Đủ hàng Dự trữ Quốc gia để xuất cấp khi có tình huống khẩn cấp

Thu Thủy – Hồng Sâm

Sáng 25/09/2015, Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) đã tổ chức họp báo công bố tình hình xuất cấp hàng Dự trữ Quốc gia (DTQG) phục vụ các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách và xuất cấp gạo hỗ trợ học sinh, các địa phương theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Tham dự buổi họp báo có đại diện lãnh đạo các vụ, cục thuộc Tổng cục DTNN, đại diện hơn 50 cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và Hà Nội. Ông Lê Văn Thời, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN chủ trì buổi họp báo.

Ông Lê Văn Thời - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN trao đổi với báo chí tại buổi họp báo ngày 25/9/2015.
Ông Lê Văn Thời - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN trao đổi với báo chí tại buổi họp báo ngày 25/9/2015.

Tại buổi họp báo, ông Lê Văn Thời, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN đã thông tin về tình hình xuất cấp hàng Dự trữ Quốc gia (DTQG) phục vụ các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách và xuất cấp gạo hỗ trợ học sinh, các địa phương theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ từ đầu năm đến nay.

Theo ông Lê Văn Thời, từ đầu năm đến nay, đối với các mặt hàng do Bộ Tài chính (Tổng cục DTNN) trực tiếp xuất cấp, Tổng cục DTNN đã xuất cấp 77.172 tấn gạo, bao gồm: 13.063 tấn gạo cứu trợ cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán; 13.462 tấn gạo cho nhân dân để cứu đói giáp hạt; 5.595 tấn gạo cứu đói hạn hán cho nhân dân; 1.982 tấn gạo hỗ trợ dự án trồng rừng; 43.070 tấn gạo hỗ trợ cho học sinh (trong đó học kỳ II năm học 2014-2015 là 28.889 tấn và tạm ứng 02 tháng đầu năm học 2015-2016 là 14.181 tấn) theo Quyết định số 36/2013/QĐ-TTg.

Về vật tư, thiết bị, đến hết ngày 20/9/2015, các Cục DTNN khu vực đã thực hiện xong việc xuất cấp vật tư, trang thiết bị (đạt 100% kế hoạch) từ nguồn DTQG cho Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn theo Quyết định số 2406/QĐ-TTg ngày 31/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ để cấp phát cho 06 Bộ và 63 tỉnh, thành; gồm: 3.806 bộ nhà bạt cứu sinh các loại; 60 bộ xuồng các loại; 100.000 chiếc phao áo cứu sinh; 52.000 chiếc phao tròn cứu sinh; 1.300 chiếc bè cứu sinh nhẹ và 200 bộ thiết bị chữa cháy rừng. Đồng thời, xuất cấp 100 bộ nhà bạt; 02 xuồng cao tốc cho tỉnh Quảng Ninh và 01 bộ xuồng cao tốc cho huyện Lục Ngạn tỉnh Bắc Giang khắc để phục hậu quả mưa lũ trong thời gian đầu tháng 8/2015 vừa qua.

Đối với mặt hàng DTQG do các bộ, ngành quản lý đã xuất cấp, từ đầu năm 2015 đến nay, cụ thể: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất cấp vắc xin, hóa chất, hạt giống; Bộ Y tế xuất cấp các trang thiết bị y tế, cụ thể các loại máy gây mê, tạo ô xy; máy điện tim và các công cụ, dụng cụ liên quan đến phẫu thuật; Bộ Quốc phòng xuất cấp các trang thiết bị phục vụ nhiệm vụ bảo về Đại hội Đảng các cấp.

UBND các tỉnh đánh giá cao về tính hiệu quả của các chính sách chính sách hỗ trợ hàng DTQG, khẳng định đây là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong việc thúc đẩy phát triển vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn nói chung, giúp các địa phương bảo đảm an sinh xã hội và khắc phục hậu quả thiên tai, tạo niềm tin của nhân dân địa phương đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.

Ngoài ra, ông Lê Văn Thời cũng cho biết thêm đây đã là năm thứ ba những hạt gạo của Đảng, Chính phủ theo Quyết định số 36/2013/QĐ-TTg (QĐ36) ngày 18/6/2013 được xuất cấp đến từng trường, từng lớp để tiếp tục vun trồng ước mơ tuổi thơ. Riêng trong năm học 2015-2016, Bộ Tài chính đã có quyết định tạm xuất cấp hai tháng đầu năm học với số lượng 14.181 tấn gạo cho học sinh 39 tỉnh, thành phố tại một số trường có số lượng học sinh nhiều và thời gian khai giảng năm học sớm. Hiện nay, Tổng cục DTNN đang tổng hợp nhu cầu hỗ trợ gạo của các địa phương để kịp thời cấp tiếp của học kỳ I cho các em học sinh trong thời gian cuối tháng 9/2015.

Việc các em học sinh dân tộc thiểu số được hỗ trợ gạo, có lương thực đủ ăn trong thời gian theo học là một trong những yếu tố quan trọng, quyết định giúp các em tập trung học tập, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cung cấp nguồn nhân lực tại chỗ cho địa phương, góp phần xây dựng quê hương đất nước.

Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Thời, trong quá trình thực hiện còn có nhiều cách hiểu khác nhau về đối tượng thụ hưởng chính sách, gây khó khăn cho quá trình rà soát đối tượng dẫn đến chậm tiến độ giao, nhận gạo hỗ trợ. Bên cạnh đó, địa bàn được tiếp nhận hỗ trợ gạo thuộc các vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn(vùng Tây Bắc, khu vực Tây Nguyên, Tây Nam Bộ), khoảng cách các huyện xa, đường xá hiểm trở nhiều nơi phải sang tải để vận chuyển...

Cũng tại buổi họp báo, ông Lê Văn Thời, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN và đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Tổng cục đã trực tiếp trả lời nhiều câu hỏi của phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí về những vấn đề liên quan đến lĩnh vực dự trữ quốc gia. Đặc biệt, ông Lê Văn Thời cho biết, đối với hàng DTQG do Bộ Tài chính (Tổng cục DTNN) trực tiếp quản lý, về lương thực, ngành DTQG đã hoàn thành 100% chỉ tiêu kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 2326/QĐ-TTg, với số lượng thực tồn kho quy thóc dự trữ quốc gia trên 500.000 tấn quy thóc, đủ để xuất cấp cho các địa phương khi có các tình huống xảy ra trên diện rộng.

Đến nay, tổng giá trị hàng DTQG chiếm khoảng trên 0,21% GDP, trong đó: các Bộ, ngành quản lý khoảng 72% (gồm: Bộ Quốc phòng 25%, Bộ Công an 12%, Bộ Công thương 30%; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn 4%, các bộ, ngành khác chiếm khoảng 1%); Bộ Tài chính (Tổng cục DTNN) quản lý khoảng 28% tổng mức DTQG. Mục tiêu Chiến lược phát triển DTQG đến năm 2020 đã đề ra đến năm 2015 tổng mức GDP đạt 0,8-1% GDP và đến năm 2020 đạt khoảng 1,5% GDP.