Doanh nghiệp cần sẵn sàng cho việc tự chứng nhận xuất xứ

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) Chương trình tự chứng nhận xuất xứ (CNXX) góp phần làm giảm đáng kể các thủ tục hành chính hiện đang được áp dụng đối với quá trình xin cấp C/O.

Doanh nghiệp cần sẵn sàng cho việc tự chứng nhận xuất xứ
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Ngày 16/4 tại TP.Hồ Chí Minh, Tổng cục Hải quan phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Hội thảo “Cơ chế Tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong các Hiệp định Thương mại tự do”, thu hút hơn 100 đại biểu là đại diện của khu vực tư nhân, các hiệp hội doanh nghiệp và các đơn vị hải quan đến từ các tỉnh, thành khu vực phía nam.

Ông Âu Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý - Tổng cục Hải quan cho biết, trong tất cả các Hiệp định Thương mại tự do, thì quy tắc xuất xứ được coi là 1 thỏa thuận và giữ một vai trò quan trọng. Trong quá trình đàm phán tham gia các FTA, các nước thành viên luôn coi việc tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa là một trong các mục tiêu nhằm hướng đến để tạo thuận lợi hơn nữa cho các hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu hàng hóa; cắt giảm thủ tục hành chính, tiết kiệm chi phí và nhân lực cho cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp.

Theo kinh nghiệm từ chuyên gia của USAID, Việt Nam cần có sự chuẩn bị kỹ càng để xây dựng các quy định trong nước về cơ chế này để Việt Nam có thể tuân thủ cam kết quốc tế cũng như đảm bảo triển khai hiệu quả, tạo thuận lợi thương mại.

Các chuyên gia cho rằng, khi cơ chế tự CNXX có hiệu lực, trong khi chế tài chưa đủ mạnh sẽ là nguyên nhân để nhiều nhà xuất khẩu lợi dụng xuất khẩu hàng không có xuất xứ Việt Nam. Ví dụ Điều 63 của Nghị định 185 xử phạt hành vi vi phạm về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu chỉ từ vài triệu đến 20 triệu đồng là còn nương nhẹ.

Điều đó có thể dẫn đến nhiều nước khởi kiện chống bán phá giá, áp đặt hàng rào kỹ thuật lên sản phẩm của Việt Nam, đồng thời làm giảm uy tín của DN, ngành hàng và đặc biệt là uy tín của Việt Nam.

Để đảm bảo triển khai hiệu quả, tạo thuận lợi thương mại cho các DN trong nước khi cơ chế tự CNXX đi vào hoạt động, các chuyên gia ngành Hải quan cho rằng, DN cần chuẩn bị nhân sự đủ năng lực, trình độ hiểu biết để áp dụng đúng việc tự CNXX, tránh áp dụng sai dễ dẫn đến hậu quả lớn cho DN, cho ngành hàng xuất khẩu và uy tín đất nước.

Đối với các cơ quan quản lý, cần xây dựng các chế tài xử phạt rõ ràng, cụ thể, đủ mạnh, đủ sức răn đe các DN vi phạm. Tăng cường công tác hậu kiểm các DN đủ điều kiện tự CNXX. Cùng với đó, tuyên truyền, đào tạo doanh nghiệp, hiệp hội, các cơ quan liên quan hiểu rõ những lợi ích có thể đem lại cùng với những rủi ro có thể xảy ra khi áp dụng cơ chế này.

Bên cạnh đó, không xem xét cấp phép cho các DN sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng nhạy cảm mà các nước đưa ra các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp, và ngay cả các hàng hóa đang bị điều tra và có nguy cơ bị điều tra.

Cơ chế kiểm tra và xác định xuất xứ truyền thống quy định cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp C/O dựa trên hồ sơ xin cấp của người xuất khẩu và qua kiểm tra từng chuyến hàng trước khi xuất khẩu. Cơ quan hải quan nước nhập khẩu xem xét cho hàng hóa hưởng ưu đãi trên cơ sở kiểm tra tính xác thực của C/O và các quy định về thủ tục hải quan liên quan khác.

Cơ chế tự chứng nhận xuất xứ cho phép, trong điều kiện cụ thể, những nhà xuất khẩu hay nhà sản xuất có thể tự khai báo xuất xứ hàng hóa trên hóa đơn thương mại hoặc chứng từ khác. Cơ quan hải quan nước nhập khẩu kiểm tra nội dung khai báo của doanh nghiệp và hồ sơ lô hàng (không có C/O) để xem xét cho hàng hóa hưởng ưu đãi.