Doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá cao cải cách thủ tục hải quan

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

(Tài chính) Đây là ghi nhận tại cuộc tọa đàm giữa Hải quan Việt Nam và Hiệp hội doanh nghiệp (DN) Nhật Bản lần 2 diễn ra chiều ngày 17/12/2013, tại Hà Nội. Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã chủ trì và có những trao đổi cởi mở với cộng đồng DN Nhật Bản.

Cải cách thủ tục hải quan được cộng đồng DN Nhật Bản ghi nhận. Nguồn: thoibaotaichinhvietnam.vn
Cải cách thủ tục hải quan được cộng đồng DN Nhật Bản ghi nhận. Nguồn: thoibaotaichinhvietnam.vn

Những bước cải cách

Theo Tổng cục Hải quan, kể từ cuộc đối thoại với DN Nhật Bản vào tháng 10/2012 đến nay, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách thuế, thủ tục hải quan theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí cho người dân và DN.

Luật Quản lý thuế sửa đổi bổi sung, có hiệu lực từ ngày 1/7/2013 có 2 nội dung đơn giản hóa thủ tục hành chính, mang lại lợi ích thiết thực đối với DN:

Điều 1 Luật Quản lý thuế bỏ “chứng từ nộp thuế” trong hồ sơ hoàn thuế, quy định DN chỉ phải nộp một bộ hồ sơ hoàn thuế cho cơ quan thuế.

Điều 60 của luật rút ngắn thời hạn giải quyết đối với trường hợp “kiểm tra trước hoàn thuế sau” từ 60 ngày xuống còn 40 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ và trường hợp “hoàn thuế trước, kiểm tra sau” từ 15 ngày xuống còn 6 ngày làm việc.

Tại cuộc tọa đàm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường đã giới thiệu tới cộng đồng DN Nhật Bản hệ thống văn bản, chính sách mới thuộc lĩnh vực hải quan. Trong đó, nhấn mạnh đến các quy định xác định trước mã số, trị giá hàng hóa và quyền được hướng dẫn thủ tục hải quan của người khai hải quan.

Theo hướng dẫn của Luật Quản lý thuế và Thông tư 128/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính, trước khi làm thủ tục xuất nhập khẩu (XNK), DN có thể cung cấp thông tin, chứng từ liên quan đến loại hàng hóa dự kiến XNK và đề nghị cơ quan hải quan xác định trước mã số, xuất xứ và giá hàng hóa trong thời hạn ít nhất 90 ngày trước khi XNK lô hàng.

Quy định này nhằm giúp DN chủ động tính toán trước hiệu quả kinh doanh, giảm chi phí tuân thủ; giúp cơ quan hải quan tăng hiệu quả quản lý khi thực hiện thủ tục thông quan cho hàng XNK...

Trên thực tế, việc không thống nhất về xác định mã số hàng hóa để tính thuế đã xảy ra không ít bất đồng giữa cơ quan hải quan và DN (cùng một loại mặt hàng lại có hai mức áp thuế khác nhau…). Quy định xác định trước mã số, xuất xứ và trị giá hải quan đối với hàng hóa XNK sẽ hạn chế bất cập này.

Quy định này phù hợp với chuẩn mực quốc tế về tạo thuận lợi thương mại, hạn chế các trường hợp tranh chấp giữa DN và cơ quan hải quan về việc áp mã, xác định giá tính thuế, xuất xứ hàng hóa khi làm thủ tục thông quan.

Thành lập nhóm giải quyết nhanh vướng mắc

Tại cuộc tọa đàm, ông Masami Isobe- đại diện Hiệp hội DN Nhật Bản đánh giá cao sự tích cực hợp tác của Bộ Tài chính, ngành Hải quan luôn quan tâm tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng DN, trong đó có DN Nhật Bản. DN Nhật Bản luôn có ý thức chấp hành pháp luật Việt Nam và mong muốn tiếp tục mở rộng kinh doanh tại Việt Nam.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Ngọc Túc, Hải quan Việt Nam đang triển khai hệ thống thông quan hàng hóa tự động (VNACCS/VCIS) từ nguồn hỗ trợ chính thức của Chính phủ Nhật Bản và hiện đạng chạy thử nghiệm trên toàn quốc (sẽ vận hành chính thức vào tháng 4/2014).

Tuy nhiên, ông Isobe cho rằng, thủ tục thuế, hải quan cần được cải cách thống nhất và đơn giản hơn. Đôi khi, một số thủ tục có các cách hiểu và giải thích khác nhau. Đây là những khó khăn, trở ngại khi đầu tư vào Việt Nam.

Hiện nay, có khoảng hơn 1.000 DN, tổ chức kinh tế Nhật Bản hoạt động tại Việt Nam; có vai trò quan trọng thúc đẩy hoạt động XNK tại Việt Nam, đóng góp thu ngân sách nhà nước; tạo nhiều việc làm, ổn định cho hàng chục nghìn người lao động Việt Nam. 

Cũng tại cuộc tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cam kết cải cách hơn nữa trong chính sách thuế và thủ tục hải quan. 

Nhằm tháo gỡ vướng mắc của các DN Nhật Bản, Bộ Tài chính sẽ chỉ đạo Tổng cục Hải quan thành lập nhóm công tác xử lý thông tin và giải quyết nhanh những phát sinh, chưa đồng nhất giữa cơ quan hải quan và DN; trong đó có việc thực hiện quy định xác định trước mã số, trị giá hàng hóa...