Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng:

Dư địa tăng trưởng vẫn còn nếu đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư

PV.

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, ngày 4/10.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, phải bảo đảm chặt chẽ việc chi ngân sách với mức tăng trưởng dự kiến từ 6,3 đến 6,5% trong năm nay.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, phải bảo đảm chặt chẽ việc chi ngân sách với mức tăng trưởng dự kiến từ 6,3 đến 6,5% trong năm nay.

Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đã thảo luận và đưa ra các giải pháp đồng bộ nhằm phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm khoảng 6,3-6,5%.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, phải bảo đảm chặt chẽ việc chi ngân sách với mức tăng trưởng dự kiến từ 6,3 đến 6,5% trong năm nay. Trong đó, kiên quyết cắt giảm các dự án không cần thiết, nếu không sẽ dẫn đến bội chi.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã từng lo ngại, do bội chi và nợ công tính trên GDP, vì vậy nếu GDP không đạt mục tiêu, thì khó có thể giữ được mức bội chi 4,95% cũng như tỷ lệ nợ công như yêu cầu của Quốc hội.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định, cần sớm triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm đảm bảo mục tiêu tăng trưởng như trên.

Trong đó, cần điều chỉnh lại cơ cấu chi, giảm tỉ lệ chi thường xuyên so với chi đầu tư phát triển. "Các bộ, ngành cần nỗ lực tối đa trong việc tiết kiệm chi thường xuyên." - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Lấy dẫn chứng cho giải pháp này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đánh giá cao việc Bộ Tài chính thực hiện khoán xe công đưa đón lãnh đạo vừa qua, góp phần tiết kiệm ngân sách và được dư luận ủng hộ.

Theo đó, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho rằng, cần nhân rộng việc khoán xe công như Bộ Tài chính đã làm để giảm chi thường xuyên quyết liệt hơn nữa.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng chia sẻ, hiện nay, nhiều bộ, ngành, địa phương có mức giải ngân vốn đầu tư ngân sách chậm, lý do chính là vướng mắc về thủ tục, trong đó có vốn trái phiếu Chính phủ 9 tháng mới giải ngân chưa đến 39%.

Bộ trưởng khẳng định, vốn không thiếu, nhưng do giải ngân chậm đã tác động đến tăng trưởng. Bởi vậy, dư địa tăng trưởng vẫn còn lớn nếu đẩy mạnh được công tác giải ngân.

Đồng tình với nhận định của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng cùng các thành viên Chính phủ đều cho rằng, cần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư, nhất là nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ nhằm tận dụng các dư địa, thúc đẩy tăng trưởng.