Dồn lực nâng quy mô dự trữ quốc gia lên 1,5% GDP vào năm 2020

PV.

Quy mô dự trữ quốc gia (DTQG) đang ngày càng có xu hướng giảm, dự kiến đến cuối năm 2015, tổng mức DTQG chỉ chiếm khoảng 0,21 % GDP. Như vậy, so với mục tiêu Chiến lược phát triển DTQG đến năm 2020, tổng mức DTQG đạt được còn rất thấp.

Quy mô dự trữ quốc gia đang ngày càng giảm

Trong sự thống nhất cùng Chiến lược phát triển Tài chính Việt Nam, ngày 28/12/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2091/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển dự trữ quốc gia đến năm 2020. Theo chiến lược, tiềm lực dự trữ quốc gia sẽ được tăng cường, đảm bảo đến năm 2015, tổng mức dự trữ quốc gia đạt khoảng 0,8-1% GDP và đến năm 2020 đạt khoảng 1,5% GDP. Đồng thời, để đáp ứng nhu cầu trong tình hình mới, trên cơ sở các danh mục mặt hàng đã được quy định, tiếp tục rà soát, sắp xếp, hoàn thiện về cơ cấu danh mục hàng DTQG theo hướng tập trung vào những mặt hàng chiến lược, thiết yếu, quan trọng, không dàn trải; tập trung nguồn lực ngân sách mua tăng các danh mục để đáp ứng mục tiêu của DTQG.

Tuy nhiên, quy mô DTQG đang ngày càng có xu hướng giảm, dự kiến đến cuối năm 2015, tổng mức DTQG chỉ chiếm khoảng 0,21 % GDP, mức rất thấp so với mục tiêu Chiến lược phát triển DTQG đã đề ra: Đến năm 2015 tổng mức GDP đạt 0,8-1% GDP và đến năm 2020 đạt khoảng 1,5% GDP. Với tổng mức DTQG trên, thì việc chủ động đáp ứng yêu cầu đột xuất cấp bách về khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, đảm bảo an ninh, quốc phòng còn hạn chế, nhất là khi thiên tai, dịch bệnh diễn ra trên diện rộng và tình hình an ninh quốc phòng ngày càng có nhiều diễn biến phức tạp.

Đề xuất, kiến nghị

Để bảo đảm sử dụng, phát huy có hiệu quả nguồn lực DTQG trong việc đáp ứng mục tiêu của DTQG và tham gia vào các chương trình mục tiêu; chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) đề xuất các bộ, ngành trong thời gian tới cần triển khai một số định hướng sau:

Một là, tăng cường chỉ đạo các cơ quan, đơn vị được giao quản lý, bảo quản hàng DTQG phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền địa phương để kịp thời rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép xuất cấp hàng DTQG và khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện công tác xuất hàng DTQG hỗ trợ các địa phương trong các tình huống bị ảnh hưởng của thiên tai, bão lụt, hạn hán, mất mùa, khống chế dịch bệnh; hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số tham gia nhận khoán, khoanh nuôi bảo vệ và phát triển rừng; hỗ trợ cho học sinh các địa phương vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn; trên cơ sở bảo đảm đúng pháp luật, tiết kiệm, hiệu quả, đúng đối tượng, đúng mục đích.

Hai là, tăng cường bố trí nguồn lực cho DTQG, đảm bảo đủ số lượng, bố trí trên các địa bàn chiến lược, các khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai, dịch bệnh để sẵn sàng, chủ động đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Ba là, tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về DTQG, trong đó chú trọng nâng cao nhận thức của các cấp các ngành đối với công tác DTQG, đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong lĩnh vực DTQG. Tại các bộ, ngành, địa phương còn có nhận thức về dự trữ chưa đúng, có quan điểm cho rằng trong nền kinh tế thị trường không nhất thiết phải dự trữ hàng hóa mà chỉ dự phòng bằng tiền là mua được hàng hóa. Tuy nhiên, thực tiễn đã chứng minh: Khi có biến động thì không mua được hàng để cứu trợ. Đây là vấn đề cần phải được quan tâm lãnh đạo của các cấp, các ngành.

