Điều hành nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2014: Ý kiến từ địa phương

Theo mof.gov.vn

(Tài chính) Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2013, triển khai nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2014 được Bộ Tài chính tổ chức sáng ngày 30/12/2013 tại Hà Nội, tại một số điểm cầu trên cả nước, lãnh đạo các tỉnh, thành phố đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng về các giải pháp điều hành nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2014 và đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực thi nhiệm vụ tại địa phương.

 Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác tài chính - NSNN năm 2013 và triển khai nhiệm vụ năm 2014. Nguồn: mof.gov.vn
Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác tài chính - NSNN năm 2013 và triển khai nhiệm vụ năm 2014. Nguồn: mof.gov.vn
Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Văn Sửu bày tỏ đồng tình với kết quả đạt được trong công tác tài chính - NSNN năm 2013 và định hướng triển khai nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2014.

Phó Chủ tịch đã điểm lại kết quả đạt được trong thực hiện nhiệm vụ tài chính - NSNN của Thành phố: Tổng thu NSNN trên địa bàn TP. Hà Nội sau 6 tháng là 62.919 tỷ đồng mới chỉ đạt 39% dự toán, 9 tháng đầu năm là 87.382 tỷ đồng dừng ở mức 54,1% dự toán. Đứng trước tình hình khó khăn, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND Thành phố Hà Nội đã kịp thời thành lập Ban Chỉ đạo điều hành ngân sách, Ban Chỉ đạo chống thất thu ngân sách và thu hồi nợ đọng, cùng với sự chỉ đạo, giúp đỡ tích cực của Chính phủ và Bộ Tài chính, kết thúc năm 2013, thu NSNN năm 2013 đạt 162.035 tỷ đồng bằng 100,3% dự toán. Hà Nội đã thực hiện các giải pháp huy động nguồn lực của địa phương, cùng với việc giãn, hoãn các nhiệm vụ chi chưa cần thiết, triệt để tiết kiệm chi, phát hành trái phiếu xây dựng Thủ đô, thông qua đó đảm bảo giữ vững được cân đối thu chi ngân sách.  

Để phát huy những kết quả đã đạt được năm 2013, phấn đấu hoàn thành thắng lợi kế hoạch năm 2014, UBND TP. Hà Nội đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương một số nội dung về xem xét, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 121/2010/NĐ-CP ngày 30/12/2010 của Chính phủ; Hướng dẫn các nội dung liên quan đến cơ chế thực hiện dự án BOT, BTO, BT; Tăng xã hội hóa đầu tư trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ đô thị (thu gom xử lý rác thải, duy trì cây xanh, vận chuyển hành khách bằng xe buýt, các dự án cấp nước…) nhằm giảm áp lực đầu tư từ ngân sách; Sắp xếp tài sản công là nhà đất theo Quyết định 09 của Thủ tướng Chính phủ cần gắn với quy hoạch chung Thủ đô theo đúng chủ trương của Quốc hội quy định cụ thể trong Luật Thủ đô.

Phát biểu tại đầu cầu TP. Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Hồng cho biết, xác định năm 2013 là năm bản lề để tạo động lực phát triển cho năm 2014, mặc dù trong bối cảnh khó khăn, các cấp Đảng ủy, chính quyền thành phố đã nghiêm túc thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ, cụ thể hóa bằng các kế hoạch, giải pháp hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ tài chính - NSNN trên địa bàn. Với tổng thu NSNN của thành phố năm 2013 đạt 237.319 nghìn tỷ đồng, tăng 1% so với dự toán, thành phố đã hoàn thành nhiệm vụ mà Chính phủ và Bộ Tài chính giao phó. Các nhiệm vụ chi NSNN cũng được thành phố hết sức chú trọng.

Trước dự báo còn nhiều khó khăn phải đối diện trong năm 2014, thành phố đề ra một số nhóm giải pháp để triển khai đồng bộ và quyết liệt, đó là: Tiếp tục rà soát, bổ sung, đẩy mạnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) thông qua các hình thức như tăng cường đối thoại với DN, nâng cao chất lượng thông tin cung cấp cho DN trên Cổng thông tin thương mại, triển khai chương trình kết nối ngân hàng - DN…; Rà soát, sắp xếp tài sản, nhà đất trên địa bàn thành phố; Tập trung rà soát cơ chế chính sách tạo chính sách thông thoáng thu hút đầu tư; Chú trọng xã hội hóa đầu tư…

Lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh đã nêu ra một số đề xuất, kiến nghị của thành phố như đã trao đổi với Bộ Tài chính tại buổi làm việc giữa lãnh đạo UBND TP. Hồ Chính Minh và Bộ Tài chính ngày 14/12/2014 về một số nội dung như: một số vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến công tác quản lý tài chính - ngân sách; cơ chế đặc thù đối với TP. Hồ Chí Minh; về công tác quản lý đối với hoạt động của ngành Thuế và Hải quan trên địa bàn thành phố; kiến nghị trong công tác chi ngân sách…

Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Văn Hữu Chiến nhất trí với định hướng điều hành nhiệm vụ tài chính - NSNN được nêu trong báo cáo tại Hội nghị và nêu rõ 5 giải pháp đã được thành phố triển khai thực hiện nhằm hoàn thành nhiệm vụ tài chính - NSNN của địa phương.

