Doanh nghiệp ưu tiên được hưởng nhiều lợi ích thiết thực

Theo Tạp chí Thuế

Để đánh giá thực tế vận hành chương trình thí điểm doanh nghiệp (DN) ưu tiên (AEO) theo Thông tư 63/2011/TT-BTC ngày 13/5/2011 của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan vừa tổ chức khảo sát tại 2 Chi cục Hải quan và 4 DN chế xuất; đồng thời đề nghị 12 DN AEO, 8 Cục Hải quan tỉnh, thành phố nơi có DN AEO và các cơ quan liên quan như thuế, quản lý thị trường... cùng đánh giá. Qua phản ánh của các đơn vị có liên quan, việc thực hiện cơ chế này bước đầu đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho các DN tham gia.

 Doanh nghiệp ưu tiên được hưởng nhiều lợi ích thiết thực
Lễ ký biên bản ghi nhớ công bố quyết định công nhận doanh nghiệp được ưu tiên
Đánh giá của Cục Hải quan các tỉnh, thành phố nơi làm thủ tục hải quan cho các DN AEO cho thấy, tất cả các đơn vị tham gia đều được miễn kiểm tra hồ sơ, hàng hoá; được hoàn thuế trước, kiểm tra hồ sơ sau; được ưu tiên giải quyết nhanh các vướng mắc, không bị kiểm tra sau thông quan tại trụ sở DN theo hạn định
 
Báo cáo từ 12 DN được công nhận AEO cũng cho thấy những lợi ích rõ rệt, theo đó các DN thuộc diện này đã giảm thời gian thông quan hàng hoá từ 2 giờ xuống còn khoảng 10 phút. Cùng với việc rút ngắn thời gian, chi phí thực tế phát sinh của DN cũng giảm đi đáng kể:

Cụ thể: Công ty Canon tiết kiệm được 213 USD/tháng, tương đương 2556 USD/năm; Công ty Sumidenso giảm 1.850 USD/tháng, tương đương 22.200 USD/năm. Công ty Brother tiết giảm chi phí nhân sự khoảng 700 USD/tháng, chi phí tài chính giảm 2.500 USD/tháng, các chi phí khác như lưu container, soi container giảm 5.000 USD/tháng, tương đương tổng chi phí của cả năm giảm 98.400 USD. Công ty Vietsovpetro, tính riêng đối với các lô hàng về bằng đường hàng không thì chi phí lưu kho giảm hàng trăm triệu đồng mỗi tháng.

Ngoài ra, DN AEO còn được hưởng nhiều lợi ích khác, như được nộp tờ khai 24h/7 ngày, quan trọng hơn là DN tự khẳng định được thương hiệu và uy tín trên thương trường.
 
Bên cạnh những lợi ích mang lại cho DN cũng như cơ quan Hải quan, trong quá trình thực hiện chương trình AEO vừa qua cũng bộc lộ một số bất cập. Việc quản lý, hỗ trợ cho DN AEO mới chỉ được triển khai tương đối rõ nét tại cấp Tổng cục Hải quan, còn ở một số Chi cục Hải quan việc triển khai chưa đồng bộ. Cán bộ chuyên quản của cơ quan Hải quan cũng chưa nắm sát tình hình hoạt động của DN, ngược lại đầu mối phía DN cũng chưa sẵn sàng chia sẻ thông tin bất thường cho cơ quan Hải quan.

Một bất cập khác, đó là lỗi các chương trình ứng dụng công nghệ thông tin của cơ quan Hải quan. Thông tư 63 quy định DN được miễn hồ sơ giấy nhưng thực tế khi làm thủ tục thông quan, DN vẫn phải xuất trình danh mục miễn thuế. Nguyên nhân là do phần mềm khai điện tử chưa triển khai được chức năng trừ lùi danh mục miễn thuế. Ngoài ra, một số DN vẫn chưa hiểu, chưa nắm chắc về chương trình AEO, chưa quán triệt đến từng cán bộ, nhân viên trong công ty, do vậy, tính tuân thủ trong thực tế hoạt động xuất nhập khẩu vẫn chưa được cải thiện rõ rệt. Các sai phạm về thủ tục vẫn còn xảy ra. 
 
Tổng cục Hải quan cho biết, ngay sau khi nhận được phản ánh của các đơn vị thuộc diện ưu tiên về lỗi phần mềm, cơ quan Hải quan đã cử các chuyên gia đến khắc phục và đến nay cơ bản đã xử lý xong. Để tạo thuận lợi cho các DN ưu tiên, Tổng cục Hải quan đang nghiên cứu xây dựng quy trình thẩm định mã hàng hoá hồ sơ theo hướng, chỉ thực hiện thẩm định về mã hồ sơ hàng hoá thuộc loại hình xuất khẩu, nhập khẩu chịu thuế, không thẩm định mã hồ sơ hàng hoá thuộc loại hình xuất, nhập khẩu vào khu chế xuất; trường hợp mã hồ sơ đã được cơ quan Hải quan thẩm định trước, nếu sau này phát hiện không đúng, làm tăng hoặc giảm số thuế phải nộp thì thực hiện điều chỉnh tăng hoặc giảm thuế đối với các lô hàng nhập khẩu trước đó.

Để phát triển được AEO trong thời gian tới, Tổng cục Hải quan sẽ nghiên cứu hình thành bộ phận chuyên trách về lĩnh vực này, đồng thời sẽ tăng cường công tác phổ biến chủ trương phát triển DN ưu tiên, những lợi ích mà chế độ ưu tiên mang lại để thu hút sự quan tâm của DN .