngành (Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu) triển khai thực hiện chính thức Cơ chế một cửa quốc gia tại cảng biển từ ngày 06/5/2015. Kết quả, từ ngày 6/5/2015 đến 31/8/2015, Hải quan Quảng Ninh đã làm thủ tục cho 728 lượt tàu XNC và chuyển cảng qua cổng thông tin một cửa quốc gia. Cơ chế một cửa quốc gia chính thức vận hành đã tạo bước đột phá về cải cách thủ tục hành chính, đem lại rất nhiều thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp.

Điểm sáng Hải quan vùng Đông Bắc Tổ quốc - Ảnh 2

Công chức Hải quan Quảng Ninh giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu.

Đây là giải pháp để từng bước hiện thực hóa yêu cầu của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục, giảm thời gian thông quan hàng hóa theo Nghị quyết 19/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đồng thời cũng là bước đi quan trọng trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu, đáp ứng yêu cầu hội nhập, phát triển mà Hải quan Quảng Ninh đã và đang trong quá trình thực hiện cùng ngành hải quan, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh Quảng Ninh nói riêng và cả nước nói chung trong công cuộc hội nhập và phát triển.

Gác cửa nền kinh tế phía Đông Bắc của Tổ quốc, nơi có những cửa ngõ giao thương quan trọng với bạn hàng lớn Trung Quốc. Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng; tỉnh Quảng Ninh đang cùng cả nước đẩy mạnh phát triển kinh tế, đầu tư, du lịch, thương mại đã đặt ra thách thức như thế nào với Hải quan Quảng Ninh. Những nhiệm vụ trọng tâm nào sẽ được Hải quan Quảng Ninh tập trung thực hiện trong thời gian tới, thưa ông?

Trung Quốc là một trong những đối tác thương mại lớn của Việt Nam, tốc độ tăng trưởng thương mại Việt Nam – Trung Quốc từ 2004-2013 luôn ổn định và đạt trung bình khoảng 25%/năm. Kim ngạch thương mại hai nước hướng tới mốc 60 tỷ USD năm 2015.

Hải quan Quảng Ninh quản lý địa bàn rộng với nhiều cửa ngõ giao thương quan trọng với Trung Quốc, gồm cả cửa khẩu đường bộ, đường biển: cửa khẩu Móng Cái, Hoành Mô, Bắc Phong Sinh và nhiều điểm thông quan hàng hóa XNK trực tiếp với Trung Quốc; Hệ thống cảng biển quốc tế Hòn Gai, Cái Lân, Cẩm Phả, Vạn Gia.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế, đây vừa là cơ hội đồng thời cũng là thách thức đối với Hải quan Quảng Ninh – thách thức trong việc vừa đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi cho xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, thúc đẩy thương mại, thu hút đầu tư lại vừa đảm bảo quản lý xuất nhập khẩu an toàn, tăng thu ngân sách và giữ vững an ninh chính trị, an ninh kinh tế. Thực tế trên đòi hỏi Hải quan Quảng Ninh phải không ngừng đổi mới, hiện đại, chính quy, chuyên nghiệp.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, từ nay tới cuối năm 2015, Hải quan Quảng Ninh tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch cải cách, phát triển và hiện đại hóa hải quan giai đoạn 2011-2015 với mục tiêu: đơn giản, công khai, minh bạch hóa thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh.

Trọng tâm là tiếp tục triển khai VNACCS/VCIS, một cửa quốc gia tại các cửa khẩu cảng biển đạt hiệu quả; Cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian thông quan hàng hóa theo Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ; Sắp xếp mô hình tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa theo Luật Hải quan 2014; Tích cực chuẩn bị nhân lực, trang thiết bị để sẵn sàng kết nối một cửa với các nước ASEAN theo chỉ đạo và kế hoạch của Tổng cục Hải quan.

Bên cạnh đó, Hải quan Quảng Ninh cũng đang nỗ lực thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị được giao, quyết tâm phấn đấu thu thuế XNK đạt kết quả ở mức cao nhất. (chỉ tiêu năm 2015 Bộ Tài chính giao cho Hải quan Quảng Ninh là 19.800 tỷ đồng).

Trong giai đoạn mới (2016-2020), chúng tôi xác định, mục tiêu quan trọng trong là phấn đấu đạt trình độ ngang bằng trình độ của các nước dẫn đầu ASEAN ở thời điểm hiện nay (ASEAN-4).

Để đạt được mục tiêu đó, 3 nhiệm vụ trọng tâm Hải quan Quảng Ninh sẽ tập trung triển khai thực hiện, cụ thể:

Thứ nhất, từ hoạt động thực tiễn, tích cực, chủ động tham gia xây dựng cơ chế chính sách, quy trình nghiệp vụ theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho thương mại, đầu tư, du lịch.

Thứ hai, xây dựng lực lượng Hải quan chính quy, chuyên nghiệp, có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức tốt, tinh thông nghiệp vụ, thành thạo ngoại ngữ và tin học, bộ máy tổ chức gọn nhẹ, hiệu quả.

Thứ ba, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất hiện đại đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ và chuẩn mực quốc tế phục vụ tốt cho xu thế hội nhập khu vực và quốc tế ngày càng sâu rộng của cả nước nói chung và Hải quan nói riêng.