Lãnh đạo UBND TP. Đà Nẵng cũng đưa ra một số đề xuất, kiến nghị tập trung vào các nội dung về bố trí vốn cho một số công trình, dự án trọng điểm của thành phố; Hỗ trợ kinh phí khắc phục thiệt hại do bão lũ; Hoàn trả các khoản vốn NSNN chưa giải ngân; xử lý vốn ứng trước cho các dự án; Hỗ trợ vốn cho Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa; và một số kiến nghị khác đã được TP. Đà Nẵng bàn thảo, trao đổi tại buổi làm việc giữa thành phố và Bộ Tài chính ngày 4/12/2013 tại TP. Đà Nẵng.

Chủ tịch UBND tỉnh này cũng đề cập một nội dung quan trọng được tập trung thảo luận tại buổi làm việc là Bộ Tài chính và TP. Đà Nẵng sẽ phối hợp xây dựng một số cơ chế tài chính đặc thù cho Đà Nẵng theo tinh thần của Kết luận 75/KL-TW của Bộ Chính trị. Đây là kết luận của Bộ Chính trị sau 10 năm thành phố này thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW (16/10/2003) của Bộ Chính trị khóa IX “Về xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thành nêu rõ, là một tỉnh đặc thù phát triển ngành công nghiệp – ngành than, trong năm 2013, đã đối diện nhiều khó khăc thách thức, tỉnh đã quyết liệt đề ra 9 nhiệm vụ trọng tâm để hoàn thành nhiệm vụ tài chính - NSNN. Phó Chủ tịch cho rằng, 9 nhiệm vụ này không chỉ là trách nhiệm của địa phương mà còn là trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, trước Bộ Tài chính. Năm 2013, tỉnh Quảng Ninh xác định không chỉ chèo chống vượt qua khó khăn trước mắt mà còn chuẩn bị tiền đề cho những năm tiếp theo.

Thực hiện nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2014, tỉnh Quảng Ninh không chỉ xác định chỉ hoàn thiện kế hoạch thu chi mà phải vượt thu để đảm bảo các nhiệm vụ chi. Tỉnh cũng đề xuất một số ý kiến về huy động nguồn lực (cơ chế chính sách thu hút đầu tư theo hình thức BT, BOT). Tỉnh Quảng Ninh tin tưởng, năm 2014 sẽ là cơ hội mới, vận hội mới để phát triển hơn nữa.

Theo Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Sự, tỉnh Thanh Hóa hoàn toàn đồng thuận với định hướng điều hành nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2014 trong báo cáo tại hội nghị. Phó Chủ tịch nêu rõ, trong bối cảnh khó khăn kinh tế - xã hội nói chung và tài chính - NSNN nói riêng trong năm 2013, tỉnh Thanh Hóa đã đề ra một số giải pháp trọng tâm quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ như: Chỉ đạp quyết liệt công tác thu nợ, đặc biệt từ sử dụng đát; Tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN trên địa bàn; Tăng cường thu hút đầu tư FDI; tăng cường các biện pháp hỗ trợ thị trường, kích cầu nội địa. Tỉnh Thanh Hóa cũng thực hiện các nhiệm vụ chi chặt chẽ.

Lãnh đạo tỉnh này cũng chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách, đặc biệt là chính sách hỗ trợ cho các hộ nghèo, hỗ trợ đất lúa…. Và nhấn mạnh tính cấp thiết của việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án đổi mới cơ chế quản lý đối với các đơn vị sự nghiệp công để nhanh chóng xã hội hóa, thu hút các thành phần kinh tế tham gia vào lĩnh vực y tế, giáo dục…

Đồng tình với đánh giá của Bộ Tài chính về kết quả đạt được trong thực hiện nhiệm vụ tài chính- NSNN năm 2013 của toàn ngành và định hướng năm 2014, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Yên nêu ra một số khó khăn tác động đến số thu NSNN trên địa bàn tỉnh với số thu NSNN đạt 97% và chi đạt 93%. Tuy nhiên, Bộ Tài chính đã có văn bản chỉ đạo sát sao theo từng tháng đã giúp tháo gỡ khó khăn cho công tác quản lý thu chi. Một số nhiệm vụ bình ổn giá, quản lý tài chính công…cũng đạt được kết quả đáng khích lệ. Con số DN giải thể trên địa bàn tỉnh là 427 DN trong năm 2012 thì năm 2013 chỉ còn là 360 DN.

Lãnh đạo tỉnh này cũng đề xuất xem xét xây dựng, ban hành một số cơ chế chính sách nhằm siết chặt hoạt động kinh doanh để ngăn chặn tình trạng các DN hoạt động không hợp pháp; Nghiên cứu ban hành, bổ sung, sửa đổi Nghị định 21/NĐ-CP về in ấn hóa đơn nhằm siết chặt việc in ấn trái phép của DN; Tăng cường chính sách chống thất thu thuế.

Qua các ý kiến phát biểu của Lãnh đạo các tỉnh, thành phố tham dự Hội nghị thể hiện sự đồng thuận và nhất trí với kế hoạch triển khai nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2014 của Bộ Tài chính. Với sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ, sự đồng thuận từ các địa phương và sự quyết tâm của ngành Tài chính, nhất định ngành Tài chính sẽ hoàn thành nhiệm vụ chính trị trong năm 2014.