Đồng bộ các giải pháp tạo thuận lợi thương mại, chống thất thu ngân sách

Minh Đức

​“Đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tạo thuận lợi thương mại, chống thất thu trong triển khai nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2019” là thông điệp được Tổng cục Hải quan chỉ đạo thực hiện tại Chỉ thị 723/CT-TCHQ.

Năm 2019, Tổng cục Hải quan được Bộ Tài chính giao dự toán thu NSNN 300.500tỷ đồng; Tổng cục Hải quan quyết tâm phấn đấu thu đạt 315.500 tỷ đồng.
Năm 2019, Tổng cục Hải quan được Bộ Tài chính giao dự toán thu NSNN 300.500tỷ đồng; Tổng cục Hải quan quyết tâm phấn đấu thu đạt 315.500 tỷ đồng.

Theo Quyết định 2231/QĐ-BTC ngày 23/11/2018 của Bộ Tài chính, năm 2019, Tổng cục Hải quan được giao dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN) 300.500 tỷ đồng; Tổng cục Hải quan quyết tâm phấn đấu thu NSNN năm 2019 đạt 315.500 tỷ đồng.

Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ, kế hoạch trên, Tổng cục Hải quan xác định việc tạo thuận lợi thương mại, chống thất thu là giải pháp quan trọng. Theo đó, trong năm 2019, ngành Hải quan tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2019.

Đồng thời, ngành Hải quan tiếp tục triển khai công tác cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác hải quan, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.

Đây được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, được triển khai thường xuyên, liên tục trong năm 2019 và những năm tiếp theo với các giải pháp cụ thể như: mở rộng đề án thu thuế và thông quan 24/7; Mở rộng đề án quản lý hàng hóa tập trung tại các cảng biển, cảng hàng không; tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động của nhóm công tác Hải quan – Doanh nghiệp; Đa dạng hình thức đối thoại, giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; Kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi các quy định tại Luật Quản lý thuế, Nghị định số 134/2016/NĐ-CP và các quy định pháp luật có liên quan.

Cùng với đó, ngành Hải quan tăng cường kiểm tra sau thông quan, thanh tra chuyên ngành, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại; trong đó, tập trung kiểm tra về số lượng, trị giá, mã số, xuất xứ… đối với các mặt hàng có thuế suất cao, kim ngạch lớn, tuần suất nhập khẩu nhiều.

Đặc biệt, công tác xác định xuất xứ hàng hóa để được hưởng các ưu đãi thuế quan được Tổng cục Hải quan yêu cầu các đơn vị chú trọng thực hiện khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực.

Bên cạnh đó, thực hiện kiểm tra tại 3 cấp (Tổng cục, cục và chi cục) theo đúng quy chế kiểm tra, kiểm soát nội bộ đối với việc thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan ban hành kèm theo Quyết định số 4398/QĐ-TCHQ ngày 20/12/2016 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.

Qua đó, kịp thời phát hiện các sơ hở, sai sót trong quá trình tổ chức thực thi để chấn chỉnh, khắc phục nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất. Cụ thể: Cấp Chi cục tổ chức rà soát, kiểm tra các lĩnh vực nghiệp vụ hải quan đối với các lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu thuộc địa bàn quản lý; Cấp Cục (các phòng tham mưu trực thuộc từng lĩnh vực) tổ chức rà soát, kiểm tra các nghiệp vụ hải quan đối với các chi cục thuộc địa bàn quản lý; Cấp Tổng cục (các vụ, cục trực thuộc từng lĩnh vực) tổ chức rà soát, kiểm tra các nghiệp vụ hải quan theo chức năng nhiệm vụ của từng đơn vị trên phạm vi toàn quốc.

Để tạo thuận lợi thương mại, chống thất thu ngân sách, trong năm 2019, ngành Hải quan tiếp tục tăng cường công tác tổ chức cán bộ: duy trì kỷ cương, kỷ luật trong thực thi nhiệm vụ; Đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực thực thi nhiệm vụ cho cán bộ công chức và người lao động; Chú trọng giáo dục đạo đức nghề nghiệp, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức có phẩm chất đạo đức tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng, chuyên nghiệp; Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ công chức không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao, có thái độ, hành vi gây phiền hà, sách nhiễu cho doanh nghiệp.