Đơn giản, đồng bộ chính sách, tạo thuận lợi cho người nộp thuế

Theo thoibaitaichinhvietnam.vn

Cùng với việc triển khai nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước (NSNN), công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) được cơ quan thuế các cấp đặc biệt quan tâm. Trong đó, Tổng cục Thuế đã kịp thời xây dựng các kế hoạch hành động và tổ chức thực hiện đúng với tinh thần các Nghị quyết của Chính phủ.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Xây dựng kế hoạch cụ thể

Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã xây dựng 3 kế hoạch hành động để triển khai Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 và Nghị quyết số 36a của Chính phủ.

Các kế hoạch hành động nêu trên là một hệ thống các nhóm công việc và giải pháp (37 nhóm giải pháp với 90 đầu việc cụ thể) được triển khai đồng bộ từ Tổng cục Thuế đến cơ quan thuế các cấp. Kết quả thực hiện các kế hoạch hành động được xem là thước đo để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, bình xét thi đua khen thưởng năm 2016 đối với các tập thể, cá nhân.

Tính đến nay, bước đầu cho thấy các nhiệm vụ, giải pháp của các kế hoạch hành động đã được triển khai theo đúng tiến độ và lộ trình đề ra. Hầu hết các đơn vị trong toàn ngành Thuế đã đồng loạt hưởng ứng, kịp thời cụ thể hóa thành các công việc, nhiệm vụ và giao trực tiếp cho từng bộ phận, cán bộ triển khai thực hiện.

Cùng với việc triển khai các nội dung của kế hoạch hành động, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế còn ban hành Chỉ thị số 01/CT-TCT chỉ đạo cơ quan thuế các cấp tăng cường kỷ cương kỷ luật, chấn chỉnh lề lối làm việc, thái độ, tác phong ứng xử của cán bộ thuế với người nộp thuế (NNT) và đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm chi phí tuân thủ cho NNT, tạo ra đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn bộ hệ thống, nhờ đó tạo bước chuyển biến căn bản trong chấp hành chế độ công vụ và phục vụ NNT của công chức thuế.

“Chúng ta cần xác định rõ cải cách TTHC là một trong những nhiệm vụ quan trọng của cơ quan thuế các cấp, đảm bảo nguyên tắc kết hợp hài hòa giữa đổi mới, cải cách TTHC với hiệu quả, hiệu lực trong quản lý thuế”, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam đã quán triệt trong toàn ngành Thuế.

Định hướng rõ ràng

Sau nhiều cuộc họp bàn, đánh giá kết quả đạt được cũng như những tồn tại, thực hiện theo đúng chỉ đạo của cấp trên, Tổng cục Thuế đã đưa ra mục tiêu, định hướng rõ ràng trong xây dựng chính sách thuế, quản lý thuế giai đoạn 2016 - 2020.

Về chính sách thuế, ngành Thuế sẽ tiếp tục sửa đổi, bổ sung và tái cơ cấu hệ thống chính sách thuế theo hướng đơn giản, đồng bộ, thống nhất, công bằng, hiệu quả, chủ động hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế; thực hiện mức động viên hợp lý từ thuế, phí và lệ phí vào ngân sách nhà nước, mở rộng cơ sở thuế để phát triển nguồn thu, bao quát các nguồn thu mới phát sinh và cơ cấu lại theo hướng tăng tỷ trọng thu nội địa (không kể thu từ dầu thô) trong tổng thu NSNN.

Định hướng chủ yếu được đưa ra là: Cơ cấu lại theo hướng tăng nguồn thu nội địa (không kể thu từ dầu thô) đến năm 2020 đạt trên 80% tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN); tỷ lệ huy động thu NSNN giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 20 - 21% GDP; tỷ lệ động viên từ thuế, phí và lệ phí khoảng 19 - 20% GDP; tốc độ tăng trưởng số thu thuế, phí và lệ phí bình quân hàng năm từ 16-18%/năm.

Về quản lý thuế, sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế quản lý thuế nhằm thực hiện đơn giải hoá TTHC, tạo thuận lợi cho người nộp thuế tuân thủ pháp luật thuế, giảm chi phí tuân thủ cho người nộp thuế, phấn đấu đến năm 2020 Việt Nam là 1 trong 4 nước đứng đầu khu vực Đông Nam Á được xếp hạng có mức độ thuận lợi về thuế. Tái thiết kế quy trình nghiệp vụ quản lý thuế trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin đảm bảo thống nhất, có tính liên kết cao.

Bên cạnh đó, áp dụng các hình thức tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế phù hợp với từng nhóm NNT. Xây dựng, triển khai đa dạng các dịch vụ hỗ trợ người nộp thuế thực hiện TTHC thuế, trong đó chú trọng cung cấp các dịch vụ thuế điện tử cho NNT.

Xây dựng và áp dụng phương pháp quản lý rủi ro đối với các nghiệp vụ quản lý thuế, gồm: Đăng ký thuế; khai thuế; nộp thuế; nợ thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế; hoàn thuế; kiểm tra; thanh tra thuế; tạo, in, phát hành, quản lý và sử dụng ấn chỉ thuế và các nghiệp vụ quản lý thuế khác trong quá trình thực hiện các hoạt động nghiệp vụ.

Xây dựng cơ sở dữ liệu NNT đầy đủ, chính xác, tập trung thống nhất trên phạm vi cả nước; phát triển ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ các hoạt động quản lý thuế đảm bảo tính liên kết, tự động hóa cao, gắn chặt với quá trình cải cách TTHC thuế và áp dụng thuế điện tử…/.

Trong 6 tháng đầu năm 2016, Tổng cục Thuế đã trình Bộ Tài chính bãi bỏ 32 TTHC và đơn giản hóa 40 TTHC; 51/70 quy trình, quy chế về thuế đã được sửa đổi, bổ sung. Toàn ngành Thuế đã triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử tại 63/63 tỉnh, thành phố. Số lượng doanh nghiệp thực tế sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử đạt trên 80%, với số tiền nộp vào ngân sách trên 208 nghìn tỷ đồng.