Từ những đề xuất trên, Tổng cục DTNN cũng đề ra một số khuyến nghị sau:

Đối với nhà nước, Chính phủ:

Trong thời gian tới đề nghị nhà nước, Chính phủ quan tâm bố trí tăng cường lực lượng cho DTQG, nhất là các mặt hàng phục vụ nhiệm vụ phòng chống khắc phục hậu quả thiên tai, hàng an ninh, quốc phòng, bảo vệ biên giới, biển đảo để sẵn sàng, chủ động đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

Đối với các cơ quan quản lý nhà nước (Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành có liên quan):

Không ngừng rà soát, xây dựng cơ chế, chính sách về DTQG để bảo đảm tính pháp lý đồng bộ, kịp thời tham mưu cho các cấp có thẩm quyền lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị kịp thời triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Ngoài việc triển khai, chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt các mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội, cần thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để tiếp cận các chính sách mới, các chương trình mục tiêu để kịp thời tham mưu trình Chính phủ sử dụng nguồn lực DTQG ngày càng hiệu quả hơn.

Đối với các bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia:

Đề nghị phối hợp với địa phương thẩm tra chính xác nhu cầu hàng DTQG cần hỗ trợ, trình Thủ tướng Chính phủ xuất cấp, đảm bảo việc sử dụng hàng DTQG đúng mục đích và hiệu quả. Quy trình xuất DTQG mất nhiều thời gian do qua nhiều khâu thủ tục hành chính nên cần khẩn trương đảm bảo được tính kịp thời, tính khẩn cấp của công tác DTQG, nhằm khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh.

Đồng thời, thường xuyên kiểm tra công tác xuất cấp, giao nhận hàng DTQG nhằm đảm bảo hàng DTQG được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, chất lượng.

Ngoài ra, thực hiện chế độ báo cáo tình hình quản lý, phân phối, sử dụng hàng DTQG theo vụ việc và định kỳ hàng năm theo đúng quy định tại Thông tư số 211/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính. Qua đó, giúp cho các cấp có thẩm quyền có cơ sở theo dõi, đánh giá tình hình thực hiện và đánh hiệu quả của DTQG.

Đối với các địa phương:

Đề nghị các địa phương phối hợp với các bộ, ngành để hoàn thiện nhanh chóng thủ tục về quyết định phân phối và công văn ủy quyền đơn vị tiếp nhận hàng, rút ngắn thời gian giao hàng nhằm tăng cường hiệu quả hỗ trợ khôi phục sản xuất của hàng DTQG, đảm bảo đúng thời gian giao nhận, phân phối, sử dụng quy định tại Thông tư số 211/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013.

Bên cạnh đó, thực hiện chế độ báo cáo tình hình quản lý, phân phối, sử dụng hàng DTQG theo vụ việc và định kỳ hàng năm. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, rà soát các đối tượng chính sách trước khi trình Thủ tướng Chính phủ cấp hỗ trợ; tránh trường hợp khi được Thủ tướng Chính phủ cấp sử dụng không hết, khi được cấp mới rà soát, phân bổ (phân bổ ngược) hoặc sử dụng không đúng mục đích, ảnh hưởng đến thời gian phân bổ, ý nghĩa của việc xuất cấp của Chính phủ cho nhân dân.

Đặc biệt, chỉ đạo chính quyền các cấp, nhất là cấp thôn, xã chủ động trong công tác kiểm tra đời sống dân cư trong nông thôn, nhất là đối với các đối tượng chính sách, nghèo và thiệt hại nặng nề do thiên tai, dịch bệnh để có hỗ trợ kịp thời, tránh việc bỏ sót do thiếu trách nhiệm.

Đối với các đơn vị xuất hàng dự trữ quốc gia:

Phát huy sức mạnh đoàn kết tập thể, tăng cường phối hợp với các cấp chính quyền địa phương để thực hiện tốt nhiệm vụ xuất cấp hàng DTQG cho các địa phương theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; tăng cường công tác kiểm tra giám sát việc phân phối sử dụng hàng DTQG để hỗ trợ cho nhân dân bảo đảm hiệu quả, đúng đối tượng.

Thường xuyên tổng kết, đánh giá hiệu quả đối việc xuất cấp hàng DTQG; trên cơ sở nghiên cứu kỹ cơ chế chính sách hiện hành và kinh nghiệm thực tế của các đơn vị đã triển khai, khẩn trương tiếp cận và phối hợp chặt chẽ cùng các cấp chính quyền địa phương trên địa bàn nắm bắt nhu cầu, các chương trình mục tiêu để xây dựng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định Nhà nước hiện hành.

Ngoài ra, nghiên cứu, đề xuất với các cấp chính quyền địa phương trên địa bàn phụ trách để đưa một số mặt hàng DTQG cần thiết đáp ứng yêu cầu DTQG, nhất là công tác bảo vệ biển đảo, góp phần phát triển kinh tế và bảo vệ an ninh tổ quốc.